A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi khổ vì đông con ở Buôn Kon H'ring

08:14 | 30/03/2015

Nhiều năm nay, buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) được gọi vui là buôn “siêu” đẻ bởi số trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên tại đây luôn “vượt trội” so với các địa phương khác trong huyện.

 Sinh đông con, sinh dày là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn cao với 47 hộ (chiếm 40,5% tổng số hộ nghèo toàn xã Ea H’đing). Kon H’ring cũng là buôn khó khăn nhất ở Ea H’đing.
 
 
Cán bộ dân số tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ tại nhà một hộ dân ở buôn Kon H'ring.

Buôn Kon H’ring hiện có 332 hộ với 1.998 nhân khẩu, trong đó 98,9% dân số là người Xê Đăng và hầu hết đồng bào đều theo đạo. Buôn được chia làm 3 địa bàn với 3 cộng tác viên dân số phụ trách song công tác tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Những quan niệm như “Đông con cho vui cửa vui nhà”, “Sinh thêm con để nối dõi tông đường” vẫn còn rất phổ biến; nhiều hộ không chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai còn vì những lý do như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi... Một số hộ cho rằng sử dụng biện pháp tránh thai là không phù hợp với giáo lý của tôn giáo nên cũng không thực hiện KHHGĐ. Theo thống kê của Ban Dân số - KHHGĐ xã Ea H’đing, trong tổng số 228 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của buôn Kon H’ring thì chỉ có 118 cặp sử dụng các biện pháp tránh thai (chiếm tỷ lệ 51,7%). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong buôn luôn dẫn đầu so với các địa phương khác của xã, chỉ tính trong năm 2 năm (2013 và 2014), toàn xã có 67 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thì buôn Kon H’ring đã có đến 21 trường hợp (chiếm tỷ lệ 31,3%); trong đó, năm 2013 có 10/35 trường hợp và năm 2014 có 11/32 trường hợp. Đáng nói là trong số những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên có cả sự “góp mặt” của nhiều cán bộ, đảng viên trong buôn. Vì vậy, hiện nay ở buôn Kon H’ring có nhiều hộ gia đình có đến 9 - 10 người con, còn những hộ có 4 - 5 người thì đếm không xuể… Chị Nguyễn Thị Đào, cộng tác viên dân số buôn Kon H’ring cho biết: “Để bà con hiểu được lợi ích việc sinh ít, sinh thưa, các cộng tác viên dân số trong buôn đã tăng cường bám địa bàn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Nhận thức của bà con cũng có chuyển biến ít nhiều song chỉ có lớp thanh niên là biết dừng lại ở 2 - 3 con; còn những cặp vợ chồng trên 30 tuổi thì vẫn cứ… đẻ, cộng tác viên dân số đến tuyên truyền thì họ bảo họ đẻ họ nuôi, “trời sinh voi trời sinh cỏ”. Nhiều cán bộ trong buôn đều có con thứ 3 trở lên, kể cả thôn trưởng, thôn phó, bí thư chi bộ và cán bộ phụ nữ…”.

Đông con, đẻ dày khiến nhiều gia đình trong buôn mãi vẫn không thoát cảnh đói nghèo. Gia đình chị H’Nưa và anh A Linh là một trong những cặp vợ chồng “siêu đẻ” ở buôn Kon H’ring. Lấy chồng khi mới 16 tuổi, đến nay ở tuổi 33, chị H’Nưa đã là mẹ của 7 đứa con, đứa lớn nhất năm nay đã 17 tuổi và đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Sinh nhiều cộng với sinh dày khiến chị không có thời gian cùng chồng làm kinh tế mà phải ở nhà để chăm sóc con cái. Đất sản xuất không có, thu nhập chỉ trông vào tiền đi làm thuê của người chồng trong khi công việc không ổn định nên cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, nhiều năm nay gia đình chị H’Nưa đều nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Không được chăm sóc chu đáo nên các con chị còi cọc hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Dù nhiều lần được cộng tác viên dân số vận động, thậm chí mang các phương tiện tránh thai trực tiếp đến nhà nhưng chị H’Nưa vẫn nhất quyết không chịu áp dụng.  Tương tự như vậy, do không áp dụng biện pháp tránh thai nào nên vợ chồng chị H’Yên liên tục “vỡ kế hoạch”, đến nay dù chỉ mới bước sang tuổi 30 nhưng chị đã có đến 5 đứa con, nhiều đứa chỉ cách nhau từ 1 - 2 năm. Nhà có đến 7 miệng ăn nhưng chỉ trông vào 3 sào cà phê và 2 sào ruộng nên cuộc sống của gia đình chị H’Yên gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn… Chị H’Yên tâm sự: “Lấy chồng thì mình phải đẻ. Thực ra ý định của vợ chồng mình là sinh ít con thôi nhưng đâu có được. Mình cũng từng uống thuốc tránh thai nhưng chỉ sử dụng được đúng 3 lần. Thấy đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi nên mình không dùng nữa nên cứ bị “vỡ kế hoạch”.

Với 48,3 % số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ dẫn đến tình trạng dân số buôn Kon H’ring sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là các hộ nghèo và cận nghèo. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ đến từng hộ gia đình bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng sinh đông, sinh dày ở buôn Kon H’ring như hiện nay.

Trung Dũng

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ