A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hậu đào tạo tiến sĩ: Môi trường để người tài phát huy

08:10 | 13/12/2017

Dự thảo Đề án chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS) trong giai đoạn 2017-2025 của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, môi trường làm việc, đãi ngộ sau khi trở về khiến nhiều nhiều người trăn trở.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ phụ thuộc phần nhiều vào những người thầy. Ảnh minh họa.

Để người tài tự nguyện trở về

Không phải đến bây giờ câu chuyện lương giáo viên nói chung và giảng viên ĐH nói riêng ở Việt Nam vẫn còn thấp mới được nhắc đến với nhiều trăn trở. Từ những năm 1990, GS.VS Phạm Minh Hạc thời còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng làm việc với Ngân hàng thế giới. Họ đã đề xuất tách lương của nhà giáo ra khỏi lương của hệ thống lương hành chính. Giáo viên nên có một chế độ lương riêng, phù hợp và xứng đáng với năng lực của mình để chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy thật tốt. Còn khi giáo viên chỉ là “thợ dạy” dù có cố gắng đổi mới chất lượng giờ dạy thì cũng chỉ trong phạm vi một cá nhân, không thể tạo ra tác động lớn tới cả một hệ thống giáo dục. 

Thấm nhuần quan điểm, phải có thầy giỏi thì mới đào tạo ra được trò giỏi, GS.VS  Phạm Minh Hạc cho biết, khi là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông có may mắn được học với những thầy giáo giỏi hàng đầu cả nước như GS Đặng Thai Mai, GS Trần Văn Giàu… Đây đều là những trí tuệ tinh hoa của nước nhà, được trở thành học trò của những người thầy như vậy là một niềm hạnh phúc, là quãng thời gian quý giá. 

Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, trình độ của người thầy, nhất là ở bậc đại học phải được đặt trong một chuẩn mực chung của quốc tế, không thể chỉ gói gọn trong nước. Vì vậy, việc tạo điều kiện để các giảng viên ĐH có cơ hội ra nước ngoài học tập, nâng cao tri thức là cần thiết. 

Vấn đề ở đây là nếu dùng ngân sách nhà nước để cấp học bổng cho một số đối tượng, cụ thể là khoảng 5.000 TS đào tạo ở nước ngoài cùng với các TS đào tạo ở trong nước thì có tạo ra bất hợp lý hay không? Bởi sau khi đầu tư hàng tỷ đồng cho một nghiên cứu sinh, khi họ trở thành TS và trở về nước chỉ nhận được mức lương hơn 3 triệu đồng? Một mức lương khó sống được ở thành phố, chưa nói đến việc sống tốt để toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu, giảng dạy. 

Chúng ta vẫn nói đến nạn chảy máu chất xám và trong câu chuyện đào tạo 9.000 TS này, nhiều ý kiến lo ngại những người được nhà nước đầu tư tiền đi học xong sẽ không trở về. Nhưng nếu cứ cử người đi đào tạo rồi chờ họ tự nguyện trở về nhận mức lương thấp với tâm lý “trả nợ” thì liệu có hiệu quả? 

Đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục đã nhấn mạnh, đó là hãy chuẩn bị kỹ môi trường làm việc để người ta tự nguyện quay về. Nói cách khác, phải có chính sách thu hút được người giỏi quay về làm việc bằng tiền lương, bằng môi trường làm việc thuận lợi cho việc nghiên cứu, kết nối với các học giả, nhà khoa học và các trường ĐH khác trong khu vực và quốc tế. 

Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước

Cũng theo dự thảo, không phải 9.000 TS đều gửi đi đào tạo ở nước ngoài mà có một phần đào tạo trong nước. Để những TS này sau khi được đào tạo cũng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng nghiên cứu khoa học nói chung thì yêu cầu đặt ra trước hết phải là được đào tạo thực chất theo chuẩn quốc tế. 

Quy chế mới về việc đào tạo TS do Bộ GD&ĐT mới ban hành, gần đây nhất là quy định siết chặt đầu vào, đầu ra trong đào tạo tiến sĩ của trường ĐHQG Hà Nội chính là một trong những động thái quyết liệt của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TS trong nước. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn- phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, việc ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ trước hết để tạo ra được khung, chuẩn về tổ chức, quản lý hướng tới chuẩn quốc tế. Còn một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là người thầy. Thầy vừa phải giỏi về chuyên môn, vừa phải có tâm mới đào tạo được những tiến sĩ giỏi. Muốn làm được như vậy, thu nhập của người thầy phải bảo đảm để thầy toàn tâm hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Đây cũng là quan điểm của GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) khi cho rằng cần có những đầu tư tốt hơn cho các giáo sư bởi chất lượng của TS phụ thuộc phần nhiều vào người thầy của họ. Thái độ và chuẩn mực của nghiên cứu sinh đối với việc nghiên cứu, hoàn toàn là ảnh hưởng từ người thầy và môi trường nghiên cứu xung quanh. Trong khi đó, đội ngũ những giáo sư giỏi, có kiến thức và thật sư yêu nghề ở Việt Nam chưa thể phát huy được hết khả năng do vì điều kiện làm việc khá vất vả. Số giờ dạy ở các trường ĐH rất cao và kinh phí làm nghiên cứu hạn hẹp... Nếu được trao một khoản kinh phí để tăng thu nhập, giảm giờ dậy, mua sắm thiết bị, tham gia hội thảo quốc tế để trau dồi kiến thức thì tình hình sẽ được cải thiện hơn. 

Đối với ý kiến cho rằng phải gửi nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài mới có chất lượng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng việc kết hợp với nước ngoài đào tạo TS là cần thiết, qua đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, giúp sinh viên tiếp cận môi trường quốc tế. Khi nghiên cứu sinh ra nước ngoài học TS sẽ có nhiều lợi ích hơn trong nước, họ được tiếp cận khoa học thế giới, tạo ra mối quan hệ với các nhà khoa học quốc tế. Nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nên áp dụng các hình thức đào tạo TS khác nhau, từ trong nước cho đến liên kết với nước ngoài, gửi nghiên cứu sinh ra các nước học. 

“Hiện nay chúng ta đang quản lý theo sản phẩm đầu ra. Sản phẩm cuối cùng của đào tạo TS là đạt được các yêu cầu như quy định. Hiện trong nước đã có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ ở các trường nước ngoài có uy tín, họ hoàn toàn có đủ năng lực để đào tạo”- PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.  

Đối với mức đầu tư đào tạo TS hiện nay, PGS Sơn cho rằng nên được xã hội hóa, có sự phối hợp giữa Nhà nước và người dân sẽ phù hợp hơn. Đến một thời điểm nào đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư kinh phí đào tạo TS ở những ngành mũi nhọn và quan trọng, cụ thể là Sư phạm, An ninh, Kỹ thuật, Công nghệ cao thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hay những ngành cần cho sự phát triển kinh tế đất nước trong tương lai như nông nghiệp...

Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ