A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắng với "vàng trắng"

08:18 | 26/09/2016

Sau một thời gian ồ ạt trồng cao su, hàng trăm hộ dân ở huyện Ea Súp đang phải nếm “trái đắng” khi vườn cây đến chu kỳ thu hoạch bị chết hàng loạt hoặc còi cọc không cho mủ.

Mơ hụt

Ông Phạm Văn Phú  (thôn 1, xã Cư M’lan) cho biết:  Năm 2007, ông đầu tư trồng 5,5 ha cao su những mong có thể đổi đời. Nhưng khi cao su đến độ khai thác thì giá cả xuống thấp, tiền bán mủ chỉ đủ trả tiền công và sinh hoạt trong gia đình, không có dư để trả chi phí hơn 1 tỷ đã vay mượn để đầu tư vào vườn cây. Không những vậy, từ đầu năm đến nay, vườn cao su 8 năm tuổi bắt đầu rụng lá và chết hàng loạt. Hiện vườn cao su đã chết hơn 1ha và nhiều cây khác cũng đang tiếp tục rụng lá và có dấu hiệu ngừng phát triển. “Do mùa khô năm 2015-2016 nắng hạn kéo dài, tầng đất ở đây mỏng nên cây cao su bị thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng rồi chết”, ông lý giải. Hỏi ông tại sao địa phương khuyến cáo không được trồng cao su khi chưa có chủ trương, quy hoạch mà vẫn trồng?, ông không giấu diếm: “Thời điểm đó giá cao su đang lên cao, thêm vào đó thấy nhiều dự án cũng được tỉnh cho trồng thí điểm cao su nên chúng tôi trồng theo. Đất khu vực này cằn cỗi, trồng cây gì cũng cho sản lượng thấp nên chấp nhận rủi ro để thử vận may với cây sao su. Giá mủ dù có xuống thấp vẫn đủ nuôi sống gia đình, còn bây giờ cây cứ chết dần chết mòn chẳng mấy chốc rồi cũng trắng tay thôi!”.

      Một vườn cao su  còi cọc  của  người dân xã Cư M'lan sắp bị  phá bỏ  để trồng cây khác.

Một vườn cao su còi cọc của người dân xã Cư M'lan sắp bị phá bỏ để trồng cây khác.

Ở khu vực này, ông Phú là người may mắn vì cây cao su còn khai thác được mủ, chứ nhiều hộ dân khác cao su bị chết sạch, số khác không đủ tiêu chuẩn để khai thác. Như gia đình anh Nguyễn Quyết Thắng ( ở thôn 6, xã Cư M’lan ), có 5 ha đất trồng hoa màu, năm 2009 anh vay mượn tiền đầu tư  trồng cao su, dự định năm nay sẽ được khai thác, nhưng chưa kịp tận hưởng thành quả lao động thì cây sao su rụng lá chết hơn 3 ha, phần diện tích còn lại phát triển kém không khai thác được. Hai vợ chồng anh giờ phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Khuyến khích chuyển đổi cây trồng

Ông Phạm Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, trên địa bàn xã hiện có gần 900 ha cao su, trong đó khoảng 300 ha là của các doanh nghiệp, còn lại là cao su tiểu điền của người dân. Diện tích cao su trên địa bàn phần lớn không mang lại hiệu quả kinh tế, một số diện tích bị còi cọc, một số khác bị chết. “Diện tích trồng cao su của người dân đều nằm ngoài quy hoạch. Trước đây khi bà con rục rịch trồng cao su, địa phương đã khuyến cáo không nên tự ý chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng cao su khi chưa có ý kiến kết luận của các cơ quan chức năng về thổ nhưỡng, khí hậu ở đây có phù hợp với loại cây trồng này không. Nhưng lúc đó giá cao su đang ở mức cao nên người dân không quan tâm đến khuyến cáo này”, ông Dân lý giải.

 Còn theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện không phù hợp với cây cao su do tầng đất mùn mỏng, chỉ sâu khoảng 25-70 cm, nên vài năm đầu cây cao su phát triển bình thường, nhưng sau đó rễ cây chạm phải tầng đất sét hoặc đá bàn nằm phía dưới sẽ ngưng phát triển và chết. Khí hậu ở đây cũng khắc nghiệt, nắng thì hạn, mưa thì ngập úng là một yếu tố gây khó khăn cho cây cao su phát triển. “Hiện nay chúng tôi đang khuyến khích người dân chuyển những diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang trồng hoa màu để tạo nguồn thu, còn về lâu dài có thể chuyển sang trồng mía, vì hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhà máy đường, nhu cầu mía nguyên liệu đang rất lớn”, ông Phú cho biết thêm. Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, trên địa bàn huyện hiện có 4.000 ha cao su, trong đó chỉ khoảng 1.600 ha cao su (nằm trong quy hoạch) của các doanh nghiệp, diện tích còn lại là cao su tiểu điền trồng tự phát của người dân.

Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, trên địa bàn huyện hiện có 4.000 ha cao su, trong đó chỉ khoảng 1.600 ha cao su (nằm trong quy hoạch) của các doanh nghiệp, diện tích còn lại là cao su tiểu điền trồng tự phát của người dân. 

Vạn Tiếp

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ