A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển kinh tế trang trại: Còn nhiều lực cản

13:44 | 09/12/2016

Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mô hình kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn,...

...tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trên thực tế ở Đắk Lắk, loại hình kinh tế trang trại đã phát huy được hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trang trại đã và đang tạo việc làm cho 4.141 lao động với mức thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/lao động/ngày công. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2015 của kinh tế trang trại đạt hơn 1.170 tỷ đồng, bình quân gần 1,6 tỷ đồng/trang trại. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi trang trại thu lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm; trong đó trang trại có lợi nhuận thấp nhất đạt 299 triệu đồng và cao nhất đạt 506 triệu đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp đa cây ở thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia

Huyện Cư M’gar là một trong những địa phương rất quan tâm phát triển kinh tế trang trại. Trong những năm qua, huyện luôn tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là về đất đai, vốn tín dụng, lồng ghép các chương trình hỗ trợ và ứng dụng khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế trang trại. Tính đến nay, toàn huyện Cư M’gar có 32 trang trại, có tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng; năm 2015 đạt tổng doanh thu 67 tỷ đồng; tạo việc làm cho 359 lao động. Nhiều trang trại đã trở thành “mô hình điểm” để nông dân học hỏi nhân rộng trong phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất cà phê – cây trồng mũi nhọn hằng năm mang lại gần 40% GDP của huyện, thì các trang trại trồng cà phê đã đi tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm cà phê chất lượng cao, nâng cao thu nhập trên bình quân diện tích đất canh tác. Mô hình trang trại trồng xen hồ tiêu, bơ với cà phê của hộ ông Nguyễn Bá Phước (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) là một ví dụ. Từ năm 1990, gia đình ông Phước đã đầu tư xây dựng trang trại cà phê với diện tích 15 ha, sản lượng cà phê hằng năm đạt 40-50 tấn. Nhiều vụ, nhờ biết thâm canh, cà phê của ông Phước đạt năng suất 7 tấn nhân/ha, gia đình ông thu đến 100 tấn/năm. Từ năm 2010 đến nay, khi cà phê “rớt giá”, ông chuyển hướng trồng xen hồ tiêu, bơ trong vườn cà phê để tạo thêm thu nhập, duy trì sự phát triển. Dự kiến năm 2016, thu nhập từ trang trại mang lại cho gia đình ông Phước khoảng 2,4 tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động. Ông Phước dự định sẽ chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu để nâng cao thu nhập và mở thêm ngành nghề kinh doanh như cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản cho bà con trong vùng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nằm trong bối cảnh chung của phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên, mô hình kinh tế trang trại ở Đắk Lắk đang gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển bền vững. Trước hết, phần lớn trang trại trên địa bàn Đắk Lắk được hình thành một cách tự phát dựa trên nhận thức, nguồn lực tự có của hộ gia đình. Khi có điều kiện về quỹ đất, người dân tự huy động nguồn vốn, xác định cây trồng vật nuôi, học hỏi kỹ thuật, thuê mướn lao động… và hình thành trang trại. Vì vậy, hầu hết trang trại chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Giá sản phẩm nông nghiệp lại thiếu ổn định, không được bao tiêu nên thu nhập của các trang trại cũng bấp bênh như tình trạng chung của ngành nông nghiệp; khi giá nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, giá thực phẩm chăn nuôi… xuống thấp hơn chi phí sản xuất thì trang trại dễ lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản và nợ nần.

Mô hình trang trại trồng xen hồ tiêu, bơ trong vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Bá Phước (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar).

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đến quy hoạch phát triển trang trại. Cụ thể, mặc dù từ ngày 18-7-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1555/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, nhưng đến nay chỉ có 3 huyện là: Krông Năng, Buôn Đôn và Krông Bông phê duyệt và tổ chức công bố quy hoạch; 12 huyện, thị xã và thành phố còn lại chưa phê duyệt, công bố quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Hiện nay, công tác lập quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ tỉnh đến huyện, vì vậy không tạo được sự liên kết giữa phát triển trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung; cũng như chưa gắn phát triển kinh tế trang trại với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở từng địa phương”.

Bên cạnh đó, những vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng, giải quyết đầu ra cho sản phẩm cũng là những lực cản rất lớn tác động tiêu cực đến kinh tế trang trại. Thậm chí, hiện nay, nhiều trang trại, do nguồn gốc đất không rõ ràng, nên không được hoặc chậm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kéo theo không tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh trong năm 2017 ban hành Nghị quyết về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại, thay thế Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND, ngày 10-7-2009, vì có những nội dung quy định không còn phù hợp xu thế phát triển trang trại giai đoạn hiện nay; đồng thời triển khai thực hiện tốt các chính sách về tiêu thụ sản phẩm, về vốn đầu tư và tín dụng, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho kinh tế trang trại phát triển.   

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 732 trang trại, tăng 27 trang trại so với năm 2015; trong đó có 350 trang trại trồng trọt, 301 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại lâm nghiệp, 15 trang trại nuôi trồng thủy sản và 63 trang trại tổng hợp. Tổng nguồn vốn đầu tư của trang trại tính đến nay khoảng 1.089 tỷ đồng, bình quân gần 1,5 tỷ đồng/trang trại; trong đó tỷ lệ vốn vay chiếm gần 24%, vốn tự có hơn 76%. 


Bình Định

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ