A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một số lưu ý khi điều khiển xe số tự động

13:55 | 21/11/2014

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do “xe điên” gây ra bởi người điều khiển phương tiện đạp nhầm chân ga đã khiến dư luận không khỏi lo lắng, e ngại.

Nguyên nhân thì rất nhiều: lái xe mới ra trường còn “non” kinh nghiệm, người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích như bia, rượu, ma túy… và một nguyên nhân khác cũng không kém nguy hại là do thiếu hiểu biết.

Trong chuyến công tác gần đây tôi được ngồi trên chiếc xe Ford bảy chỗ, số tự động do một chị bạn cầm lái. Là lái xe lâu năm, thấy chị điều khiển xe chưa đúng cách nên tôi góp ý: “Chị dùng chân phải giữ bàn đạp ga, chân trái đạp phanh là không đúng, là sai, là rất nguy hiểm!”. Chị tỏ ra rất ngạc nhiên và hơi bực mình: “Chứ chân trái để làm gì?”. Đó có lẽ cũng là thắc mắc chung của khá nhiều người khi điều khiển xe số tự động. Thực tế, khi điều khiển xe số tự động, chân trái không làm gì, chỉ giúp người lái ngồi vững vàng và đúng tư thế. Trong 450 câu hỏi lý thuyết Luật Giao thông đường bộ có câu: “Khi điều khiển xe số tự động, người lái xe sử dụng chân như thế nào cho đúng?”. Đáp án là: Không sử dụng chân trái, chân phải điều khiển bàn đạp phanh và bàn đạp ga.

Một tư thế sai khi điều khiển xe số tự động là người lái  sử dụng chân trái đạp phanh. (ảnh minh họa)

Một tư thế sai khi điều khiển xe số tự động là người lái sử dụng chân trái đạp phanh. (ảnh minh họa)

Việc người lái dùng chân sai ở xe số tự động khiến chân trái luôn ở vị trí tréo ngoe, tư thế ngồi không chắc chắn dẫn đến lúc cần phanh gấp, lực đạp sẽ không đủ. Chân phải thường xuyên ở vị trí chân ga, dẫn đến tình trạng khi phanh, chân ga không nhả kịp, xe vẫn lao tới mặc dù người lái đã đạp phanh. Trường hợp này lái xe dễ mất bình tĩnh đạp thêm chân ga, chiếc xe sẽ mất kiểm soát.

Xe số tự động là loại xe hiện đại đang phổ biến trên thị trường với nhiều tính năng ưu việt. Nhà sản xuất đã ứng dụng kỹ thuật cao kết hợp các bộ phận như côn, ga, số lại với nhau, nhằm giảm bớt các thao tác, cũng như sức lao động của người lái và nâng cao hệ số an toàn cho quá trình vận hành chiếc xe. Rất nhiều xe bỗng dưng trở thành “xe điên” gây tai nạn hàng loạt, các lái xe sau đó đều thừa nhận “đạp nhầm chân ga” và nguồn cơn có lẽ không ít trường hợp xuất phát từ những sai lầm do thiếu hiểu biết “chết người” này.

Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản số 46/2012/TT-BGTVT quy định các trung tâm đào tạo lái xe phải bố trí xe số tự động phục vụ nhu cầu của các học viên. Đối với hạng đào tạo bằng B1, B2 phải có 10 giờ học lái xe số tự động. Trên thực tế ở các trường dạy lái trên cả nước, không phải trường nào cũng có điều kiện sắm xe số tự động để học viên được thực hành. Hơn nữa, chưa có quy định cụ thể, hay giáo trình để các cơ sở đào tạo đem ra ứng dụng. 10 giờ học lái xe số tự động so với một đời lái xe, xem ra cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Xã hội phát triển, xe số tự động với những tiện ích thiết thực, dễ lái, dễ sử dụng, hệ số an toàn cao được đông đảo người sử dụng ưa thích và đang dần thay thế xe số sàn là một thực tế. Thiết nghĩ Bộ Giao thông – Vận tải cần sớm có quy định đưa xe số tự động vào chương trình đào tạo lái xe bắt buộc, riêng biệt, với quy trình, thời gian cụ thể, giáo án đào tạo bài bản và phải có sát hạch cấp giấy phép như các loại xe khác. Trong khi chờ Bộ Giao thông – Vận tải có những điều chỉnh phù hợp, ở thời điểm hiện tại, các cơ sở đào tạo lái xe cần chủ động tăng thời lượng hướng dẫn xe số tự động cho các học viên có nhu cầu, góp phần giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc như đã từng xảy ra.

Trương Nhất Vương

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ