A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gia tăng tội phạm giết người mâu thuẫn gia đình

14:32 | 10/02/2015

Trong những năm gần đây, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà tình hình tội phạm giết người nói chung và giết người thân trong gia đình nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Viện KSND tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2014 (đến 30-11-2014), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ giết người (so với năm 2013, tăng 4 vụ); trong đó có 16 vụ giết người thân trong gia đình, chiếm 30,7% (tăng 6 vụ so với năm 2013). Trong 16 vụ giết người thân thì có 6 vụ chồng giết vợ; 3 vụ em giết anh, chị; 2 vụ con giết cha; 2 vụ anh giết em; 1 vụ cha giết con; 1 vụ cháu giết bà; 1 vụ cháu giết dượng.

Trong tất cả các vụ án giết người, thì các vụ giết người thân trong gia đình gây nên thảm cảnh đau thương nhất, bởi mọi hậu quả gây ra đều do gia đình gánh chịu. Có vụ chỉ vì ghen tuông, buồn phiền gia đình rồi ra tay thực hiện hành vi sát nhân; cũng có thể do không làm chủ được ý thức, không làm chủ được hành vi (người mắc bệnh tâm thần); do suy diễn tiêu cực rồi dẫn đến giết người thân hoặc do tranh chấp về tài sản, thậm chí là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống… cũng dẫn đến những vụ án đau lòng. Có thể kể một số vụ án điển hình như: Vụ án giết người xảy ra ngày 29-3-2014, tại xã Ea Nuôl (Buôn Đôn), do mâu thuẫn trong việc phân chia đất rẫy giữa các thành viên trong gia đình nên ông Y Bun H’Đơk bị chính con trai của mình là Y Bli Byă dùng cuốc đánh chết ngay tại chòi rẫy của gia đình. Hoặc vụ án vào tối ngày 21-1-2014, tại xã Ea Hiao (Ea H’leo), Ksơr Y Tài (SN 1996) sau khi uống rượu say đã về nhà xin tiền mẹ là bà Ksơr H’Yaih để đi uống rượu tiếp nhưng không xin được nên Y Tài đã đuổi đánh bà H’yaih làm bà phải bỏ chạy; sau đó Y Tài quay lại dùng gậy đánh chết bà Ksơr H’Rớt là bà ngoại của Y Tài, đang sống chung với gia đình Y Tài. Hay vụ án xảy ra vào ngày 14-1-2014, sau khi đi uống rượu về giữa Y Dôn Êban và vợ là chị H’Pun Kbuôr (trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) xảy ra mâu thuẫn và xô xát với nhau nên Y Dôn đã lấy chai thuốc trừ sâu, dùng tay kẹp cổ và đổ vào miệng làm chị H’Pun bị chết…

TAND tỉnh xét xử bị cáo Y Dôn Êban phạm tội giết người.

TAND tỉnh xét xử bị cáo Y Dôn Êban phạm tội giết người.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người nói chung và các vụ án giết người thân nói riêng, xin nêu lên một số giải pháp, kiến nghị, đề xuất như sau: Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc... định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Đối với những hộ gia đình trong khu vực dân cư, khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt, đất đai, kinh tế… thì lực lượng Công an cơ sở cần phải phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài. Đối với các vụ án giết người thân xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ án gây bức xức trong dư luận cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm, lưu động ngay tại địa bàn, qua đó tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tuyên truyền về nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật. Ngoài ra cần phải giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra có thẩm quyền cần phải có kế hoạch phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã, Công an xã… thông qua việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” ở khu dân cư; tiến hành công tác điều tra cơ bản ở các cụm dân cư, khu phố, thôn xóm để chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Các cơ quan tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân; phải giải quyết một cách thấu tình, đạt lý, kịp thời, chính xác; hạn chế để tranh chấp, khiếu kiện kéo dài dẫn đến tội phạm giết người. Ngành Tư pháp phải thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải; các Trung tâm trợ giúp pháp lý... để tư vấn, hỗ trợ, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân. Đồng thời, từng thành viên trong xã hội cần xây dựng cho mình lối sống trong sáng, lành mạnh, ứng xử có văn hóa; trường hợp có tranh chấp xảy ra thì nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp, giúp đỡ, không nên dùng bạo lực để giải quyết; nếu bản thân bị người khác đe dọa giết hại thì kịp thời báo cho cơ quan Công an hoặc các cơ quan, tổ chức khác để được giúp đỡ, bảo vệ, giải quyết…

Lê Quang Tiến

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ