A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đừng để lòng tốt trao nhầm chỗ

15:05 | 27/06/2023

Bịa đặt thông tin về các hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt, nhiều đối tượng đã bị vạch trần.

Bịa đặt hoàn cảnh đáng thương

Trong một lần lướt Facebook, thương cảm với những hình ảnh đăng tải về một bệnh nhi mắc căn bệnh hiểm nghèo, chị Lê Thị Diễm, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đã không ngần ngại chuyển 100.000 đồng vào tài khoản đính kèm. Bẵng đi một thời gian, chị đọc được thông tin về trường hợp chị chuyển tiền ủng hộ là giả và kẻ kêu gọi bị lực lượng chức năng khởi tố.

Chị Diễm cho biết: “Vì số tiền ủng hộ không đáng là bao và kẻ lừa đảo đã bị khởi tố nên tôi cũng im lặng. Nhưng rút kinh nghiệm, những lần sau tôi phải tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ”.

Chị Diễm chỉ là một trong số rất nhiều nhà hảo tâm từng trao nhầm lòng tốt cho những kẻ lừa đảo. Dù số tiền mỗi người ủng hộ không lớn nhưng "tích tiểu thành đại", số tiền mà kẻ lừa đảo nhận được sẽ lên tới hàng tỷ đồng.

Cụ thể, trong một vụ án mà lực lượng công an tỉnh Đắk Nông vừa triệt phá mới đây, nhà từ thiện rởm đã nhận được tiền ủng hộ hơn 5,6 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, khoảng đầu năm 2021, đối tượng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua mạng xã hội Facebook bằng hình thức kêu gọi tiền từ thiện.

Sau đó, đối tượng lên mạng internet tìm kiếm thông tin và tải các hình ảnh rồi đăng lên mạng xã hội Facebook kèm theo bài viết có nội dung phản ánh người thân (vợ, con, bố, mẹ, anh, chị…) với những câu chuyện bịa đặt về hoàn cảnh hết sức đáng thương rồi kêu gọi từ thiện (chuyển tiền vào tài khoản cá nhân với tên giả) nhằm trục lợi.

Đối tượng lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội bị cơ quan công an khởi tố tạm giam

Với thủ đoạn đó, từ đầu năm 2021 đến ngày 13/6/2023, đã có 5.887 người có tấm lòng hảo tâm ở nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước “sập bẫy” và chuyển cho đối tượng hơn 5,6 tỷ đồng thông qua nhiều tài khoản ngân hàng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng và bị đối tượng chiếm đoạt. Người chuyển nhiều nhất là hơn 5 triệu đồng và ít nhất là 20.000 đồng.

Trước đó, năm 2022, Công an Cần Thơ đã triệt phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội. Đối tượng táo tợn ở chỗ làm giả tài khoản tên “BAO CAN THO” để mọi người lầm tưởng đây là tài khoản ngân hàng của Báo Cần Thơ và chuyển tiền vào.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, trong một thời gian dài đã sử dụng tài khoản Facebook đăng tải thông tin về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ từ thiện, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng.

Nâng cao cảnh giác

Theo các cơ quan chức năng, tình trạng lừa đảo từ thiện hiện đang diễn ra khá phổ biến trên mạng xã hội. Các đối tượng thường làm giả giấy tờ để tạo tài khoản ngân hàng với tên giả; tài khoản mạng xã hội của các đối tượng cũng được tạo lập với thông tin giả hoặc rất sơ sài nhằm trốn tránh pháp luật...

Lực lượng chức năng khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn sử dụng mạng xã hội kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội; yêu cầu người đăng tải công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ; liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng.

Các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Từ thiện là hoạt động mang tính nhân văn, vì vậy, đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia. Chúng ta đừng vì một số cá nhân lợi dụng từ thiện để trục lợi mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Quan trọng là trước khi làm từ thiện, chúng ta nên tìm hiểu về đối tượng mà mình muốn giúp đỡ, rồi mới quyết định làm gì cho họ.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ tháng 12/2021 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

2. Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

3. Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

 

P.V

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/dung-de-long-tot-trao-nham-cho-153934.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ