A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Du lịch Đắk Lắk và bài toán phát triển bền vững

13:53 | 09/08/2016

Là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Ðắk Lắk xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực tế trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2012 - 2015, doanh thu và lượng khách hằng năm của tỉnh tăng bình quân 13,60%.

Sự phát triển của du lịch ĐắkLắk đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đồng bào địa phương. Họ đã được tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất và dịch vụ để làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch như: tham gia đan lát, dệt hàng thổ cẩm, chế tác các sản phẩm từ gỗ và tre nứa, làm rượu cần,…để tạo thành các món quà lưu niệm phục vụ cho du khách địa phương; đưa voi, thuyền độc mộc vào phục vụ du khách; kết hợp với các công ty du lịch đón khách du lịch vào nghỉ tại nhà dài của mình theo chương trình du lịch cộng đồng (homestay) và tham gia biểu diễn văn nghệ cồng chiêng; một số con em của họ được tham gia làm việc tại các khu, điểm du lịch và một bộ phận khác thì cung cấp lương thực, thực phẩm mà họ sản xuất được như cơm lam, gạo, gà, cá, rau… Chính những hoạt động này đã góp phần cải thiện đời sống của người dân. Mặt khác, thông qua việc tham gia vào hoạt động du lịch họ cũng được giao lưu, học hỏi mở rộng tầm nhìn về các vấn đề trong cuộc sống, học được cách giao tiếp, ứng xử, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…

Đó là những kết quả ban đầu mà hoạt động du lịch đã đem lại cho đồng bào dân tộc bản địa, tuy còn nhỏ bé và chưa có tính bao quát, phổ biến rộng rãi trong đại bộ phận dân cư nhưng bước đầu cho thấy sự phát triển của du lịch đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho một số hộ đồng bào và con em của họ có điều kiện tạo ra thu nhập từ du lịch để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, để du lịch Đắk Lắk phát triển bền vững và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư địa phương thì trong thời gian đến cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với chính sách của Trung ương cũng như địa phương về chương trình mục tiêu giảm nghèo nhằm triển khai thực hiện tại địa phương.

Trước hết, giáo dục cho người dân hiểu, biết cách làm du lịch, tiến tới xã hội hóa du lịch, xây dựng các loại hình du lịch cộng đồng tại các buôn làng dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Ngành Du lịch cần phải tổ chức những đợt điều tra, đánh giá toàn diện kết hợp với sự tham vấn của chuyên gia để lựa chọn ra những khu vực có thể tổ chức du lịch cộng đồng có khả năng thành công cao trong toàn tỉnh. Làm được điều này đối với khu vực nông thôn sẽ có tác động rất lớn đối với việc xóa đói giảm nghèo, là cơ sở để nẩy mầm các giá trị văn hóa tiềm ẩn trong cộng đồng và là điều kiện xúc tác, thúc đẩy nền kinh tế du lịch phát triển bền vững.

Phát triển du lịch cộng đồng muốn thành công cũng cần sự ủng hộ và hỗ trợ thường xuyên của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan, khối doanh nghiệp du lịch và các tổ chức tài trợ trong nước và quốc tế. Đắk Lắk thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn từ phía chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch. Phát triển ngành Du lịch, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất cần đến sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, điện, nước, vệ sinh và phương tiện thông tin liên lạc.

Nếu được chuẩn bị một cách chu đáo, cơ sở hạ tầng loại này có thể mang lại lợi ích tích cực cho người nghèo ở địa phương qua việc cung cấp sản phẩm hàng hóa và các dịch vụ cơ bản, hình thành những tuyến đường mới để tiếp cận thị trường được nhanh hơn, thuận lợi hơn và mở ra cơ hội cho việc phát triển các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại cộng đồng địa phương. Trong kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của toàn tỉnh cũng nên có sự lồng ghép, tính đến cả phần quy hoạch và phát triển du lịch.

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành của tỉnh cần tiếp tục khảo sát và phối hợp với cộng đồng để xây dựng nhiều tour du lịch dựa vào cộng đồng nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng nông thôn. Đặc biệt là các tour du lịch sinh thái, tham quan cơ sở, làng nghề truyền thống, tìm hiểu nét văn hóa của dân tộc bản địa… là những sản phẩm mang sắc thái riêng của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Đắk Lắk có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đưa các giá trị văn hóa này trở lại phục vụ đời sống của đồng bào và phục vụ cho du lịch để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đối với cộng đồng các dân tộc bản địa, tạo động lực để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch văn hóa bền vững là điều tỉnh Đắk Lắk cần phải thực hiện trong những năm tới.

Phương Hiếu

 

Source : Nguồn: Báo Du lịch Việt Nam

    Nguồn: daktip.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ