A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghề đan bội tre ở Krông Kmar

08:09 | 11/05/2015

Nhiều năm qua, nghề đan bội tre vẫn duy trì ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Đan bội ở Krông Kmar chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, hiện trong xã có hơn 10 hộ vẫn lưu giữ được nghề đan truyền thống này, tập trung nhiều nhất là ở tổ dân phố 6 và 7. Nhờ vào nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thông qua đôi bàn tay khéo léo người thợ đã biến những thanh tre, lồ ô thành những chiếc bội tiện dụng với nhiều kích cỡ: lớn, trung nhỏ, nhưng phổ biến nhất là loại bội loe và bội tròn, có đường kính 60 cm, dùng để đựng trái cây, còn loại bội nhỏ dành để nhốt gà, vịt…

Ở Krông Bông bây giờ, nói đến nghề đan lát thì người ta nhắc ngay đến hộ chị Nguyễn Thị Kim Nhật (trú tại tổ dân phố 7), bởi sản phẩm do chị làm ra được tiếng đẹp và tinh xảo. Đây là nghề thủ công chính mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị từ hơn 15 năm nay. Với chị, đan lát không chỉ tạo ra một vật dụng hữu ích mà nó còn gắn với chị như một niềm đam mê thật sự. Chị tâm sự, ngày nào không chẻ nan, đan lát thì cứ thấy buồn tay buồn chân, người như thiếu đi một thứ gì đó rất đỗi quen thuộc... Theo chị Nhật, so với đan các vật dụng khác, đan bội khá đơn giản, người nhanh trí thì học mất vài ngày, chậm hơn thì học khoảng một tuần là có thể đan được, còn muốn đan thành thạo, nhanh, đặc biệt, để các đường nan đều tay và đẹp mắt thì cần thời gian lâu hơn. Cơ sở đan lát ở chị Nhật lúc nào cũng có từ 3-5 thợ làm bội. Hằng ngày, chị ngồi chẻ nan còn các thợ thì tỉ mỉ ngồi đan phần đáy, thân và mặt bội. Thợ lành nghề trung bình mỗi ngày có thể làm ra khoảng 30 chiếc bội, mỗi ngày cơ sở làm ra cả trăm chiếc, và được bán ra với giá 15.000-20.000 đồng/ chiếc, cứ 2 đến 3 ngày, chị lại thuê một chuyến xe  vận chuyển bội lên TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ.

Thợ thủ công đan bội tại gia đình chị Nhật (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar).

Thợ thủ công đan bội tại gia đình chị Nhật (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar).

Để tạo nên một sản phẩm, thông thường phải trải qua nhiều công đoạn: tre, lồ ô chặt về trước hết là chẻ nan, sau đó, rất tỉ mỉ, người thợ bắt đầu gầy mê (đan những nan giữa), rồi làm vành, tức dùng đoạn tre để uốn thành những vòng tròn, theo kích cỡ đã định sẵn, khi mê và vành đã hoàn tất, người thợ bắt đầu lận để tạo hình cho sản phẩm thành những chiếc bội, các triêng mê được kẹp chặt vào trong vành, và người thợ sẽ siết chặt để cố định lại.

Theo nhiều hộ dân nơi đây, sản phẩm làm ra không bị đọng hàng, tiêu thụ quanh năm, nhưng rộn ràng nhất là vào tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, bởi đây là lúc vào vụ của nhiều loại trái cây địa phương, nhu cầu dùng bội tăng đột biến. Thường thời gian này, phải tăng thêm thợ đan và nhiều đêm thức làm tới khuya mới đủ hàng để giao.

Nghề đan lát này không chỉ là kế sinh nhai chính của hộ chị Nhật mà đây còn là nghề phụ của bà con lúc nông nhàn. Thời gian rỗi, chị Trần Thị Yến (tổ dân phố 7) thường đến làm thợ cho các hộ sản xuất bội, tiền công ăn theo sản phẩm, mỗi chiếc bội làm ra chị nhận được 5.000 đồng. Trung bình một ngày chị kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Theo chị, tuy không nhiều nhưng ở vùng nông thôn thì đây là mức thu nhập khá. Hơn nữa, nghề này được cái không bó buộc thời gian, rỗi tay lúc nào là đan lúc đó, ngày làm không hết thì nhận hàng về, ban đêm tranh thủ làm thêm.

Ông Vũ Xuân Triều, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar cho biết, nghề đan lát tồn tại khá lâu đời tại địa phương, đã góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân, nhất là lao động nữ thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, nghề đan bội cũng đang đứng trước khó khăn thiếu hụt nguồn nguyên liệu, bởi tre, nứa tại địa phương không còn dồi dào như trước đây. Do đó, một mặt thị trấn vẫn khuyến khích bà con lưu giữ nghề truyền thống, mặt khác thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tìm kiếm nguồn nguyên liệu hợp lý, tránh tình trạng lên rừng khai thác tre, lồ ô bừa bãi, ảnh hưởng đến sinh thái của địa phương.

Trâm Anh

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ