A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Săn" lan rừng

14:24 | 02/02/2016

Hoa lan được ví như “nữ hoàng các loài hoa” bởi sự kiêu sa và dáng vẻ đài các của mình cộng với hương thơm ngạt ngào đầy quyến rũ. Có lẽ chính vì vậy mà từ lâu nay, chơi lan đã trở thành thú vui tao nhã của rất nhiều người.

Không chỉ đam mê vẻ đẹp của hoa lan, nhiều người đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết để tìm tòi, nghiên cứu, khám phá  vẻ đẹp của loài hoa “nữ hoàng” này từ tận rừng sâu…

Đam mê

Giới chơi lan rừng ở Đắk Lắk không ai lạ gì Phạm Võ Hiến, một thanh niên nông dân thứ thiệt ở Ea Wy, huyện Ea H’leo bởi bộ sưu tập lan rừng của anh. Cái duyên đưa Hiến đến với lan rừng cũng thật tình cờ… Xuất thân từ một gia đình nông dân nên anh nối nghiệp bố mẹ, gắn bó đời mình với ruộng rẫy. Tranh thủ những lúc nông nhàn, Hiến lang thang vào rừng tìm những gốc cây, rễ cây về mày mò đục đẽo chế tác đồ gỗ mỹ nghệ. Cách đây mấy năm, một lần anh loay hoay “trục” một gốc hương trong rẫy. Mệt bở hơi tai nhưng không thể đào lên được, Hiến buông xà beng nằm dựa vào gốc cây nghỉ mệt thì chợt phát hiện một nhánh lan rừng đang rực rỡ khoe sắc. Vẻ đẹp cộng với hương thơm thoang thoảng của hoa như liều thần dược giúp anh quên đi mọi mệt nhọc, tinh thần sảng khoái hẳn lên. Mang nhành lan rừng về, Hiến bỏ hẳn việc sưu tầm gốc cây, rễ cây và bắt đầu “săn” lan rừng.

Anh Cảnh trong một chuyến đi rừng.

Anh Cảnh trong một chuyến đi rừng.

Lúc nào rảnh là Hiến lại đi tìm lan rừng. Không có thời gian nhiều thì anh tranh thủ đi dạo trên rẫy nương trong vùng. Còn hôm nào rảnh rỗi thì kết nối những người trong hội chơi lan rừng tổ chức đi vài ba ngày. Hơn 3 năm qua, bước chân của anh đã lội khắp những cánh rừng ở Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên… “Hội đi rừng” của anh cũng có nhiều tầng lớp, thành phần, ở khắp nơi trong tỉnh, thậm chí có cả ở Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng… nhưng đều có cùng chung một niềm vui là “yêu rừng, thích lan”. Hiến tâm sự: “Mục đích của bọn em đi rừng không phải để hái lan về bán mà chủ yếu là để… ngắm lan rừng. Chỉ những khi phát hiện ra loài hoa lạ, trong vườn chưa có mới mang giống về cấy trồng. Chính vì vậy mà rất nhiều chuyến đi, anh em ra về tay trắng. Nhưng bù lại, chúng em được trải nghiệm, được hiểu biết thêm về rừng…”.

Trong vườn nhà mình, Hiến dành hẳn một góc rộng để nuôi cấy lan rừng. Theo Hiến thì hiện tại trong vườn nhà anh có trên 300 giống lan rừng các loại. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan vườn, Hiến vừa giới thiệu đặc điểm của từng loài cũng như nguồn gốc xuất xứ được lấy về từ đâu… Nào là Lan Mao, Lan Nhung được lấy về từ rừng Kim Huỳnh (huyện Ea Súp), nào là Tử Đình Lan được lấy về từ thác Đray Sáp, hay như Lan Ma (Căn Diệp) không có lá mà chỉ có rễ và hoa, Hoàng Thảo Xanh có hoa nở quanh năm, Hoàng Phú Hạc nở hoa đúng vào dịp Tết… Đặc biệt, trong vườn lan của Hiến hiện đang có một loài lan Lọng Chuột được cho là rất quý bởi có hoa bị đột biến, nở trắng tinh khác với các loài lan lọng thông thường. Hiến kể: Cách đây mấy tháng, vô tình anh phát hiện và nhặt về một gốc lan Lọng Chuột gồm có 9 mầm, trong đó có 6 mầm nở hoa đột biến. Được tin, một người chơi lan ở miền Tây đặt vấn đề mua ngay. Vì không có ý định bán nên Hiến “hét” giá “trên trời”: 1 triệu đồng cho một mầm hoa (chỉ bằng ngón tay cái). Không chút đắn đo, người này chồng tiền ngay nên Hiến đành phải bán đi 6 mầm…

“Rừng lan” trong phố

Theo lời giới thiệu của Hiến, chúng tôi tìm đến “rừng lan” của anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1981) tại địa chỉ 3/12/3 đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Gọi là “rừng” thật không ngoa, bởi trong khuôn viên trên 500 m2 đất vườn nhà anh, đâu đâu cũng có lan, mà hầu hết là lan rừng. Gặp chúng tôi, anh nói ngay: “Nếu bạn muốn xem hoa lan đẹp thì hãy tìm đến những vườn lan công nghiệp. Còn nếu muốn tìm hiểu về lan thì mời đến đây!...”.

Tốt nghiệp kiến trúc sư ngoại cảnh tại Học viện Lâm nghiệp Saint - Peterburg (Nga) năm 2008, chàng kỹ sư cảnh quan sân vườn Nguyễn Văn Cảnh về nước nhưng không tham gia công tác ở cơ quan nào mà chỉ chú tâm vào nghiên cứu lan rừng. Anh Cảnh cho biết, mình bắt đầu chơi lan từ năm học lớp 6. Đến khi đi nghiên cứu ở Nga, lại chuyên về lĩnh vực hoa nên đã thổi bùng trong anh niềm đam mê về hoa lan. Chính vì vậy, khi về nước, anh bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu về loài hoa này.

Giáo sư Leonid V. Averyanov (giữa) nghiên cứu về lan tại nhà anh Nguyễn Văn Cảnh.

Giáo sư Leonid V. Averyanov (giữa) nghiên cứu về lan tại nhà anh Nguyễn Văn Cảnh.

Theo anh Cảnh thì người chơi lan cũng có rất nhiều kiểu. Có người thích hoa đẹp, người lại thích hoa “độc”, hoa hiếm… Còn riêng anh không chỉ dừng lại ở việc chơi lan mà là nghiên cứu về lan, tìm hiểu về xuất xứ và tên khoa học của từng loài lan. Chính vì đam mê với lan rừng nên suốt gần 7 năm qua thời gian anh “ăn rừng nằm rẫy” nhiều hơn ở nhà. Cũng như Hiến và anh em trong hội chơi lan rừng, anh Cảnh đi rừng là để ngắm, để tìm tòi những giống lan quý hiếm, để phát hiện ra sự đa dạng của loài hoa “nữ hoàng” này. Anh Cảnh cho biết, hiện tại nước Việt Nam có khoảng trên 1.000 loài lan đã được tìm thấy. Riêng anh, trong 7 năm qua đã “săn” được trên 700 loài lan các loại. Tất cả đều đã được anh cẩn thận làm “thẻ bài” ghi tên (tên khoa học và tên thường dùng) đính vào để những ai tham quan dễ nhận biết.

“Trong vườn nhà mình, trừ những bậc bước chân bằng đá ra, mọi khoảng không trên đất còn lại đều là… lan. Hiện tại cả nước chỉ có 4 vườn lan rừng lớn nhất, phong phú nhất ở Hà Nội, Sơn La, Đà Lạt và vườn lan nhà mình” - anh Cảnh tự tin khẳng định. Điều đó được chứng minh bằng hàng chục bài báo nghiên cứu của anh Cảnh được đăng trên các tạp chí khoa học về lan nổi tiếng trên thế giới. Không những vậy, vườn lan nhà anh là địa chỉ của hàng chục cuộc gặp mặt để nghiên cứu, thảo luận của những chuyên gia về lan rừng mỗi năm, trong đó có giáo sư người Nga nổi tiếng thế giới về lan Leonid V. Averyanov. Anh Cảnh cho biết, giá trị của vườn lan nhà mình ở chỗ không chỉ có nhiều loài lan mà ở đây còn có một số loài lan rất quý hiếm. Tiêu biểu như chi lan Thạch Hộc (tên khoa học là Flickingeria) mỗi năm chỉ nở 1 lần và mỗi lần nở chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Hay như loài lan Drymoda Picta - Gialai hiện cả nước chỉ còn có một cây trong vườn nhà anh… 

Thành quả sau bao năm nghiên cứu lan rừng của anh Cảnh không chỉ là một “rừng lan” giữa thành phố Buôn Ma Thuột mà anh còn cùng với các cộng sự đã phát hiện, tìm thấy cho Việt Nam thêm nhiều loài lan mới. Đặc biệt, chính anh đã tìm thấy một loài lan mới trong khoa học được thế giới công nhận lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam (tìm thấy ở Ea H’leo). Tên của anh đã được dùng để đặt cho loài hoa này là Lưỡi Tóc Cảnh (tên khoa học là Trichoglottis Canhii). Anh tâm sự: “Với những người “ngoại đạo” thì vườn lan này chỉ là những loại hoa cỏ vô tri. Nhưng với mình thì nó thực sự vô giá. Ban đầu, mình đến với lan rừng chỉ với miềm đam mê chứ không hề nghĩ sẽ có được thành tựu như ngày hôm nay. Và dĩ nhiên, mình sẽ tiếp tục với niềm đam mê của mình đến cùng, với mong muốn tìm tòi, nghiên cứu và lưu giữ lại những loài lan quý hiếm của Việt Nam…”.

Việt Cường

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ