A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xử lý trái cây bằng hóa chất: Không chỉ có sầu riêng

10:13 | 27/10/2013

Báo Dak Lak số ra ngày 30-9-2013 có bài “Sầu riêng bị nhúng thuốc ép chín: Lợi bất cập hại” phản ánh việc một số tư thương trên địa bàn huyện Krông Pak sử dụng thuốc ép chín cho sầu riêng.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn khác trong tỉnh, không chỉ sầu riêng bị nhúng thuốc mà còn nhiều loại trái cây khác cũng bị ngâm, ủ, thậm chí là tiêm trực tiếp hóa chất vào quả, bất chấp hậu quả đối với người tiêu dùng.

Trái cây chín đều, đẹp nhờ hóa chất

Xu hướng chung của người tiêu dùng khi chọn mua trái cây là ngoài ngon - rẻ còn phải bắt mắt, vì thế hiện nay các tiểu thương thu mua trái cây cũng như các nhà vườn đang có khá nhiều “chiêu trò” để làm hài lòng thị hiếu của thượng đế.

Trên thị trường đang xuất hiện khá nhiều loại hóa chất, thuốc kích thích với các mẫu mã, bao bì khác nhau dùng để xử lý trái cây cho nhanh chín và có mẫu mã đẹp. Các loại hóa chất này vừa dễ mua, giá rẻ lại dễ sử dụng nên một số tư thương buôn trái cây, nhà vườn trên địa bàn tỉnh thường lạm dụng. Tận mắt chứng kiến công đoạn ủ thuốc tại một điểm thu mua tập trung trái cây ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng chúng tôi không khỏi “lạnh người”. Hai chiếc thùng nhựa lớn (200 lít/thùng) đổ gần đầy nước, sau đó  được người ta cho vào một ít dung dịch trong chai nhựa có nhãn hiệu là Trái Chín do một công ty ở TP. Hồ Chí Minh sản xuất sau đó khuấy đều. Tiếp theo là nhúng từng loại trái cây như sầu riêng, mít, buồng chuối… vào thùng nước có chứa dung dịch hóa chất trên rồi xếp thành đống lớn và dùng bạt phủ kín. Chị Hoàng Thị Hương, một tiểu thương ở đây cho biết, mục đích của việc làm này là để thuốc ngấm sâu vào trái mít, sầu riêng để làm nở gai và tạo màu vàng óng đến tận xơ mít, múi sầu riêng… và chỉ sau 12 giờ, tất cả các loại trái cây nói trên dù lúc đầu vẫn còn cứng, thậm chí là non nhưng đã chuyển sang trạng thái mềm, bổ ra vẫn có mùi thơm đặc trưng, các múi, sơ mít và vỏ quả chuối đều màu vàng rất đẹp, trong khi cuống trái vẫn còn tươi mới và có thể để đến cả tuần quả cũng không bị hỏng... Chị Hương cho biết thêm: Sở dĩ phải sử dụng hóa chất để làm cho trái cây chín là để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, nếu không xử lý qua hóa chất thì không thể gom đủ số lượng theo yêu cầu, mất mối và người thu mua như chị sẽ không có lãi. Nhiều điểm thu mua trái cây trên địa bàn còn sử dụng một số hóa chất không rõ nguồn gốc khác để tiêm trực tiếp vào các loại trái cây như đu đủ,  bơ, cam… để mau chín, bán được nhanh hơn.

Bên cạnh người gọt vỏ dừa luôn có một thùng nước đã pha hóa chất làm trắng

Bên cạnh người gọt vỏ dừa luôn có một thùng nước đã pha hóa chất làm trắng

Hậu quả khôn lường

Ngoài các loại trái cây được ủ chín thì thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng xuất hiện các điểm bán dừa trái được xử lý bằng hóa chất làm trắng. Nếu ta để ý, trái dừa sau khi gọt lớp vỏ xanh bên ngoài thì sẽ nhanh chóng chuyển từ màu trắng sang màu nâu xỉn, nhưng với việc xử lý, ngâm qua thuốc thì trái dừa vẫn trắng phau, rất thu hút người mua. Tiếp cận một điểm bán dừa trên vỉa hè đường Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi được chủ hàng nơi đây tiết lộ: Hầu hết các tư thương bán dừa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thậm chí là cả ở các thị trấn huyện trong tỉnh đều có sử dụng một loại hóa chất mua trôi nổi ngoài thị trường để nhúng trái dừa sau khi gọt vỏ nhằm giữ được màu trắng của lớp bên ngoài trái dừa. Với một thùng nước pha hóa chất luôn sẵn sàng để bên cạnh để thả dừa vào ngâm bất cứ lúc nào, khi khách hàng thắc mắc, các thương lái đều nhanh nhẹn trấn an rằng: Do trời nắng nên thả vào nước pha muối loãng cho dừa nó tươi! Thực chất, nước muối loãng không thể làm vỏ trái dừa giữ được màu trắng).

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra tại một số cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn huyện Krông Pak và phát hiện, thu giữ không ít các mẫu thuốc làm chín trái cây. Tuy nhiên đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc bán các mẫu thuốc làm trái chín vẫn đang có mặt tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, mặc dù các chủ của hàng trên không còn bày bán công khai như trước nhưng nếu khách hàng thân quen có nhu cầu thì vẫn được đáp ứng. Với loại thuốc có dạng bột màu trắng, được nhập từ Trung Quốc giá rất rẻ từ 20.000-40.000 đồng/250 gam, nếu là các sản phẩm đóng chai, hoặc bao bì có nhãn mác cụ thể do một số công ty trong nước sản xuất thì có giá cao hơn từ 50.000-100.000 đồng/chai (gói). Trong thành phần của các loại hóa chất này đều có ghi là được sản xuất từ chất Ethephon (là chất dùng để kích thích mủ cao su). Tuy nhiên, hóa chất này không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định số 867/BYT ngày 4-4-1998 của Bộ Y tế. Các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, ăn mòn da khi tiếp xúc với da, sưng tấy và đỏ da. Vì vậy chất này không được phép sản xuất đại trà dùng trong xử lý rau quả. Theo Chi cục BVTV tỉnh thì loại thuốc này không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, các ngành chức năng tỉnh đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá chính thức loại hóa chất này gồm những thành phần nào, song chắc chắn một điều rằng nó có tác hại rất lớn đến sức khỏe người sử dụng và người ăn trái cây có xử lý qua loại hóa chất này. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vườn thúc chín, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ bằng hóa chất sẽ khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao, chưa kể còn có thể mắc rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Còn loại hóa chất mà tư thương dùng để tẩy trắng dừa, biến dừa ta thành dừa Xiêm có chứa axit photphoric và lưu huỳnh. Về tính chất hóa học, lưu huỳnh có tác dụng tẩy trắng (chủ yếu sử dụng trong công nghiệp tẩy rửa). Nếu người mua dừa để ý, khi bổ quả dừa bình thường không tẩm hóa chất thì nước dừa để lâu vẫn không đổi màu, uống nước có vị ngọt, thanh tự nhiên; còn sau khi bổ quả dừa có chất tẩy trắng vỏ thì nước dừa chỉ cần để khoảng 15 phút sẽ tự động trắng đục như nước vo gạo, uống vào có vị hắc, nồng của hóa chất rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Nếu sử dụng với hàm lượng cao, người dùng có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng, về lâu dài có thể gây ung thư.

Trước thực trạng sử dụng hóa chất để xử lý trái cây tràn lan như hiện nay, mong rằng các ngành chức năng trong tỉnh tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý các cơ sở, điểm kinh doanh các loại hóa chất độc hại nêu trên; đồng thời có biện pháp khuyến cáo, răn đe nghiêm túc việc sử dụng hóa chất để xử lý trái cây. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần khôn khéo nhận biết rõ trái cây chín tự nhiên hay chín ép bằng hóa chất và nên đến những cơ sở có uy tín, thương hiệu cụ thể để mua, tránh tình trạng “tiền mất, bệnh mang”.

Lê Thành

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ