A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bài toán tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên (Bài 2)

08:49 | 07/07/2013

Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Tây Nguyên với hơn 190.000 ha, hiện đã có hơn 60.000 ha cà phê ở tuổi từ 18-25 năm. Độ tuổi bắt đầu “lão hóa”, hết chu kỳ kinh doanh cho hiệu quả cao, cần phải cưa đốn, phục hồi, hoặc trồng tái canh.

Là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với khoảng 36.000 ha, nhưng hiện nay Cư M’gar có hơn 20.000 ha ở độ tuổi trên 25 năm hiệu quả kinh tế thấp. 


Một vườn cà phê ở huyện Cư Kuin - Đắk Lắk được tái canh cách đây 5 năm cho quả đạt năng suất rất cao

Ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư M’gar cho rằng: “Tái canh cà phê là vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với huyện. Bởi vì với 36.000 ha thì từ nay đến 2015 có khoảng 16.000 ha phải chuyển đổi, tái canh. Tái canh phải có thời gian nghỉ 3 năm, sau đó đầu tư trồng mới. Chính sách của tỉnh hiện nay chỉ mới hỗ trợ giống. Để giảm bớt khó khăn trong quá trình tái canh cần có chính sách hỗ trợ vốn”.
Tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, nhiều diện tích cà phê nông dân vẫn đang tiếp tục canh tác với năng suất rất thấp nhưng chưa có điều kiện tái canh hay thay thế cây trồng khác… 

Với tình trạng này, nhiều người đã nghĩ đến việc phá đi trồng lại, nhưng vẫn rụt rè, vì đa số những mô hình tái canh đi trước đã không thành công. Vườn cây tái canh chỉ sinh trưởng tốt đến năm thứ 3, sau đó tàn lụi dần.

Ông Phùng Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai lý giải nguyên nhân: “Chuyển giao khoa học kỹ thuật phải trực tiếp đến người nông dân, phải thường xuyên. Bây giờ nông dân đa số là làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, nhiều cái còn lạc hậu, nên năng xuất không cao.”

Nan giải vấn đề “đầu tiên”

Theo tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên: “Việc trồng lại cây cà phê trên đất đã trồng cà phê đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất. Nông dân nhổ cà phê cũ trồng lại, không chết ngay mà 2-3 năm sau mới chết, gây thiệt hại lớn. Một trong những biện pháp hết sức quan trọng góp phần tái canh thành công là phải thu gom hết rễ cà phê cũ.

Hiện nay ở Tây Nguyên có hàng ngàn ha cà phê già cỗi như thế này cần phải thay thế

Bởi rễ cây cà phê già cỗi là nơi tá túc của nấm bệnh. Thứ hai, phải áp dụng luân canh với những cây trồng ngắn ngày khác để cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, đặc biệt tuyến trùng. Luân canh tối thiểu là 2 năm ở những vườn không bệnh vàng lá, còn những vườn đã bị tuyến trùng nặng gây bệnh vàng lá thì thời gian luân canh phải 3 – 4 năm.”


Chỉ một số ít cá nhân, tổ chức có thể tái canh cà phê thành công khi họ áp dụng đúng những kỹ thuật như khuyến cáo của các Viện nghiên cứu. Như Công ty Ea Pốc (Ðắk Lắk) 100 ha, Nông trường cà phê Thuận An (Ðắk Nông) 30 ha và điển hình nhất là việc tái canh thành công hơn 100 ha cà phê của Công ty Cà phê Ia Grai (tỉnh Gia Lai).

Sau 2 năm, trong vụ thu bói đầu tiên (niên vụ 2011– 2012), bình quân đạt năng suất hơn 10 tấn quả tươi/ha, cá biệt có vườn đạt tới 15 tấn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thành công bước đầu. 

Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai, việc tái canh của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng thì việc phải lo một nguồn vốn lớn để tiến hành càng thêm khó khăn. Do vậy, đơn vị mới chỉ tái canh được 100 ha trong tổng số gần 300 ha cà phê già cỗi.

“Chúng tôi cần đến gần 40 tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Vấn đề này cũng đề nghị Chính phủ, các ngân hàng thương mại có xem xét để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho vay với vốn ưu đãi với thời gian dài hạn. Nếu 3 – 5 năm đã phải trả nợ thì không đảm bảo được. Lượng vốn lớn là vấn đề khó khăn hiện nay của chúng tôi. Đáng lẽ có thể triển khai trồng hết được nhưng bây giờ phải trồng dần”- ông Ngọc chia sẻ.

Tái canh những diện tích già cỗi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành Cà phê ở Tây Nguyên là yêu cầu cấp bách. Nhưng cả nông dân và doanh nghiệp đang đuối sức trong việc này. Họ đang trông đợi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành liên quan nhằm tìm ra cách tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải.

Nên đưa chế phẩm sinh học vào tái canh

Ông Nguyễn Anh Kết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà, đơn vị đã đồng hành cùng nhà nông trong mấy năm qua cho rằng: Mấu chốt của việc tái canh cà phê là phải giảm được thời gian đất nghỉ, mà vẫn đảm bảo an toàn vườn cây trước nguy cơ bệnh hại.

Rẫy cà phê này có dùng chế phẩm sinh học, kết quả cây cà phê cho trái đạt chất lượng rất cao.

Tất cả những vùng đất đã trồng cà phê, ít hay nhiều đều có tuyến trùng gây bệnh, nên việc rút ngắn thời than nghỉ của đất lại càng khó, cần có giải pháp riêng: vừa nâng cao sức đề kháng của cây, vừa ức chế sự phát triển của mầm bệnh. Các loại chế phẩm sinh học như A-H, N-H, không chỉ dùng cho các vườn cà phê tái canh, mà còn dùng để kéo dài tuổi thọ các vườn cây.


Hiện nay, nhiều nông dân ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… đã sử dụng chế phẩm sinh học, đem lại sức sống mới cho vườn cà phê già cỗi và tái canh an toàn cho vườn cây. Riêng UBND huyện Đắc Hà, vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Kon Tum đã chi đến hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tái canh và phục hồi cà phê già cỗi bằng chế phẩm sinh học.

Với hiệu quả bước đầu, chế phẩm sinh học đang giúp người trồng cà phê ở Tây Nguyên giải được bài toán trước mắt của cà già là giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian nghỉ của đất và không gián đoạn thu nhập. Những thử nghiệm này có sự phối hợp giữa ngành khuyến nông, doanh nghiệp và nhà nông đang mở ra hướng mới cho cà phê già cỗi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, cần có thời gian kiểm chứng về tính bền vững của cách thức này. 

 Gói tín dụng trị giá 3.000 tỷ đồng của Agribank có lãi suất ưu đãi 10%/1 năm và thời hạn cho vay có thể kéo dài tới 12 năm. Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, cùng với nguồn vốn này, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm khoảng 1600 tỷ đồng nữa, để nông dân Đắk Lắk có thể tái canh ít nhất là 25.600 ha.

Nguyễn Nam – Thế Thắng

    Nguồn: tamnhin.net

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ