A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tảo hôn ở Ea Rốk

06:01 | 15/06/2013

Những bé gái cứ vào độ tuổi 14 - 15 đã đi lấy chồng, rồi phải gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ. Điều đó được xem là chuyện bình thường của người dân tộc Gia Rai ở buôn M’tha, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc.

17 tuổi lấy chồng là muộn

Rơ Chăm Mân và R’Mah H’Kloh cưới nhau năm 2006. Khi đó, H’Kloh mới 17 tuổi. Đến nay, mới 26 tuổi nhưng H’Kloh đã là mẹ của ba đứa con. Đứa con đầu sinh năm 2006, còn đứa con thứ ba mới sinh được gần mười ngày. Cả ba đứa con đều sinh tại nhà.

Lấy chồng sớm, sinh con đông và sinh dày đã làm cho H’Kloh tiều tụy và khuôn mặt già hơn so với độ tuổi của mình. Trong khi đó, các con của chị không được mẹ chăm sóc đầy đủ nên gầy gò, ốm yếu và kém phát triển. Đứa con đầu đã đi học lớp 1 nhưng chưa biết đọc.

Nay H’Loan là con thứ hai trong một gia đình có ba chị em. Do nhà nghèo, cả chị gái và H’Loan không được đi học, ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ. Chị gái đã đi lấy chồng và sinh con, còn H’Loan cũng mới lấy chồng năm 2012, khi em vừa tròn 14 tuổi. Chồng H’Loan là Rmah Alok học hết lớp 6 rồi đi bộ đội, mới về năm 2011.

14 tuổi là tuổi vị thành niên, tuổi mà nhiều bạn trẻ đang được học tập, vui chơi hồn nhiên, xây dựng hoài bão. Còn đối với H’Loan, ở tuổi “ăn chưa no, lo đã tới”, em phải gánh vác trọng trách của người vợ, thời gian tới sẽ là thiên chức người mẹ. Một tương lai đầy khó khăn và thử thách đối với em.

H’Kloh, Nay H’Loan cũng như bạn bè cùng trang lứa đều không biết Luật Hôn nhân và gia đình, kiến thức về làm mẹ an toàn… là gì.

Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk, cho biết: “Nhân dân ở đây vẫn quan niệm con gái 14-15 tuổi chưa lấy chồng thì bị chê là quá lứa. Còn trường hợp như H’Kloh được cho là lấy chồng muộn”.

“Phép vua” thua “lệ làng”

Tập tục tảo hôn và sinh con tại nhà đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào Gia Rai từ xa xưa.

Trong những năm qua, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình luôn được chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở xã Ea Rốk tích cực lồng ghép. Từ đó, giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc Gia Rai nói riêng biết được độ tuổi kết hôn mà Nhà nước quy định là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, “phép vua” vẫn phải thua “lệ làng”, chuyện tảo hôn ở xã Ea Rốk cứ tiếp tục xảy ra theo thời gian.

Chị H’Breng, mẹ của H’Loan cho biết: Được cán bộ dân số tuyên truyền, chị đã biết con mình lấy chồng dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật, nhưng chị vẫn đồng thuận vì lý do “con gái trong vùng này ở tuổi đó đều đi lấy chồng hết rồi”.

Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Rốk, từ năm 2010 đến 2012, toàn xã có 63 trường hợp tảo hôn. Trong đó, năm 2010 có 25 trường hợp, năm 2012 có 18 trường hợp. Tảo hôn không chỉ xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có cả những trường hợp người Kinh, một số em đang học lớp 9, lớp 10 phải bỏ học đi lấy chồng.

Ông Bùi Đức Nguyệt, Chủ tịc UBND xã Ea Rốk cho biết, xã Ea Rốk có 2102 hộ với 9185 nhân khẩu, sinh sống ở 18 thôn, buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42% dân số (bao gồm 16 dân tộc anh em). Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán cưới hỏi lạc hậu còn tồn tại, nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và gia đình còn hạn chế; nhiều gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con em, các bạn trẻ có quan hệ nam nữ không lành mạnh, một số trường hợp cha mẹ phải tổ chức đám cưới vì bọn trẻ đã “lỡ yêu nhau”… Đó là những nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn ở địa phương.

Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy, các cặp vợ chồng tảo hôn sinh con thường bị nhẹ cân (dưới 2,5kg), còi cọc, phát triển chậm và dị tật bẩm sinh cao hơn so với những đứa trẻ khác. Việc mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khoẻ để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong chu sinh và sơ sinh, đẻ non, sơ sinh nhẹ cân, dị dạng, dị tật.

Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở xã Ea Rốk cần phát huy vai trò của cộng tác viên dân số là người đồng bào dân tộc tại chỗ trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thường xuyên qua loa truyền thanh xã, phát tờ rơi, họp nhóm tư vấn, nói chuyện chuyên đề về những nguy cơ của mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên…; các ban ngành, đoàn thể, trường học cần tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách dân số, Luật Hôn nhân và gia đình. Không những vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần thực thi nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình cũng như các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

 


Cán bộ dân số xã Ea Rốk tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vợ chồng Nay H’Loan.

    Theo Nhân dân

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ