A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thao thức với Tây Nguyên

05:10 | 13/05/2013

Sau giải phóng, người dân trên vùng đất Tây Nguyên bất khuất bước sang những trang đời mới.

Nhưng rồi bọn tàn quân ngụy đã câu kết với Phunrô và các thế lực thù địch bên ngoài nổi lên chống phá cách mạng, phá hoại cuộc sống yên bình ở nơi đây. Giữa những tháng ngày hoang mang, lo sợ đó, có biết bao người lính trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến đây vì sự bình yên của Tây Nguyên. Trong đoàn quân tiên phong ấy, có một người con sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô Hà Nội mang tên Nguyễn Xuân Hà. Khi tiễn con đi, bố anh - Trung tá Nguyễn Văn Hoan - một người lính đã từng kinh qua mọi chiến trường: Ðiện Biên Phủ, Lào, Campuchia đã dặn con rằng: “Là người lính, được cống hiến cho Tổ quốc là trách nhiệm cao cả”.

Thời gian như bóng câu qua cửa. Mái tóc xanh của người chiến sĩ an ninh trẻ năm nào giờ đây đã nhường chỗ cho những sợi bạc. Đã 30 mùa xuân Tây Nguyên có anh, 30 năm anh trở thành người con của miền đất cao nguyên nắng gió. Thời điểm ấy, những kẻ xấu lén lút ẩn náu ở Tây Nguyên như những con thú hoang, chỉ chực chờ sơ hở của các cán bộ chiến sĩ và người dân để cướp phá, bắt người. Tổ công tác của Nguyễn Xuân Hà cũng như nhiều đơn vị khác phải tự xây dựng kế hoạch công tác thường xuyên, mỗi người được trang bị  2 khẩu súng AK, 2 băng đạn cùng tăng võng, chăn màn. Mỗi ngày, họ phải đi hàng chục ki-lô-mét đường rừng để tuần tra, bám nắm mọi biểu hiện nghi vấn trong khu vực. Lúc nào tinh thần cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Cụ Sriêng - một bà mẹ liệt sĩ đã sống qua 100 mùa rẫy ở xã Hà Ra, huyện Măng Yang vẫn luôn nhớ anh công an ngoài Bắc đã sát cánh cùng với nhân dân để bảo vệ làng, vận động những đứa con lầm lạc đi theo Phunro trở về với gia đình. Anh không những am hiểu sâu sắc phong tục tập quán, suy nghĩ nhận thức của bà con mà còn biết cách vận dụng phong tục để ứng xử cho đúng. Anh đã đem tình cảm thực sự của mình đặt trong từng lời nói, việc làm. Bà con yêu mến đặt tên cho anh là Ksor Hà. Rồi người đưa đường, chỉ lối, người lo cho anh gùi lương thực ăn đường, nắm lá cây rừng làm thuốc để đôi chân Ksor Hà dẻo dai, cái bụng không đói mà luồn rừng, vượt suối. Những địa danh mới chỉ nghe đã thấy những hình dung xa xôi thăm thẳm như Đăk Đoa, A Yun, Kon Dỡng, Mang Yang... đã bao lần in dấu chân anh. Trải qua những tháng ngày lăn lộn ở những vùng trọng điểm như thế, người trai Hà Nội đã dần trưởng thành và trở thành người chiến sĩ an ninh giàu bản lĩnh.

Thao thức với Tây Nguyên 1
 Đại tá Nguyễn Xuân Hà đến thăm mẹ liệt sĩ Sriêng - một trong những người đã gắn bó, đùm bọc những người lính an ninh trong những ngày đầu đến với Tây Nguyên.

Trong những tháng năm chống Phunro ác liệt nhất, Nguyễn Xuân Hà đã trực tiếp tham gia 5 chuyên án đấu tranh với tổ chức Phunrô  Trung ương, tham gia hàng chục trận đánh Phunrô và tổ chức đấu tranh, bóc gỡ cơ sở ngầm Phunrô  ở rừng và lẩn khuất trong dân.Cung cách ứng xử đúng mực, làm việc cương quyết và khôn khéo giúp anh thu thập thêm nhiều tài liệu quan trọng, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm. Anh trực tiếp tham gia gọi hàng 15 tên, bắt 17 tên, phá rã gần 100 khung chính quyền ngầm Phunrô các cấp; bóc gỡ, cảm hóa hàng trăm cơ sở cốt cán Phunrô trong dân, đồng thời góp phần xóa căn cứ ZG27 của Phunrô, làm trong sạch địa bàn các xã trọng điểm và giải quyết toàn bộ toán Phunrô hoạt động ngoài rừng, bóc gỡ toàn bộ tổ chức Phunrô ở Gia Lai - Kon Tum vào năm 1991 - 1992, góp phần làm tan rã tổ chức Phunrô.

Khi đất nước mở cửa, một số đối tượng cầm đầu các tổ chức người Thượng lưu vong ở Mỹ đã ráo riết câu móc, lợi dụng vấn đề dân tộc để lén lút hoạt động, xúi giục bà con biểu tình, gây bạo loạn đòi thành lập Nhà nước Đềga. Lời độc lan xa, trong năm 2001, đã có biết bao bà con ở các tỉnh Tây Nguyên bỏ lại buôn làng, nương rẫy để tham gia biểu tình rồi trốn sang Campuchia chỉ với niềm tin mông muội vào lời hứa đầy ảo tưởng của Ksor Kớk là sẽ đón bà con đến Mỹ để cùng được hưởng cuộc sống an nhàn.

Gánh nặng đặt trên vai người lính an ninh Tây Nguyên mỗi ngày mỗi lớn với biết bao câu hỏi: Làm thế nào để sớm ổn định tình hình, giúp bà con hiểu rõ thực chất cái gọi là “Nhà nước Đềga” và những điều bịa đặt mà bọn xấu từng gieo rắc? Đã có bao đêm,  đại tá Nguyễn Xuân Hà cùng đồng đội thức trắng với hàng trăm phương án tác chiến được đề ra. Nếu trước đây, họ cầm súng để chiến đấu thì ngày nay, chỉ có thể dùng trí chứ không thể dùng lực. Anh hiểu, với bà con các dân tộc Tây Nguyên, do trình độ lạc hậu, thông tin hạn chế nên dễ bị lừa bịp, vì vậy trong quá trình đấu tranh cần phải xác định đâu là đối tượng cầm đầu, đâu là đối tượng bị lợi dụng để phân hóa, giúp họ hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó quy tụ được mọi tầng lớp của dân tộc trong đấu tranh với cái sai, cái xấu. Nguyễn Xuân Hà đã chỉ đạo thực hiện hàng chục kế hoạch bóc gỡ các đối tượng cốt cán, phá rã các khung tổ chức Phunrô mới, “tin lành đề ga” hoạt động ngầm, tham gia nhiều kế hoạch nghiệp vụ phối hợp vận động và tiếp nhận đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên hồi hương từ Campuchia.

Thao thức với Tây Nguyên 2
 Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Hà cùng các trinh sát trẻ bàn biện pháp tác chiến tại thực địa.

Đến thăm ông Zan-na ở xã Hà Bầu cùng đại tá Nguyễn Xuân Hà, mới biết giữa họ đã có rất nhiều kỷ niệm. Chính đại tá Nguyễn Xuân Hà là người đã khống chế, bắt giữ Zan-na khi ông ta cầm súng vào rừng theo đám Phunrô vũ trang những năm sau giải phóng. Đến sự kiện Tây Nguyên năm 2001, cũng chính Nguyễn Xuân Hà đã chỉ đạo kế hoạch trấn áp tại nhà Zan-na lúc đó là một trong những kẻ cầm đầu cuộc bạo động ở Tây Nguyên. Sau một thời gian thụ án tại Trại giam số 5 - Bộ Công an, Zan-na trở về với buôn làng, hơn ai hết, ông thấm thía sự mất mát, thiệt thòi khi u mê tin theo lời kẻ xấu, gieo rắc tai ương cho chính quê hương mình.

Được cấp trên tin tưởng, đồng đội yêu mến, năm 2004, đại tá Nguyễn Xuân Hà được giao giữ chức Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên. Ở cương vị mới, anh cùng với tập thể lãnh đạo cục đã phát huy những thành quả từ thực tiễn công tác, đề ra nghị quyết tăng cường hoạt động của cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở. Cán bộ chiến sĩ thường xuyên bám dân, bám buôn làng để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với việc phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đã phát huy sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế vững mạnh. Năm 2008, đại tá Nguyễn Xuân Hà vinh dự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, câu nói ấy có lẽ rất đúng với đại tá Nguyễn Xuân Hà cùng những người lính an ninh Tây Nguyên. Những kẻ như A Tack, A Hyum, Ama Chinh, Runh, Yơn, B’Zứ  đã thành lập cái gọi là “đạo Hà Mòn”, xúi giục bà con cản trở những hoạt động của chính quyền và các đoàn thể, kích động giáo dân từ bỏ sinh hoạt đạo Công giáo cùng các phong tục tập quán truyền thống, đồng thời gây rối, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Chính đại tá Nguyễn Xuân Hà là người đã trực tiếp chỉ đạo nhiều đợt truy tìm, bắt giữ những kẻ cầm đầu tà đạo. Những đêm luồn rừng lạnh giá, những trưa ẩn mình giữa rẫy khoai mì nóng rát đã giúp người chiến sĩ an ninh không những vượt qua được mọi thử thách của thiên nhiên mà còn giúp bà con hiểu được tấm lòng của người chiến sĩ vì sự bình yên của mọi người. Cuối năm 2012, trước buôn làng, những kẻ cầm đầu gây rối đã phải ngoan ngoãn thừa nhận hành vi tội ác của chúng cùng sự lôi kéo, xúi giục của “quan thầy” bên kia biên giới...

Sau mỗi chuyên án, sau mỗi lần đấu trí căng thẳng, đại tá Nguyễn Xuân Hà lại tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi của mình để ra Hà Nội thăm người cha già gần bước sang tuổi 90. Lối nhỏ dẫn vào Khu tập thể Bệnh viện 108 đã quen với bước chân anh từ thời niên thiếu, căn nhà tập thể cũ kĩ, nơi cha anh đang sống luôn là một khoảng bình yên trong tâm hồn người chiến sĩ. Thời gian cha con ở bên nhau vốn đã chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tất cả những tâm sự mà họ chia sẻ cùng nhau vẫn luôn là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, đến những vấn đề “nóng” mà cả hai cùng đang trăn trở. Chỉ thế thôi rồi người cha già lại tiễn con trai lại vượt cả ngàn cây số để quay lại Pleiku, nơi người vợ hiền và cô con gái nhỏ của anh đang chờ đợi.

30 mùa xuân bám đất Tây Nguyên, vạt rừng thông ở thị trấn Măng Yang - nơi đầu những năm 80, đại tá Nguyễn Xuân Hà thường sinh hoạt mạng lưới đã trở thành cổ thụ. 30 mùa xuân là người Tây Nguyên, biết đắm say trước sắc vàng của loài dã quỳ trên lối vắng, người chiến sĩ an ninh năm nào đã trở thành anh hùng của lực lượng an ninh Tây Nguyên. Con người ấy vẫn nhỏ bé trước cây, nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, nhưng tầm vóc của anh, những cống hiến thầm lặng của anh đã vượt trên những tàn lá trên cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ theo tiếng núi tiếng rừng, tiếng sông, tiếng suối... Anh đã sống và chiến đấu xứng đáng với sự kỳ vọng của cha, niềm tin yêu của đồng đội, sự thương mến của bà con... thực sự là dòng sông mùa xuân, đem bình yên, hạnh phúc đến với mỗi buôn làng Tây Nguyên.

    Theo Suckhoedoisong.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ