A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Du lịch Buôn Đôn liên kết để phát triển

09:23 | 13/11/2018

Những nỗ lực của các đơn vị kinh doanh du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc tăng lượt khách tham quan và nguồn thu từ ngành “công nghiệp không khói” của Buôn Đôn.

Nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch

Tuy có lợi thế về diện tích với 1.170 ha, trong đó có 802 ha rừng, cảnh quan đa dạng với hồ nước, đồi núi, rừng cây, nhưng nhiều năm qua, khách du lịch chưa biết nhiều đến Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương tại xã Krông Na hoặc đã từng đến cũng không mấy mặn mà vì các sản phẩm du lịch tương đối sơ khai. Cũng bởi do chưa được đầu tư đúng mức, nên hoạt động kinh doanh ở đây cũng chỉ ở mức cầm chừng.

Bắt đầu năm 2018, Công ty TNHH Ánh Dương đã bắt đầu đầu tư, sửa chữa, tôn tạo cảnh quan nơi đây, khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương đến nay vì vậy đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đầy tiềm năng của Buôn Đôn. Ông Đỗ Kim Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương cho biết, để thu hút khách du lịch, làm mới thêm một số sản phẩm, thời gian gần đây, đơn vị đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để thực hiện nhiều hạng mục, công trình như: sửa chữa, rải đá nâng cấp 4 km đường từ tỉnh lộ 1 vào đến khu vực trung tâm của Khu du lịch và 2 km đường lên Đồi tâm linh, xây dựng hệ thống nhà hàng trên cây và chuồng nuôi động vật bán hoang dã, sửa chữa các nhà lưu trú, lắp điện chiếu sáng, trồng hoa… Hiện tại Công ty đang tiếp tục đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan với sản phẩm đặc thù về dịch vụ lưu trú trên cây, cắm trại trên bãi cỏ, tìm hiểu chăm sóc voi...

Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương đang dần thu hút khách du lịch

Còn ở Khu du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn (buôn N’Drếch, xã Ea Huar), việc đầu tư, nâng cấp dịch vụ du lịch cũng đã được Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn triển khai để thu hút du khách. Ngoài việc thường xuyên tôn tạo cảnh quan, Công ty đã sửa chữa 4 nhà lưu trú theo mô hình nhà sàn thu nhỏ, đảm bảo nhiều tiện ích hơn cho khách du lịch và tiếp tục nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục khác. Đặc biệt, Công ty cũng đang đầu tư xây dựng hệ thống Zipline (đu dây mạo hiểm) với chiều cao lên đến 24 m để du khách thưởng ngoạn cảnh sắc sông Sêrêpôk, rừng Yok Đôn và buôn làng từ trên cao. Đây được xem là một bước đột phá để khu du lịch tự làm mới mình, thêm dịch vụ cho du khách trải nghiệm, khám phá. Hay như tại khu du lịch sinh thái Troh Bư – Buôn Đôn, từ bước khởi đầu là một trang trại du lịch sinh thái bảo tồn lan rừng với diện tích chỉ khoảng 2 ha, thì đến nay đã mở rộng trên diện tích 7 ha với nhiều hạng mục phục vụ du lịch như: cổng chính, sân bãi, đường đi nội bộ, vườn hoa, tiểu cảnh, nhà lưu trú bằng gỗ, thuyền độc mộc, chiêng đá, khu trò chơi trẻ em, sân khấu ngoài trời... Ngoài ra, đơn vị còn làm tốt công tác quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông nên đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Liên kết xây dựng tuyến du lịch Buôn Đôn

Với tác động của nhiều yếu tố tự nhiên, xã hội như việc cạn kiệt nguồn nước do khai thác thủy điện, sự suy giảm của đàn voi nhà, sự mai một về văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ, hệ thống giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp..., ngành Du lịch Buôn Đôn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển thương hiệu. Không những thế, từ cách đặt tên cho đến việc cùng tập trung khai thác những yếu tố đặc trưng như nhà sàn, voi, thác, cầu treo... làm sản phẩm du lịch của các đơn vị bị trùng lắp, đơn điệu, du khách thường bị nhầm lẫn giữa các điểm hoặc chỉ chọn duy nhất 1 nơi làm điểm ghé chân.

Du khách thưởng thức các chương trình văn hóa văn nghệ truyền thống tại Khu du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn

Trước thực trạng trên, ngành Du lịch Buôn Đôn đã định hướng việc tập hợp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn để cùng chia sẻ lợi ích, hợp tác đầu tư, phát triển du lịch theo hướng lâu dài, bền vững hơn. Chính điều đó đã thúc đẩy Câu lạc bộ (CLB) Du lịch Buôn Đôn ra đời với sự tham gia của 5 đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Theo đó, CLB đã định hướng việc mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn 1 sản phẩm du lịch mạnh nhất, đặc trưng nhất của đơn vị mình để đầu tư khai thác, xây dựng cơ sở vật chất và hình ảnh truyền thông. Với các sản phẩm không phải là thế mạnh, các doanh nghiệp sẽ san sẻ các nguồn lực sẵn có của mình để hỗ trợ cho đơn vị bạn khai thác.

Bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, đây là định hướng quan trọng để tránh việc các doanh nghiệp đầu tư dàn trải, trùng lắp như những năm qua. CLB sẽ xây dựng 5 – 7 pa-nô thể hiện cụ thể các điểm du lịch và sản phẩm đặc trưng theo hình cây đặt dọc tuyến tỉnh lộ 1 từ đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) đến xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), đồng thời đẩy mạnh truyền thông theo chiến lược chung, xây dựng lịch trình cho từng đơn vị. Lịch trình này sẽ ưu tiên cho đơn vị trực tiếp nhận đoàn, sau đó, khách được tham quan toàn bộ 4 điểm du lịch còn lại trong tuyến. Với khách lẻ, CLB cũng sẽ thiết kế lịch trình theo hình thức “quay tour”, đảm bảo cân đối lượng khách sử dụng dịch vụ tại mỗi khu du lịch. Vé vào cổng sẽ được thiết kế theo hình thức “combo” với giá vé rẻ hơn 20% so với mức thông thường. Như vậy, các đơn vị kinh doanh du lịch sẽ cùng chia sẻ lợi nhuận và có nguồn thu ổn định từ vé vào cổng, có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Cách làm này được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành Du lịch Buôn Đôn phát triển bền vững, khai thác hiệu quả lợi thế về thương hiệu và bề dày văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên của vùng đất huyền thoại. Qua đó giúp cho khách du lịch có cái nhìn bao quát hơn, được trải nghiệm nhiều hơn và ở lại lâu hơn với Buôn Đôn.

Lê Hương - Đinh Nga

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ