A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Khai phá tiềm năng 'mỏ vàng' du lịch

09:49 | 14/03/2023

Vùng nông thôn được coi như “mỏ vàng” của du lịch. Tuy nhiên thời gian qua, phần lớn ngành mới chỉ tận dụng được phần lộ thiên mà chưa khai thác được hết tiềm năng của các vùng miền, nơi có vô vàn đặc sản mang lại lợi thế cho phát triển du lịch.

Du lịch trải nghiệm nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Tiềm năng lớn

Theo các chuyên gia trong ngành, đã đến lúc cần phải có tiêu chí cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch vùng nông thôn tăng từ 10 - 30%. Từ đó cho thấy, xu hướng du lịch trên thế giới đang thay đổi dần từ du lịch truyền thống sang các loại du lịch mới, du lịch xanh, ưu tiên lựa chọn các điểm đến gần gũi với thiên nhiên hơn.

Với xu hướng đó các nước ngày càng quan tâm thúc đẩy các loại hình du lịch mới. Với Việt Nam, trong quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 thì phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Tùy vào điều kiện mà mỗi địa phương lựa chọn định hướng, loại hình và giải pháp riêng cho phát triển du lịch nông thôn nhưng không thể thiếu du lịch nông nghiệp.

GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) khẳng định, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội với 806 làng nghề, đây được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô, là điểm rất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch nông thôn. Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều làng nghề trong số này đã trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô, thu hút du khách. Trong đó phải kể đến làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh…

Chị Trần Thanh Thanh (phố Chùa Láng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng trải nghiệm ở làng gốm sứ Bát Tràng đánh giá, loại hình này vừa hấp dẫn khách du lịch khi được tham gia trực tiếp vào việc làm gốm tại làng nghề, vừa được nghe và hiểu rõ hơn về các công đoạn làm gốm, nên tạo sự thích thú với người được trải nghiệm.

Nhiều du khách nước ngoài khi đến với các làng nghề của Hà Nội như làng lụa Vạn Phúc, cũng rất hào hứng khi được trực tiếp tham gia vào quá trình dệt vải, được nhận những sản phẩm lụa Vạn Phúc mềm mại và bắt mắt.

Có thể thấy, nhiều vùng nông thôn đã tận dụng và phát huy được thế mạnh, tạo sức bật cho du lịch của địa phương nói chung, của cả nước nói riêng.

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Nói về vấn đề này, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Xây dựng tiêu chí cụ thể

Trước những hạn chế trong khai thác và phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, giới chuyên gia cho rằng, cần phải có tiêu chí cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể là các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương; có cơ chế chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Đưa ra giải pháp nhằm phát triển du lịch nông thôn thực sự hiệu quả, TS. Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương) nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng người dân bản địa và các tiêu chí về hạ tầng. Theo ông Huấn, phát triển du lịch nông thôn cần có giao thông thuận tiện, môi trường bảo đảm, các cơ sở dịch vụ hạ tầng tốt, quản lý rác thải tốt, và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.

Còn TS Đoàn Mạnh Cương (Vụ Văn hóa - Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) thì đề cao sự cân bằng giữa lợi ích của người dân địa phương với du khách để có hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp. Bên cạnh đó, chính sách phát triển du lịch và việc xây dựng hoạt động du lịch để du khách trải nghiệm cũng rất quan trọng. 

Giới chuyên gia ngành du lịch nhận định, mặc dù Việt Nam có lợi thế phát triển về du lịch nông thôn song đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở nước ta, do đó nhà quản lý cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch.

Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn đối với các du khách thích loại hình du lịch nông thôn, có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)...

PHẠM SỸ

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ