A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình, sách giáo khoa mới: Thêm thời gian để lắng nghe và tiếp thu

09:12 | 27/10/2017

Chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia và dư luận.

Dự kiến, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định về đề xuất lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình và SGK mới.
 
 
Đổi mới cần phải nâng tầm chất lượng cho giáo dục.
 
Đề xuất chậm lại 
 
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện chương trình, SGK mới.
 
Trước đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất việc giãn tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới thay vì áp dụng từ năm học 2018-2019 sẽ lùi lại vào năm học 2019-2020. Đồng thời, lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các cấp học cũng được Bộ kiến nghị điều chỉnh.
 
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, đa số các ý kiến đề nghị lùi thời gian thực hiện áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
 
Theo tờ trình tại Quốc hội, Chính phủ đề nghị áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022. 
 
Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp trung học cơ sở và 3 năm ở các lớp trung học phổ thông.
 
Báo cáo cũng nêu rõ: Việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch. Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện để tạo cơ sở cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên. Các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết.
 
Cần thời gian tạo đồng thuận 
 
Việc xây dựng chương trình GDPT mới lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước: Xây dựng dự thảo chương trình GDPT tổng thể; công bố chương trình dự thảo GDPT tổng thể trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến nhân dân trong thời gian ít nhất 60 ngày; thẩm định và thông qua chương trình GDPT tổng thể, xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động…
 
Báo cáo cũng cho rằng, thời gian thực tế dành cho toàn bộ các công việc này tính từ khi ban hành Nghị quyết 88 (tháng 11/2014) đến khi ban hành chương trình mới (dự kiến quý I/2018) chỉ có hơn 3 năm, ít hơn nhiều so với thời gian xây dựng, ban hành chương trình GDPT hiện hành.
 
Quá trình dự thảo chương trình GDPT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc và tiếp thu; đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu chương trình xây dựng GDPT mới trên thực tế cần nhiều thời gian hơn dự kiến 
 
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 có tầm quan trọng, ý nghĩa đối với sự phát triển giáo dục nước nhà. Những kết quả đạt được là tích cực, đáng ghi nhận, song những công việc triển khai trong thời gian tới còn rất lớn.
 
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GDPT, bảo đảm tính khả thi và chất lượng thực hiện chương trình.
 
Minh Quang

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ