A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Miễn hay không miễn học phí?

13:54 | 18/12/2017

Trong 20% ngân sách quốc gia chi cho ngành giáo dục, có ý kiến cho rằng việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm hiện nay là một lãng phí lớn....

...  Nên thay vào đó là một chế độ đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên đương nhiệm, cụ thể là tăng lương cho giáo viên như đề xuất của Bộ GD&ĐT. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để các trường sư phạm không tuyển sinh ồ ạt do số lượng người học càng nhiều thì trường nhận được khoản cấp bù học phí từ Nhà nước càng lớn. 

Sinh viên sư phạm.

Thừa nhận chính sách miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm để trở thành giáo viên tương lai là chính sách nhân văn, nhân đạo, đúng đắn của Đảng và Nhà nước áp dụng hơn 20 năm qua, PGS TS Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng thời kỳ đầu thực hiện chính sách này đã phát huy tác dụng rõ rệt khi nâng tỷ lệ chọi vào sư phạm lên cao, có khi lên tới 1/10. Học sinh có lực học khá giỏi đầu quân vào các trường sư phạm tăng lên rõ rệt thay vì quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như trước đó. Thậm chí, có thời điểm được 27 điểm 3 môn vẫn trượt sư phạm.

Nhưng thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, chính sách miễn học phí đã không còn tác dụng “hấp dẫn” học sinh giỏi vào sư phạm như thời gian đầu thực hiện. Bằng chứng là mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường ĐH đào tạo sư phạm hạ điểm chuẩn bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào Bộ GD&ĐT công bố là 15,5 điểm và các trường CĐ sư phạm chỉ 10 điểm 3 môn đã đỗ nhưng vẫn tuyển mãi không đủ… Đây đúng là một lý do cho thấy chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã trở nên lỗi thời. 

Tiếp đó, việc đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cách đây 20 năm và hiện nay khác nhau rất nhiều. Không chỉ là vấn đề giáo trình, phương pháp giảng dạy mà quan trọng hơn là việc làm sau khi ra trường của sinh viên sư phạm hồi ấy không quá chật vật. Hầu hết sau khi tốt nghiệp sinh viên đều tìm được việc làm trong các cơ sở giáo dục theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo. 

Trong khi đó, hiện nay để được tuyển dụng vào làm việc trong hệ thống các trường công lập ở Việt Nam thực sự không dễ dàng. Ngay cả khi đã có một suất “hợp đồng” làm đến cả chục năm rồi vẫn có nhiều trường hợp giáo viên phải nghỉ việc do trượt trong kỳ thi tuyển công chức, do trường không còn nhu cầu về bộ môn đó nữa… 

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là hiện nay chạy việc rất khó, nhiều cử nhân sư phạm “mai phục” dạy hợp đồng nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế.

Thậm chí, như báo chí đã đăng tải về trường hợp nữ thủ khoa đầu ra của một trường ĐH sư phạm có tiếng cũng thất nghiệp. Trong rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng thủ khoa phải đi bán hàng ở chợ, có một nguyên nhân khách quan là đã lâu tỉnh nhà không có kỳ thi tuyển dụng viên chức cho vị trí này. 

Được dạy hợp đồng, sau đó vào được biên chế đã khó. Nhưng đồng lương giáo viên thì quá thấp không đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Theo số liệu Bộ GD&ĐT đưa ra mức lương khi giáo viên mới ra trường (lương bậc 1) của giáo viên mầm non, tiểu học theo là 3.264.300 đồng. Nhưng tiền thực nhận của giáo viên chưa đến 2.500.000 đồng (sau khi trừ các khoản bảo hiểm, công đoàn, các khoản khác,…)… 

Đó là chưa kể áp lực của nghề giáo hiện nay với kỳ vọng của cả xã hội và phụ huynh đặt vào người thầy trong việc giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Áp lực của đổi mới giáo dục với hàng loạt những cuộc cải cách, chấn hưng nền giáo dục nước nhà khiến thầy cô không thể dậm chân tại chỗ mà phải liên tục tự đổi mới, trau dồi kiến thức, kỹ năng… Áp lực của công việc ngày làm quá 8 tiếng (với giáo viên mầm non, tiểu học)… nhưng không cho phép một phút lơi là, thảnh thơi như một số công việc khác… 

Và hàng trăm nghìn công việc không tên khác khiến chính những giáo viên đang đứng lớp cũng phải thốt lên không muốn định hướng cho con cái theo nghề này vì vất vả, áp lực quá! 

Rõ ràng, tình trạng dôi dư nhân lực, thiếu việc làm đúng chuyên ngành của cử nhân sau khi ra trường mới là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều học sinh giỏi không mặn mà, thậm chí thờ ơ, “chán nản” với nghề giáo dù quá trình học được miễn học phí hoàn toàn, thậm chí có nhiều học bổng ưu đãi trong quá trình học. 

Giải quyết căn cơ bài toán này, trước hết là phải bắt đầu từ việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm với những nhiệm vụ cụ thể của từng trường. Thứ hai là giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm, làm sao cung cầu phải gặp nhau thay vì đào tạo tràn lan rồi tốt nghiệp lại thất nghiệp… 

Với câu chuyện có nên bỏ ngay chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm hay không có lẽ cần một nghiên cứu tổng thể hơn về tác động của chính sách này tới sinh viên ngành sư phạm hiện nay. Song song với đó là đề xuất những giải pháp cần thực hiện nếu như thu học phí với sinh viên ngành sư phạm để làm sao đảm bảo những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể theo học ngành này như chính sách ưu tiên riêng cho sinh viên sư phạm được vay vốn dài hạn, chấp nhận rủi ro về phía Nhà nước. Nếu sau 4 năm học tập sinh viên ra trường công tác trong ngành giáo dục, thì sau 4-5 năm làm việc có thể chi trả lại được học phí đã nộp, xóa khoản vay. 

Ngược lại, với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp làm trái nghề dù không được miễn học phí nhưng nếu học tập một cách tích cực và hiệu quả, vốn kiến thức đã được học trong nhà trường  hoàn toàn vẫn cần thiết và phát huy được tác dụng khi tham gia thị trường lao động ở các lĩnh vực khác nhau. 

Để làm được việc đó, đòi hỏi bản thân các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo. Trường dạy thật, sinh viên học thật. Khi đó, dù không miễn học phí mà nộp học phí cao nhưng sinh viên sau khi ra trường tìm được việc làm với mức lương tương xứng, môi trường năng động nhiều cơ hội phát triển thì chắc chắn, trường sư phạm sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông.   

 Lam Nhi

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ