A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đào tạo sư phạm: Khi 'của cho' và 'cách cho' không còn phù hợp

08:18 | 19/12/2017

Theo quy luật, mọi sự cho không trong thời gian kéo dài mà không “đắt” sẽ thực sự trở nên… mất giá. Liên hệ với việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm suốt thời gian qua, theo các chuyên gia, hiện cả “của cho” và “cách cho” đều không còn phù hợp.

Một chính sách nhân văn không đủ khuyến khích người học, cũng sớm nên xem xét và điều chỉnh để tránh lãng phí.
 

Cô giáo như mẹ hiền.

Cho vay chứ không “cho không” 

Tất nhiên, vẫn còn có những ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm hay không? Mới đây nhất, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ nên miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm, nếu ra trường các em làm đúng nghề, còn không thì Nhà nước cần có cơ chế thu lại khoản tiền đó.

Theo GS.VS Đào Trọng Thi- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là vấn đề được bàn đến nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Do đó, lần này nên thực hiện. Trước đây chúng ta quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành giáo dục, nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế, chúng ta không thu lại được khoản đó khi sinh viên không theo sư phạm.

Từ những phân tích này, GS.VS Đào Trọng Thi đề xuất có thể chuyển việc miễn thành việc cho các sinh viên ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi và ra trường nếu em nào làm trong ngành giáo dục đảm bảo đủ về thời gian thì được miễn, không thu lại. Còn em nào không làm trong ngành sư phạm thì phải trả lại. Như vậy về thực chất là chính sách ưu đãi không thay đổi, nhưng rõ ràng sẽ giải quyết được vướng mắc như hiện nay. 

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trường Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, thực tế chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm lâu nay vẫn chưa đạt được mục tiêu. Sinh viên không kiếm được việc làm trong các cơ sở giáo dục đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước. Vì vậy, thay vì miễn giảm có thể cấp tín dụng sinh viên để trang trải học phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong lĩnh vực sư phạm đáp ứng đủ điều kiện thời gian theo quy định thì sẽ được miễn hoàn trả phần vay. Nếu các em không công tác thì phải bồi hoàn lại số tiền đó cho nhà nước.

Góp ý nhiều lần cho nội dung này, TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh lại chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Theo ông Vinh, trước đây miễn học phí để thu hút người giỏi vào sư phạm nhưng hiện cung đã vượt xa cầu. Nếu không thể thực hiện cùng lúc miễn học phí, cấp học bổng và phân công công tác thì nên tiến tới dừng lại việc này. Bởi thực tế đã cho thấy, việc Nhà nước cấp ngân sách cho các trường sư phạm không đủ còn ảnh hưởng tới cuộc sống của chính giảng viên,  khiến động cơ giảng dạy bị ảnh hưởng. 

Cũng theo phân tích từ các chuyên gia, câu chuyện “đầu ra” cho sinh viên sư phạm mới là bản chất của vấn đề, quan trọng hơn nhiều lần việc miễn hay không miễn học phí. Thay vì miễn học phí, nhà nước cần thực hiện tốt hơn các chế độ ưu đãi với người học sau khi tốt nghiệp, trước hết là việc làm.

Đề xuất kéo dài thời gian đào tạo sư phạm

Nên kéo dài thời gian đào tạo sinh viên sư phạm, đề xuất này cũng vừa được nêu ra trong hội thảo quốc tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP HCM. Theo GS.TS Nguyễn Kim Hồng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, chương trình đào tạo sư phạm trong nước cần thay đổi thời gian đào tạo.

Cụ thể, thay vì đào tạo cử nhân sư phạm 4 năm thì nên kéo dài thành 5 năm và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 đào tạo bậc cử nhân khoa học trong 3 năm tại các khoa khoa học chuyên ngành của các trường ĐH. Giai đoạn 2 đào tạo thạc sĩ giáo dục 2 năm trong các khoa, trung tâm đào tạo giáo viên của trường ĐH. Tuy nhiên thời gian 5 năm này không áp dụng cho chương trình đào tạo giáo viên mầm non do đây là ngành đặc thù. Thay vào đó, giáo viên mầm non cần được đào tạo theo một chương trình thống nhất ngay từ khi bắt đầu học ĐH.

Trước đó, GS.TS Nguyễn Kim Hồng đã từng lên tiếng đề xuất về việc  kéo dài thời gian đào tạo sinh viên sư phạm lên 5 năm, vì hiện tại thời gian thực tập nghề của sinh viên sư phạm quá ít. Cũng theo ông Hồng, lâu nay Bộ GD&ĐT vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số lượng giảng viên và cơ sở vật chất, chưa có liên kết dựa trên nhu cầu địa phương và thực tế tuyển sinh tại các trường sư phạm.

Còn theo đại diện của Trường ĐH Giáo dục (thuộc ĐHQG Hà Nội), cần tăng thời gian đào tạo giáo viên liên tục từ 4 lên 5 năm. Trong đó, tăng thời gian thực tập, trải nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới. Trong 5 năm này thì quá trình đào tạo khoa học cơ bản thực hiện trong 6 học kỳ tại các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực về khoa học cơ bản. Giai đoạn đào tạo giáo viên sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký và thi vào các ngành đào tạo giáo viên. Nếu trúng tuyển sinh viên phải học thêm 4 học kỳ về các môn khoa học giáo dục, thực tập giảng dạy tại trường phổ thông. Sinh viên không trúng tuyển có thể học tiếp 2 học kỳ để lấy bằng cử nhân khoa học. 

Cần sớm thay đổi lại chủ trương, phương thức, cách thức đào tạo lại sinh viên sư phạm hiện nay- đó là quan điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được của cả người trong và ngoài ngành sư phạm. Dẫu thế, nếu bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm cũng cần có lộ trình cụ thể, cùng với đó là việc ra đời một chính sách mới có khả năng thu hút người tài vào ngành sư phạm. Khi “đầu vào” có chất lượng, cùng với “đầu ra” được giải quyết ổn thỏa, đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngành sư phạm thực sự sẽ là ngành học đắt giá. 

Bảo Thoa

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ