A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bạo lực gia đình - nỗi kinh hoàng của trẻ

14:09 | 18/12/2017

Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời.

Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng của mọi trẻ. Vậy mà, những ngày gần đây chúng ta lại phải chứng kiến những nỗi đau tột cùng của các em ...
 

Tranh minh họa.

Đau lòng các vụ bạo hành

Trong căn phòng nhỏ ở phố Phùng Hưng (Hà Nội), chị Ngân khi biết thông tin bé Duy (10 tuổi, con chị Ngân. Bài viết này đã thay đổi tên các cháu bé) phải trốn khỏi căn nhà đang ở cùng bố và mẹ kế vì không chịu nổi những trận đòn. Chị Ngân cho hay, khi về với bà và mẹ, Duy luôn mê sảng, giật mình liên tục và run sợ khi mọi người nhắc đến chuyện bị đánh đập. Ngồi bên cạnh mẹ, cậu bé 10 tuổi chi chít sẹo trên mặt, có vết nổi cục lớn dài vài cm, sợ hãi bảo: “Con không muốn quay lại nơi đó”. Đưa con đi khám, BS xác định Duy bị rạn bốn xương sườn, nứt sọ não.

Được biết, năm 2014, vợ chồng chị Ngân ly hôn sau nhiều năm chung sống, mỗi người nuôi một con. Từ đó đến đầu năm 2016, Duy sống cùng bố ruột, mẹ kế và ông bà nội ở nhà riêng trên phố Hoàng Hoa Thám. Theo thỏa thuận, vào cuối tuần, mẹ được gặp con. Nhưng hai năm nay việc thăm con của người mẹ này liên tục bị cản trở.

Đầu năm 2016, bố Duy và gia đình mới chuyển ra ngoài thuê trọ. Từ đó, ông bà nội và chị Ngân mất liên lạc, không được gặp Duy. Chị Ngân nhiều lần yêu cầu chồng cũ cho gặp con, nhưng đều bị từ chối.

Duy kể ban đầu bố và mẹ kế sống ở phố Ngọc Hà, sau chuyển đến phòng trọ ở phố Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy). Em phải nghỉ học khi vừa xong năm lớp 2, phải làm việc nhà và liên tục bị bố cùng mẹ kế đánh đập, bất kể có lỗi hay không. “Cháu thường xuyên bị nhịn đói, chưa được một bữa ngon và nhiều đêm phải tự trải tấm chăn mỏng ra nền đất ngủ. Cháu muốn đi ra ngoài chơi cũng không được”, Duy nói.

Trong gần hai năm, cậu bé tích cóp được 5.000 đồng từ những lần mua đồ còn thừa tiền. Duy tính dùng số tiền này để chạy trốn song năm lần đều thất bại. “Có một lần em trốn được ra khỏi nhà nhưng lại bị bố bắt được, lôi về đánh”, Duy kể.

Chiều 5/12, Duy kể sau trận đòn từ người mẹ kế vì “nghi ăn vụng thịt bò vừa hầm xong”, cậu bé quyết tâm bỏ trốn. Gần 17h, khi mẹ kế và bố ra ngoài, bé cầm 5.000 đồng chạy ra gặp ông xe ôm ở đầu ngõ xin chở về nhà ông bà nội. “Cháu phải tháo dép, chạy bằng chân đất cho nhanh để bố và dì không bắt lại được”, Duy nói.

Một ngày sau, bố Duy là Trần Hoài Nam (34 tuổi) bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, bắt để điều tra hành vi hành hạ con ruột 10 tuổi. Tại cơ quan công an, Nam khai con nghịch ngợm, khó bảo cần “dạy dỗ”. Anh ta sử dụng chiếc móc áo nhôm thành roi, bắt con nằm úp mặt hoặc đứng sát vào tường để đánh. Có nhiều khi Nam dùng muôi múc canh đánh vào đầu, thậm chí đạp con gãy xương sườn. Còn mẹ kế cũng thường xuyên đánh em…

Thông tin về sự đau đớn của bé Duy bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành gây nhức nhối dư luận chưa hết nóng thì sáng 13/12, Công an xã Vân Nội (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của chị chị Phạm Thị Liên (31 tuổi) ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội về việc con trai bị chồng cũ bạo hành.

Chị Liên cho biết, năm 2013 vợ chồng chia tay sau 9 năm sinh sống, cháu Hải cùng anh trai về ở với bố và bà nội ở xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội). Cách đây hai năm, do nhiều lần bị bố đánh, anh trai Hải về với mẹ và ông bà ngoại. Ngày 10-12, được người hàng xóm báo tin con trai bị bố đánh dã man, chị Liên tức tốc đi tìm con. “Lúc tôi gặp con đã là 10 ngày kể từ hôm bị đánh, song khắp cơ thể vẫn bầm tím. Quá sốc, tôi đón con về nhà bà ngoại ở”, chị nói. Khắp người bé trai chi chít vết thương cũ và mới. Nhiều vết lằn dài tím đen ở kín mông, đùi, cánh tay.

Cậu bé 9 tuổi cho hay khi ở với bố phải thường xuyên làm những công việc của người lớn và liên tục bị đánh. Trận đòn gần đây nhất vào ngày 2/12 khi em xin chữ ký của bố vào bản kiểm điểm vì nói chuyện trong lớp. Sau khi nghe mắng, Hải bị bố lấy dây điện đánh liên tiếp vào tay, mông.

“Cháu van xin nhưng bố không tha, bắt nằm sấp xuống để đánh và mang cả dao dọa chém chết”, Hải nói và cho biết mỗi lần đánh, bố đều khóa kín cửa. Ông Trần Tuấn Long (bố của Hải) thừa nhận do thời gian gần đây con không chịu khó học tập nên “dùng roi đánh cháu vài cái”.

Dư luận đau lòng, phẫn nộ và cả lo sợ những vụ việc bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở đâu đó vẫn có những đứa con hàng ngày phải hứng chịu những trận đòn roi, sự tra tấn của chính các đấng sinh thành mà chưa dám trốn chạy và tố cáo.

Mới đây, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã công bố Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.


Vết thương khó lành

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi được báo cáo từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà. 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường. Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy trung bình mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp. Báo cáo về can thiệp, hỗ trợ theo đường dây nóng phản ánh về bạo lực trẻ em, cứ 10 ca bạo lực, 6 ca là bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.

Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Ở Việt Nam, những vụ bạo hành trẻ em phần lớn do người thân như cha mẹ, cô giáo, bảo mẫu gây ra. Nguyên nhân là bởi những người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng trẻ em. Ông Nam cho biết những vụ bạo lực diễn ra trong gia đình thuộc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ có nhiều yếu tố phức tạp. Thiệt thòi của trẻ là vô cùng to lớn bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, nếu như pháp luật Việt Nam đã có những điều khoản bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người - phụ nữ trước chồng của họ thì luật pháp lại chưa có những điều khoản cụ thể để bảo vệ đầy đủ quyền của trẻ trước cha mẹ chúng. Nhiều người làm cha mẹ vẫn coi việc hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng các hình phạt dã man trẻ là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, họ đánh. Khi họ đang có sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh, khi họ có những điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh. Những cú đấm, cái tát trong gia đình dường như được vô tư chấp nhận.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cần tăng hình phạt đối với loại tội này. Hành hạ trẻ em là hành vi có tác động rất nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng nhân cách của các em và có thể làm lệch lạc quan điểm sống khi trưởng thành.    

Lê Vinh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ