A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2018: Thời điểm ôn tập bắt đầu

08:04 | 11/03/2018

Cùng với việc tăng tốc hoàn tất chương trình lớp 12, các trường THPT trên cả nước đều đã khẩn trương điều chỉnh kế hoạch dạy học, hướng dẫn học sinh cách học, ôn tập khoa học, sát với năng lực.

Ảnh minh họa.

Ôn tập sát với năng lực thí sinh

Quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 cũng như năm 2017, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT và cơ hội xét tuyển sinh ĐH,CĐ mở rộng hơn. 

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú- hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh), ngoài tư vấn về quy chế thi, định hướng đăng ký chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, sở trường, nhà trường chú trọng củng cố kiến thức từng môn học thật vững cho học sinh, rèn kỹ năng để làm bài trắc nghiệm đạt hiệu quả cao. Nhà trường vẫn dạy đúng theo chuẩn chương trình, học thực - lấy điểm thực và học sinh yếu cái gì sẽ phụ đạo, bổ sung kiến thức, kỹ năng làm bài ngay. Ngoài chú trọng 3 môn thi bắt buộc (Toán, Văn, Anh văn), định hướng thế mạnh của học sinh để định hướng chọn trường, ngành nghề phù hợp, nhà trường còn chăm chút hơn cho thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân. Trong quá trình học và ôn tập, các em vẫn có thể thay đổi nguyện vọng của mình theo thế mạnh, học lực.

Một số hiệu trưởng cũng cho rằng trên thực tế giáo viên dạy môn Sử, Địa, Giáo dục công dân và học sinh chọn bài thi tổ hợp này cũng có không ít lo lắng. Để giúp học sinh tự tin, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân không chỉ đổi mới cách dạy, dạy theo chuyên đề mà còn ra nhiều câu hỏi làm trắc nghiệm để tập dượt, rèn luyện kỹ năng phản xạ, làm bài cho học sinh. 

Ở các TTGDTX, ngoài tăng tiết, phân chia học sinh theo nhóm, trình độ học lực để dạy, ôn tập môn thi bắt buộc, tập trung thời gian nhiều hơn cho 2 môn Sử, Địa, các trung tâm còn trao đổi kinh nghiệm truyền đạt kiến thức, chia sẻ ngân hàng đề thi lẫn câu hỏi trắc nghiệm để HS làm quen, thực tập kỹ...

Ngoài học, ôn luyện trong trường từ sáng đến chiều, nhiều em còn tham gia học thêm luyện thi trắc nghiệm ở các trung tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc học thêm quá nhiều và không còn thời gian tự học, nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến các em căng thẳng, mất sức. Vì vậy, các thí sinh không nên quá lo lắng mà học tủ, học lệch và học thêm tràn lan.

Ôn thi theo hình thức cuốn chiếu

Về việc ôn thi, thầy Nguyễn Quốc Bình- hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc dạy học và cho học sinh ôn tập cuốn chiếu đang được giáo viên các bộ môn gấp rút thực hiện. Theo thầy Bình, việc dạy học, ôn tập cuốn chiếu là thích hợp nhất: Để giảm bớt áp lực cho học sinh, thời điểm này, trường vừa triển khai cho học sinh học kiến thức theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT vừa cho ôn tập lý thuyết, làm bài tập theo hình thức cuốn chiếu. Bên cạnh đó mở rộng thêm các dạng đề, đề nâng cao theo hình thức trắc nghiệm... Học sinh phải học kỹ lý thuyết, dàn trải đều các chương trong sách giáo khoa không bỏ phần nào, học đến đâu chắc đến đó.

Cũng đưa ra cách dạy, học nhằm giảm áp lực cho học sinh, một giáo viên dạy ngoại  ngữ Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cho biết, sau mỗi bài học mới đều cho học sinh ôn tập ngay theo nhóm câu hỏi trắc nghiệm. Học đến đâu cho học sinh ôn ngay đến đó, khi kết thúc chương trình, các em sẽ có một bộ câu hỏi trắc nghiệm với phần trả lời đầy đủ, chỉ cần rà soát, ôn tập lại.

Thời điểm này, tại Hà Nội nhiều trường đã lên kế hoạch, điều chỉnh dạy học để dành thêm thời gian cho học sinh ôn tập. Thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết, ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, trường đã gấp rút, điều chỉnh kế hoạch dạy – học, tăng tiết đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 12. Với 6 môn (3 môn tổ hợp) phải ôn tập, thời gian không còn dài, nên việc vừa học vừa ôn tập theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp tốt nhất, nhưng yêu cầu giáo viên phải tuân thủ nội dung chương trình theo quy định. 

Thi thử như thi thật

Ông Chử Xuân Dũng- giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Sở GDĐT Hà Nội sẽ tổ chức đợt kiểm tra, khảo sát cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố trong các ngày 14 đến 17-3, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đợt kiểm tra khảo sát này sẽ tập huấn cho học sinh kĩ năng khi làm bài, đặc biệt là kĩ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Các thầy cô cũng đồng thời hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học. Qua đó, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Các trường, các trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho tất cả giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia về dạy học, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn học sinh, học viên làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan.

Có thể mời các chuyên gia hoặc giáo viên đã tham gia tập huấn để làm báo cáo viên. Thực hiện dạy đúng và đủ chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng môn học, nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định. Các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra các phương án giảng dạy phù hợp với học sinh, bám sát bộ đề thi tham khảo kì thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GDĐT ban hành.

Trong 4 ngày từ 14 đến 17/3, học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn thành phố sẽ làm bài kiểm tra khảo sát với hình thức giống với kì thi THPT quốc gia, trong đó có 1 buổi phổ biến quy chế thi và 5 buổi làm các bài thi: Ngữ văn, Toán, KHTN, Tiếng Anh, KHXH.

Sở GDĐT sẽ ra đề chung, tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 THPT và GDTX trên toàn thành phố. Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và 1 bài kiểm tra tự chọn KHTN (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Riêng học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn KHTN (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý). Môn ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài kiểm tra còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.

Việc tổ chức coi thi, chấm khảo sát được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia. Bài khảo sát được rọc phách, chấm tập trung theo đơn vị cụm, bảo đảm chính xác, khách quan. Mấy năm gần đây, Hà Nội đều tổ chức khảo sát tổng thể học sinh trên toàn thành phố một kỳ thi thử nhưng nghiêm túc như thi thật, để các em không bỡ ngỡ khi bước vào thi chính thức.

Minh Vân

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ