A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Tập huấn giáo viên và người viết sách

09:25 | 10/05/2018

Một số nội dung còn nặng và khó là những nhận xét của các giáo viên vừa tham gia đợt thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) vừa qua, trong khi thời điểm áp dụng đã cận kề.

Ảnh minh họa.

Khó nhất là thay đổi tư duy

Ở thời điểm hiện tại, nhiều trường tiểu học và THCS tại Hà Nội đang tổ chức thi học kỳ II. Ở bậc tiểu học, học sinh đã được ôn thi từ cách đây hơn một tháng. Đơn cử như với chương trình Tiếng Việt của học sinh lớp 2, nhiều giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh làm văn với 3 mẫu bài cơ bản: Tả tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường, tả về một người thân, tả về một việc làm tốt của em. Mặc dù đã có bài văn mẫu cô hướng dẫn trên lớp, nhưng mỗi lần làm lại bài, các em lại có những sáng tạo khác nhau. Chẳng hạn thay vì tả mẹ, nhiều em chuyển sang tả bố, tả ông bà…

Hay thay vì tả việc làm tốt là nhặt được của rơi trả người đánh mất, nhiều em lại chuyển sang tả việc giúp đỡ người ốm, người bị tai nạn giao thông…Mỗi lần các em sáng tạo đi xa bài văn mẫu như vậy, giáo viên chủ nhiệm của một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai - Hà Nội lại nhắn tin cho phụ huynh phản ánh: Con làm bài chưa đạt!

Sự “chưa đạt” ở đây được hiểu theo nghĩa là chưa đạt yêu cầu của giáo viên. Còn  thực chất mỗi bài tập làm văn thể hiện những cái nhìn hồn nhiên, trong sáng cũng như óc quan sát của một đứa trẻ đang làm quen với thế giới bên ngoài theo cách riêng của mỗi em. Mặc dù rất nhiều phụ huynh đồng tình rằng việc viết văn dập khuôn, máy móc sẽ làm giảm tính sáng tạo, tư duy độc lập ở con trẻ, nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi: miễn là con có được kết quả học tập tốt.

Không khuyến khích sự sáng tạo của người học chính là hạn chế của phương pháp dạy và học trong nhà trường lâu nay. Trong khi theo kế hoạch, việc áp dụng chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020. Như vậy chỉ còn đúng 1 năm học nữa để chuẩn bị cho việc tiếp cận phương pháp dạy và học mới, liệu giáo viên có thay đổi ngay được những thói quen và tư duy cũ?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã thẳng thắn nhìn nhận, qua thực nghiệm Chương trình GDPT mới vừa rồi, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả. Trong đó theo yêu cầu, mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh. Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung. 

Cố gắng khắc phục bất cập 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, kết quả thực nghiệm cho thấy, Chương trình GDPT mới đã giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, nhất là hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh. Đây là điều mà thực tế các trường rất muốn đưa vào Chương trình chính thức nhưng không có thời lượng. Nay chương trình mới đưa vào thì nhà trường đánh giá đó là một thành công. Tuy nhiên họ cũng nhìn nhận một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học, còn nhiều nội dung quá tải. 

Có hai loại quá tải. Quá tải về chất là những yêu cầu vượt trình độ nhận thức, vượt năng lực của học sinh. Cái này có nhưng rất ít. Quá tải nhiều hơn là quá tải về lượng, nghĩa là trong cùng một khoảng thời gian cho phép nhưng đòi hỏi học sinh phải làm quá nhiều việc, phải tiếp thu quá nhiều đơn vị kiến thức, không có thời gian cho học sinh vận động.

Ngoài ra, để triển khai Chương trình GDPT mới đại trà cũng vẫn còn nhiều bất cập. Ở các thành phố, một lớp thường rất đông, càng trường tốt lại càng đông học sinh nên rất khó thực hiện đổi mới phương pháp. Một lớp đến 60 học sinh thực sự là một thử thách. Vùng khó khăn thiếu trang thiết bị nhưng chương trình mới được xây dựng trên tinh thần của Nghị quyết 29 là dựa trên điều kiện thực tế nên không đòi hỏi nhiều về trang thiết bị. Nhưng khó nhất là việc triển khai học hai buổi/ngày ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chương trình cũng được soạn thảo linh hoạt để học sinh chỉ cần học 6 buổi một tuần cũng có thể đảm bảo được.

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Hiện Ban soạn thảo đang phải hoàn thiện chương trình và làm rất gấp rút. Sau khi hoàn thiện, chương trình sẽ được Hội đồng thẩm định nghiên cứu ít nhất trong 15 ngày. Nếu chỉ có một môn học chưa được thông qua thì cũng phải chờ. Khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ký quyết định ban hành. Sau đó mới tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả nước. Trước mắt sẽ tập trung vào lớp 1 để thực hiện đúng lộ trình là thực hiện từ năm 2019, chậm nhất là năm 2020 phải triển khai chương trình mới. Lớp 1 chỉ có 6 môn học nên việc thực hiện đúng lộ trình là không khó. Ban soạn thảo đang hết sức cố gắng phấn đấu để chương trình triển khai kịp thời.      

Bảo Thoa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ