A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo

10:07 | 19/11/2014

Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với phong trào thi đua “Hai tốt” có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ nhà giáo về nhận thức và hành động.

Hạnh phúc được dạy con em mình

Thấm thoát gần 30 năm thầy Y Kim Kriêng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Buôn Hồ gắn bó với bục giảng. Dẫu không ít lần bực mình, cáu gắt vì sự  nghịch ngợm của học trò, nhưng một ngày không đến trường, không thăm khu nội trú của các em là thầy nhớ bọn trẻ da diết. “Chúng thật hồn nhiên, trong sáng, sẵn sàng chia sẻ với thầy, cô giáo những bài tập chưa hiểu, những buồn, vui ở tập thể. Các em học sinh (HS) lớp 6 - lần đầu tiên xa bố, mẹ, mọi thứ đều lạ lẫm nên cái gì cũng hỏi thầy, cô; có em nhớ gia đình nằng nặc đòi về nhà. Lúc ấy, tôi chỉ biết ôm chặt chúng vào lòng, khẽ khàng vỗ về, động viên vì có thầy, cô, bạn bè bên cạnh”, thầy Y Kim kể. Dòng hồi ức của thầy Y Kim bị ngắt quãng bởi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, tiếng reo hò của các em HS. Một lúc sau, thầy Y Kim bắt đầu câu chuyện về “cơ duyên” gắn bó mình với mái trường chuyên biệt - nơi đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt của địa phương. Năm 1985, thầy tốt nghiệp và được giữ lại công tác tại Trường Cao đẳng Buôn Ma Thuột (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak). Năm 1993, thầy xin chuyển công tác về Trường Phổ thông cơ sở Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) với tâm nguyện dạy học cho con em buôn làng mình. “Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em, tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Tôi dành trọn tiết học hôm ấy nói với các em những điều mình ấp ủ, trăn trở”, thầy Y Kim bồi hồi nhớ lại. Gắn với HS xã Ea Drông tròn 10 năm, thầy được Sở GD-ĐT điều động về làm Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Buôn Hồ.

Nhiệm vụ, trách nhiệm tại ngôi trường chuyên biệt 100% HS dân tộc thiểu số khá nặng nề, nhưng với tấm lòng yêu trẻ, một lần nữa thầy Y Kim dành trọn tâm huyết của mình, cùng với tập thể ban giám hiệu nhà trường nuôi dưỡng, dạy dỗ hơn 170 HS của thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Buk đang học tập tại trường. “Mình cùng các đồng nghiệp trong trường tập trung rèn cho các em khả năng tự học, gần gũi chia sẻ khó khăn trong học tập, cuộc sống với các em. Về  phía giáo viên, mình phân công những thầy cô giáo giỏi, nhiệt tình, kinh nghiệm làm chủ nhiệm các lớp đầu cấp, cuối cấp để kịp thời động viên, nhắc nhở các em trong học tập”, thầy Y Kim quả quyết. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường Dân tộc Nội trú thị xã Buôn Hồ những năm gần đây được nâng lên. Số HS giỏi toàn diện, HS giỏi cấp thị xã tăng đều mỗi năm 2 em; mỗi năm có 1 em  HS giỏi cấp tỉnh; khoảng 8-9 em thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, riêng năm 2013-2014 có 21 em thi đỗ.

Cô và trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ. (Ảnh minh họa)
Cô và trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ. (Ảnh minh họa)

“Cây sáng tạo” trong giảng dạy

Cô Phạm Thị Giang Thanh, Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo) được biết đến là “cây sáng tạo” trong giảng dạy, giúp HS hứng thú trong học tập. Còn nhớ, khi mô hình trường tiểu học mới (VNEN) được triển khai thử nghiệm tại một vài trường tiểu học trong tỉnh, cô Thanh đã đến tận nơi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, mạnh dạn đề xuất nhà trường cho triển khai thí điểm lớp do mình chủ nhiệm. Thật bất ngờ, sự đổi mới này nhận được sự đồng thuận cao của lãnh đạo trường, Phòng Giáo dục huyện và đông đảo phụ huynh HS. Mới đây, trong khi nhiều trường tiểu học vùng sâu, vùng xa, có đông học sinh DTTS trong tỉnh băn khoăn, lúng túng khi thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT (thay thế cho Thông tư 32), thì cô Thanh lại có cách làm riêng. Cô Thanh chia sẻ:  “Thực ra, việc nhận xét HS đã được giáo viên thực hiện từ lâu, tuy nhiên, không thực hiện thường xuyên như quy định mới. Gắn bó với bậc tiểu học nhiều năm, tôi mong muốn giảm thiểu sự cồng kềnh về hồ sơ, dành nhiều thời gian trải nghiệm với HS qua các hoạt động thực tiễn để các em nhận được nhiều hơn kiến thức, kỹ năng. Muốn vậy, mỗi giáo viên cần sáng tạo và vận dụng hợp lý các hình thức tổ chức trò chơi giúp các em hứng thú, thi đua học tập. Việc đánh giá, nhận xét phải hết sức nhẹ nhàng”.

Với suy nghĩ trên, cô Thanh tổ chức một số trò chơi học tập có thưởng, ghi nhận thành tích và tuyên dương các em có nhiều tiến bộ trong học tập. Trước khi có Thông tư 30, cô Thanh ghi nhận kết quả học tập của HS hằng ngày, tổ chức tuyên dương khen thưởng hằng tuần, hằng tháng. Các em đạt một điểm 10 sẽ được thưởng 1 “Mặt cười nhỏ xinh”. Cuối tuần căn cứ vào số “Mặt cười nhỏ xinh” này mà xếp loại thi đua cho từng cá nhân. Những em đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích được cô Thanh thưởng bánh, kẹo theo thành tích đạt được. Từ ngày 15-10-2014, việc đánh giá HS tiểu học có nhiều thay đổi (thay vì cho điểm, giáo viên chỉ nhận xét), cô Thanh đã làm cho mỗi bé quyển sổ tay “Em thi đua” dùng để ghi nhận sự cố gắng, chăm chỉ, tích cực. Khác với trước đây, quyển sổ này không dán công khai trước lớp, nhằm tránh sự so sánh giữa các em trong lớp. Để khuyến khích các em nỗ lực vươn lên trong học tập, cô Thanh dán bìa quyển sổ tay của HS nam khác HS nữ, nhằm mục đích khuyến khích các bé tự thi đua với chính mình. Vì vậy, ý nghĩa “ Mặt cười nhỏ xinh” cũng khác so với trước. Mỗi “Mặt cười nhỏ xinh” không còn ý nghĩa tương đương 10 điểm mà là sự ghi nhận tiến bộ của HS. Với những bé viết chưa đẹp, đọc chưa rõ nhưng chăm viết bài và tiến bộ hơn trước vẫn được cô giáo thưởng một “Mặt cười nhỏ xinh” vào sổ. Hình thức thi đua này các bé rất thích, ham học và chăm ngoan hơn.

“Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào tự học, tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Cuộc vận động cũng đã góp phần khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nhà giáo, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, ông Nguyễn Đức Trản, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh khẳng định.

Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ