A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thầy cô, người gieo hy vọng

12:58 | 20/11/2014

Mỗi người ở lứa tuổi nào, cương vị nào trong hành trình dài đi đến hiểu biết và thành tài, trong trái tim lại không lung linh hình ảnh người thầy người cô thuở hoa niên đã trao cho mình "trí tuệ trong đầu, đạo đức trong tim”.

Dù đây đó có trường không nhận hoa, nhận quà, tiếp khách, thì suốt cả tuần đón ngày 20-11 này, tràn ngập hoa tươi trên tay học sinh và cha mẹ các em dành tặng thầy cô. Ở nơi núi cao có thể đó là bó hoa rừng hái vội, là bữa cơm ấm áp thầy trò trong lán nhà nội trú. Tình thầy trò bất kể thời nào luôn gửi đi những thông điệp về niềm hy vọng. 
 
 
Mãi biết ơn các nhà giáo
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp khai giảng năm học mới này đã đặt ra cho ngành giáo dục 4 mục tiêu cấp thiết phải làm, trong đó có ý nghĩa quyết định vẫn là "phải xây dựng được đội ngũ giáo viên vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp trồng người”. 

Ngày nay không thiếu phương tiện nghe, nhìn hiện đại có thể đóng vai "thầy máy/thầy ảo” dạy từ xa, học trò vẫn rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắn của người thầy thật. Đó là phương pháp, là kỹ năng nghề nghiệp, là nghệ thuật giáo dục mà hơn tất cả là nhân cách của người thầy. Thầy đâu phải cầm tay chỉ việc mà là chỉ hướng tư duy, truyền cảm hứng và gieo niềm hy vọng vào lẽ phải, sự trung thực ở đời. Thầy làm gương cho trò bằng tính cách nho nhã, khiêm cung. Học vấn uyên bác mà tâm khí bình hòa.

 
Không người nào sở hữu một năng lực siêu nhiên khi chọn nghề thầy. Có những người thầy khuyết tật không đứng trên bục giảng vì phải ngồi xe lăn từ nhỏ, nhưng cố gắng gần gũi và hiểu bọn trẻ dưới bục giảng, thầy cảm hóa học trò bằng nghị lực và âm nhạc. Như thầy giáo Nguyễn Tư ở thị trấn Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên, bảo mình mừng nhất là khi thấy những trò cá biệt thành nghề. Học sinh của ông không ít những em bị coi là cá biệt, "nhưng tôi tin âm nhạc đích thực có khả năng làm hiền con người”, thầy nói.
 
Tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ nổi tiếng có thầy giáo Lê Trung Sứng suốt 20 năm qua dạy bơi miễn phí cho gần 1 ngàn trẻ em trong vùng, ngoài giờ ông dạy môn thể dục ở trường tiểu học Long Hòa 1. Ông từng là thầy xưa của vận động viên nổi tiếng Nguyễn Thị Ánh Viên. Trẻ vốn hiếu động, hiếu kỳ, dạy ở trên bờ đã khó, lại xuống nước mỗi lần dạy từ vài ba chục em. Những lúc một mình không thể vừa dạy vừa quản lý, ông nhờ bảo vệ trường, phụ huynh giám sát giúp. Cứ thế, quả đúng như lời Bác dạy, "Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. 
 
Dịp lễ trọng này mang ý nghĩa của một ngày hội vì thế. Nó mở cho xã hội hiểu hơn về công việc giáo dục con người. Chính đội ngũ trùng điệp những người gieo hy vọng, hơn 1,2 triệu thầy cô cả nước, đã mang vào đời sống vốn bộn bề này triết lý phát huy giá trị tính đa dạng, lòng nhân hậu, thúc đẩy sự khoan dung và tinh thần giao tiếp giữa thầy trò. 
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp. Chính những người thầy thông tuệ mà giản dị mới cho chúng ta kỹ năng hiểu được thế giới tốt hơn. Kiến thức của những người thầy như vậy cũng biến học trò thành một người biết cách lắng nghe, có kỹ năng tổng hợp thông tin một cách cô đọng, sắc sảo trong một bức tranh tổng quát. Nó khác với những giảng viên hiện nay tốt nghiệp điểm cao, được giữ lại trường giảng dạy nhưng chưa đủ trải nghiệm, tận tâm chỉ dạy cho người học ý thức "học để làm gì?”, để có đáp án cho câu hỏi "học cái gì, học thế nào”. 
 
Nhiều người biết đến kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất bởi ông là một KTS nổi tiếng và còn bởi tâm huyết của ông với cương vị người thầy dành cho những KTS trẻ. "Trong đào tạo có phần lý thuyết và làm nghề. Để làm được vế thứ hai cần phải có những người thầy thực sự đã trải nghiệm, có vốn liếng kiến thức, trong đó cái khó nhất là truyền được lửa, niềm đam mê nghề nghiệp cho những thế hệ trẻ”. 
 
Với ông, việc truyền đạt kinh nghiệm, giảng dạy không phải là sự ban phát, mà là một công việc nghiêm túc, làm hết tâm và trách nhiệm giúp học sinh biết cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc khác nhau, tránh được những rủi ro, vấp váp trong nghề nghiệp. 
 
Các nhà giáo trong những ngày này, qua câu chuyện với đồng nghiệp, với học trò cũ mới, với xã hội, đã sẻ chia biết bao câu chuyện chân thực từ lớp học của họ, từ những thăng trầm, những sự thực phũ phàng, những vấn nạn xã hội thầy trò gặp phải, nhưng hơn hết là những niềm vui… Tất cả đều được kể lại mỗi dịp này hàng năm để có thêm hiểu biết mới hơn, về ý nghĩa của việc trở thành một người giáo viên.
 
Đổi mới người thầy, tư duy sư phạm, chính là kêu gọi các giáo viên, cả các người thầy của giáo viên, hãy mạnh dạn từ bỏ hình ảnh mô phạm cùng với những lý thuyết kiến thức cứng nhắc để đến với SV, học sinh bằng chính con người mình. Và đó cũng là lý do, không có một người "thầy ảo” nào thay thế được những người thầy nhân hậu, khoan dung. 
 
Dù học sinh của mình mai này ra đời thành hay bại, người thầy vẫn là người bạn lớn định hướng giúp họ kiếm tìm cái tử tế, cái duyên cái đẹp trong không gian đời sống… Có khi thầy nói không nhiều, có khi không nói, mà đạo Học, đạo Người, ở nơi thầy, với trò thật là sâu sắc.
 
Sự ổn định của chiến lược giáo dục được xem là nền tảng quan trọng nhất cho niềm tin vào chất lượng giáo dục bền vững. Hy vọng sớm tới một ngày nào đó, tới dịp 20-11, tất cả các ngôi trường, cả Bộ GD&ĐT cùng các Sở trên cả nước không ai phải "bố cáo” việc không nhận quà nhận hoa trong ngày lễ trọng này. Đây là Ngày vui lớn, không chỉ riêng của ngành GD&ĐT, đó là ngày của ký ức và lòng biết ơn trong trẻo nhất lên ngôi.
 
Thanh Như

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ