A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần giảm tải cho chính thầy cô

09:57 | 20/11/2014

Hôm nay 20-11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, một đề án mà giáo viên là lực lượng tham gia thực hiện, là nhân tố giữ vai trò quyết định thành, bại của đổi mới.

 
Dạy học sinh trồng cây thí nghiệm
 
Bộ GD&ĐT đã có những động thái tích cực giúp học sinh giảm tải, giảm áp lực thành tích. Vậy đâu là giải pháp giảm tải cho các thầy cô, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng của cả giáo viên và học sinh. 
 
Giáo viên chưa hiểu chương trình?
 
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay thiết kế dành cho giáo viên gọi là "đạt chuẩn” nhưng có rất nhiều giáo viên, đặc biệt là vùng khó khăn chưa theo nổi. "Thậm chí giáo viên còn chưa hiểu chương trình thì làm sao giảng dạy?”, như GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nói mới đây. 
 
Để đổi mới GD&ĐT, giáo viên là lực lượng thực hiện, là nhân tố giữ vai trò quyết định thành bại của đổi mới. Nhưng gánh nặng giáo dục toàn diện vẫn đè nặng vai đội ngũ này khi họ hầu như chưa được giảm tải, chưa đủ kỹ năng giúp học sinh sáng tạo, thực hành.
 
Mươi năm nay, các giáo viên tiểu học nhiều thành phố còn chóng mặt tự bồi dưỡng soạn giáo án điện tử, làm quen với phương pháp dạy có công nghệ thông tin hỗ trợ, có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh… Nhưng kỹ năng bảo vệ máy tính sao cho chuyên nghiệp, trớ trêu thay nhiều thầy cô chịu cứng.
 
Thực trạng đó có thể lý giải kết quả điều tra bỏ túi của một thầy giáo về 45/45 học sinh đi học bằng xe đạp nhưng không có em nào biết sửa xe, gây xôn xao cộng đồng. 
 
Sinh thời Bác Hồ từng dạy, "các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực”. Tất nhiên dạy theo phương hướng thực tiễn từ tiểu học đòi hỏi thầy cô giáo mất công chuẩn bị nhiều hơn nhưng hiệu quả sẽ rất lớn, học sinh không bao giờ quên được. Trẻ em mới thấy bài học thú vị, vả lại nhiều thí nghiệm cũng không đắt tiền, khó kiếm. 
 
Giáo dục tiểu học với sự trưởng thành của con người
 
Ba giờ chiều hôm nay 20-11 tại Cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhà giáo Phạm Toàn  và TS. Giáp Văn Dương sẽ chủ trì tọa đàm về vai trò của giáo dục bậc tiểu học đối với sự trưởng thành của con người.   
 
Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập nhóm Cánh Buồm, chủ trương cho trẻ có ý thức tự trọng ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường bằng cách thầy cô chỉ là người hướng dẫn cho trẻ tự tư duy. Ông không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Cách làm giáo dục như thế, ông bảo, "sẽ đào tạo ra hàng loạt công dân không có tư duy độc lập, và không có tư duy độc lập sẽ rất dễ trở thành nô lệ”. 
 
Giáo dục tiểu học có ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, xã hội cùng ổn định. Đây là quan điểm xuyên suốt của nhóm Cánh Buồm đối với giáo dục bậc tiểu học. Quan điểm này đã được nhóm Cánh Buồm cụ thể hóa trong các bộ sách giáo khoa tiểu học của mình, với tâm niệm giúp trẻ em được sống và trưởng thành như những con người tinh tế biết cách sống có trách nhiệm với Đời. 
 
Quan điểm đó được nhóm Cánh Buồm chủ động "quy trình hóa” trong bộ sách giáo khoa Văn và Tiếng Việt cao và xa nhưng dễ thực thi một cách phổ cập cho giáo viên và phụ huynh đương thời. Để làm rõ hơn quan điểm và cách thực của nhóm Cánh Buồm, đồng thời gợi ý cách nhìn nhận lại vai trò của giáo dục bậc tiểu học đối với sự trưởng thành của con người, buổi tọa đàm với chủ đề giáo dục tiểu học được tổ chức vào chiều nay đúng Ngày Nhà giáo VN 20-11.
Thanh Lê
 
Học toán, hãy cầm thước đo lớp học
 
Nhà giáo Nguyễn Văn Chiển khi nói về thực nghiệm và thực hành ở tiểu học có lần đề xuất, "trong thời buổi kinh tế thị trường, tôi đề nghị ngay từ cấp tiểu học đã có những bài toán về lỗ lãi, về hiệu quả kinh tế chí ít ở lớp 5 để hướng các em sau này đi vào sản xuất kinh doanh chứ không chỉ hướng đi làm công chức”...
 
Vẫn theo ông, dạy thực hành môn toán, có thể cho học sinh cầm thức kẻ, thước dây đo chiều dọc chiều ngang chiếc bàn học, đo lớp học rồi tính diện tích. Tiến nữa là đo chiều dày chiều cao bức tường, tính ra số gạch xây, tính ra số tiền gạch… Cao hơn chút nữa, có thể cho các em nhỏ nước chanh hoặc nước vôi vào nước rau muống luộc để phân biệt axít với badơ… 
 
Sự đơn điệu và quá tải ở nhiều bậc học hiện nay chính là do cách dạy chay, thiếu thực hành và thực nghiệm. Đây cũng là nỗi lo chung của xã hội khi học sinh học nhiều mà quá yếu kỹ năng thực hành, vốn sống xã hội. 
 
Ngành GD&ĐT cần thống kê hiện có bao nhiêu trường lớp, môn học, tỷ lệ giáo viên dạy chay, dạy không gắn với thực hành, và công khai, minh bạch những điều tra khoa học từ chuyện đơn giản vậy, mới hy vọng xã hội giám sát để đổi mới kịp thời. 
 
Ngoại khóa và trí tưởng tượng
 
Một nhà giáo khi ra nước ngoài du lịch kể rằng anh hết sức cảm động và thú vị khi lần đó đến Paris, được chứng kiến một đoàn học sinh tuổi chỉ chừng chín, mười được cô giáo hướng dẫn đi thăm Pompidou, một bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Ở đó bày những tác phẩm tạo hình khuynh hướng hiện đại, từ lập thể đến trừu tượng, từ siêu thực đến đa đa, đến pop art…, tưởng như trẻ em khó tiếp nhận, nhưng các em vẫn được tiếp xúc sớm với khuynh hướng nghề thuật tiên phong ấy. 
 
Hẳn các thầy cô khi đưa trò tới đây hẳn ý thức rõ giáo dục sáng tạo trước hết là giáo dục trí tưởng tượng, đánh thức khả năng tiềm tàng quý giá luôn có sẵn trong con người, khơi dậy trí tưởng tượng ở tất cả các khía cạnh của nó. Trong khi đó số đông trẻ em ta chủ yếu chỉ biết được truyện tranh đủ loại mà không ít cuốn, chỉ khiến cảm xúc thẩm mỹ của các em tầm thường đi, thui chột đi. 
 
Muôn đời cái Mỹ luôn đi cùng cái Chân, cái Thiện, nhưng giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường từ tiểu học đến trung học ở VN còn bỏ ngỏ. Có học sinh chua chát, suốt quãng đời đi học hình như không một thầy cô nào iới thiệu cho mình bất cứ một cuốn sách nào. Cũng chẳng ai nói về lợi ích của việc đọc sách hay gieo cho học trò lòng ham đọc. 
 
Có thể các hiệu sách, bảo tàng trong nước xa lạ ngay với số đông nhà giáo. Có thể nhiều thế hệ thầy cô nhiều năm cũng là nạn nhân của kiến thức nhồi nhét lấn át trí tưởng tượng, sáng tạo.
 
Chương trình giáo dục mới của Bộ GD&ĐT thiết kế tới đây rất cần xây dựng hướng tổng hợp theo phương châm quý hồ tinh bất quý hồ đa. Cùng SGK mới cần có thêm nghiên cứu thiết kế các loại hình thí nghiệm, trải nghiệm mở, kích thích tò mò sáng tạo từ tiểu học. Đổi mới CT, SGK phải triệt bệnh quá tải từ gốc, đồng bộ với đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
 
Phương Nguyễn

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ