A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân lao đao vì... mía!

09:42 | 18/05/2015

Giá mía liên tục giảm trong nhiều năm, người thu mua thì ép cấp ép giá, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống của người trồng mía lâm vào cảnh lao đao.

Lại thêm một mùa “mía đắng”

Huyện Ea Kar và M’Drak được biết đến là hai vựa mía lớn nhất tỉnh với tổng diện tích khoảng 12.000 ha. Cây mía đã gắn bó và phát triển trên vùng đất này từ những năm 1990 và được xem là cây trồng thoát nghèo, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, do giá mía liên tục giảm sâu, chưa kể với những rủi ro hằng năm như hạn hán, sâu bệnh làm cho năng suất, sản lượng mía ngày càng sụt giảm khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.

Người dân xã Ea Pil, huyện M'Drak đang khẩn trương thu hoạch mía để tránh hạn. 

Người dân xã Ea Pil, huyện M'Drak đang khẩn trương thu hoạch mía để tránh hạn.

 

Tại huyện Ea Kar, từ năm 2012 trở về trước, do việc trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con đã không ngừng đầu tư mở rộng diện tích. Những năm 2006-2007, toàn huyện mới chỉ có gần 2.000 ha thì đến năm 2010 tăng lên trên 5.000 ha và đỉnh điểm là năm 2011 với khoảng 7.000 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Sô, Ea Sar, Ea Păl, Cư Ni… Tuy nhiên, những năm gần đây, trồng mía không còn có lãi như trước nên người nông dân đã giảm dần diện tích, hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 5.500 ha mía.

Vừa thu hoạch xong gần 2 ha mía cách đây mấy ngày, anh Lê Sĩ Hảo ở thôn 3, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) cho hay: Vụ mía năm trước, mặc dù giá mía xuống thấp (750 đồng/kg) nhưng gia đình anh vẫn may mắn thu hồi được tiền vốn đầu tư. Năm nay anh cố gắng chăm sóc mía thật tốt và mong giá thu mua tăng lên để bù đắp lại, nhưng không ngờ thảm hại hơn. Anh vừa bán xong hơn 100 tấn mía với giá 650 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với năm ngoái. Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì anh lỗ gần 10 triệu đồng. Mặc dù bị thua lỗ nhưng xem ra anh Hảo vẫn còn may mắn hơn so với những hộ đã vay tiền từ ngân hàng để đầu tư sản xuất. Với vẻ mặt đầy lo âu, ông Hậu ở thôn 5, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) than thở: “Đầu vụ mía (khoảng tháng 6-2014), gia đình tôi vay ngân hàng 35 triệu đồng để đầu tư cho 2 ha mía và tích cực chăm sóc vườn cây chỉ mong đến ngày thu hoạch có tiền trả nợ. Không ngờ giá mía năm nay lại tiếp tục giảm sâu, giờ chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả gốc và lãi ngân hàng.

Thời điểm này, trên địa bàn huyện M’Drak, người trồng mía cũng đang đứng ngồi không yên vì tình hình hạn hán đã làm cho hàng trăm héc ta mía có dấu hiệu chết cây. Bà con thì mong sớm thu hoạch mía để bán, trong khi người thu mua còn khá “đủng đỉnh”. Để khắc phục những khó khăn trước mắt, chính quyền địa phương chỉ còn cách vận động người dân tiếp tục tìm mọi phương án chống hạn cứu mía, đồng thời đề nghị các ngành chức năng huyện, tỉnh kêu gọi các công ty mía đường có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với dân khẩn trương thu mua để bà con sớm hoàn tất việc thu hoạch.

Nông dân xã Ea Sô đang tập kết để vận chuyển mía về nhà máy đường.

Nông dân xã Ea Sô đang tập kết để vận chuyển mía về nhà máy đường.

Cũng như nhiều hộ dân khác, anh Lê Đình Hiếu ở thôn 2, xã Ea Pil (huyện M’Drak) phải “chạy đôn chạy đáo” mua hàng trăm mét ống nước và thuê người khoan 2 giếng sâu khoảng 100m/giếng để lấy nước cứu vớt phần nào diện tích 5 ha mía của gia đình. Anh cho biết: Niên vụ mía năm ngoái anh thu được 70 tấn mía/ha, nhưng năm nay nắng hạn kéo dài đã làm nhiều diện tích mía bị héo úa, cây còi cọc, may ra cũng chỉ thu được khoảng 50 tấn/ha. Theo tính toán của anh Hiếu, nếu việc trồng mía thuận lợi về nguồn nước tưới, giá mía ổn định như từ năm 2011 trở về trước (giá mía trên 1.000 đồng/kg) thì mỗi héc ta cũng thu được gần 60 triệu, trừ các khoản chi phí thì người dân lãi 20 - 30 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay giá thu mua mía giảm mạnh, hầu hết người trồng mía đều lỗ nặng.

Lao đao vì mía

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: Những năm gần đây, năng suất, sản lượng mía trên địa bàn huyện đang ngày càng sụt giảm. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích đất trồng mía đều được bà con thâm canh qua nhiều năm, trong khi việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế (bà con làm theo kinh nghiệm là chủ yếu), vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng đất bị nghèo dinh dưỡng, thậm chí là bạc màu. Chưa kể, từ những chân ruộng mía lâu năm, các mầm sâu bệnh lưu từ vụ trước và bùng phát, lây lan sang vụ sau, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây mía… Từ những nguyên nhân nói trên dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm, mỗi héc ta mía nếu bà con chăm sóc chu đáo lắm thì cũng chỉ đạt 60 tấn, giảm khoảng 10 - 20 tấn/ha so với trước năm 2010.

Trên địa bàn huyện M’Drak hiện có 3 công ty mía đường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của người dân. Mùa thu hoạch năm nay, các công ty này đã đưa ra giá sàn thu mua mía từ 700 - 750 đồng/kg với chữ đường 10 CCS. Song, theo phản ánh của người dân thì có rất ít người bán được với giá trên. Nguyên nhân là do chữ đường phụ thuộc vào cách tính toán của công ty thu mua quyết định, còn người nông dân lại khá mơ hồ về điều này. Đã vậy, các công ty này còn lấy lý do trừ tạp chất, lượng phân tồn dư cao để đẩy giá xuống thấp khiến không ít bà con bức xúc… Với những cách thu mua nói trên thì tính ra người nông dân chỉ bán được mía với giá trung bình 600 - 650 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô (huyện Ea Kar) cho biết, bên cạnh những khó khăn về giá cả, sản lượng mía xuống thấp thì hiện nay người dân muốn bán mía được thuận lợi thì cũng phải chi trả thêm khoản tiền bồi dưỡng cho lái xe chở mía từ 100.000 - 200.000 đồng/chuyến. Nhiều cánh lái xe còn đòi thẳng thừng, nếu không “bồi dưỡng” thì sẽ gây khó dễ người nông dân đủ kiểu như: đậu xe cách xa ruộng mía thu hoạch và yêu cầu người dân phải vất vả vác mía từ dưới ruộng lên xe; nếu hộ nào lỡ chặt mía rồi mà không đồng ý bồi dưỡng tiền, hoặc than phiền, thắc mắc thì các cánh lái xe cứ chây ỳ để 2 - 3 ngày sau mới vào thu mua. Lúc đó trữ lượng đường trong mía đã giảm xuống, mía bán càng mất giá…

Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát số diện tích mía trên địa bàn, hạn chế việc người dân mở rộng khi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm; bên cạnh đó cần vận động bà con ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua và bán trực tiếp cho đơn vị ký hợp đồng chứ không bán qua khâu trung gian, đại lý thu mua ngoài? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có những chính sách trợ giá và thu mua mía với giá hợp lý, ổn định, tương xứng với công sức người dân bỏ ra. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, giá mía liên tục giảm sâu khiến không ít bà con nông dân đã dần quay lưng với cây trồng truyền thống này. Vấn đề đặt ra là, nếu người dân phá bỏ cây mía thì không biết thay thế bằng cây gì cho hiệu quả, trong khi vấn đề vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác cây trồng khác cũng là vấn đề nan giải. Người trồng mía rất mong các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương có những định hướng và giải pháp lâu dài để nông dân ổn định đời sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Lê Thành

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ