A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cải cách tiền lương không phải là tăng lương

13:46 | 04/05/2017

Tăng lương kiểu dàn hàng ngang, mỗi người hưởng một chút liệu có thực sự là cải cách tiền lương?

Ảnh minh họa.

Một tin mừng đối với những người làm công ăn lương là sắp được tăng lương. “Làm công ăn lương” là tôi muốn nói đến cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) tại các cơ quan nhà nước và những người trong lực lượng vũ trang chứ thực tế thì ai tham gia lao động cũng đều làm việc vì lương cả. Cụ thể, từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng (thay cho mức hiện hành là 1.210.000 đồng/tháng).

Với mức tăng này, từ ngày 1/7, lương của một người đã có 14 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng thêm 299,7 nghìn đồng/tháng (chưa trừ bảo hiểm xã hội). Một cử nhân mới ra trường có thể nhận thêm 210,6 nghìn đồng. Một chuyên gia cao cấp bậc 3 có thể lĩnh thêm 900 nghìn đồng. Mức tăng từ hơn 210 nghìn đồng đến 900 nghìn đồng có vẻ như chưa thỏa mãn được phần đông những người hưởng lương ngân sách nhưng phải khẳng định đó là nỗ lực vô cùng to lớn của Chính phủ trong điều kiện nhiều nguồn thu nhà nước sụt giảm.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, ngân sách đang phải nuôi một bộ máy quá cồng kềnh. Một chuyên gia từng ví von: 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số cán bộ công chức này. Dù cho những số liệu về các công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” chưa được thừa nhận chính thức thì một lãnh đạo từng nhận định: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. 

Nhìn vào thực trạng này, một cán bộ cho rằng mới chỉ bàn về cải cách tiền lương nhưng đã thấy quá khó rồi. Việc tăng lương chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề và tăng lương sẽ dẫn tới tăng giá. Hệ thống tiền lương đang trong vòng luẩn quẩn, “giật gấu vá  vai” chứ  không giải quyết được một cách căn cơ. Theo vị cán bộ này, điểm mấu chốt vẫn là phải tinh giản biên chế. Với một nguồn lực hữu hạn thì càng ít người “bấu víu” vào nguồn lực này thì số tiền chia cho từng người sẽ tăng lên. Lý thuyết là vậy.

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2021 tối thiểu phải giảm 10% biên chế nhưng thực tế thì biên chế không giảm mà có nơi, có lúc phình ra. Một cán bộ tổ chức cho hay, trong số những người mà các đơn vị đưa vào diện tinh giản có 85% là công chức chỉ còn 2-3 năm công tác nữa là nghỉ hưu “nên họ tự xin nghỉ”. Một số khác tự xin ra ngoài để tập trung “làm kinh tế”.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương), năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.685.961 người. Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người. Như vậy là thực hiện tinh giản biên chế nhưng số người hưởng lương ngân sách vẫn “vượt kế hoạch” hơn 8.000 người?

Một vấn đề của chính sách tiền lương là phương pháp “dàn hàng ngang”. Một người tốt nghiệp đại học nhận mức lương 2,34. Lần lượt cứ 3 năm, vị cán bộ/ công chức/ viên chức này lên 1 bậc lương. Và trong thời gian đó, tháng nào cũng như tháng nào, mỗi người trong bộ máy đều được nhận lương theo ngạch bậc của mình, bất biết mức độ hoàn thành công việc: Người làm ít cũng như người làm bình bình cũng như người tích cực. Hệ thống trả thù lao của chúng ta vẫn theo quan niệm “sống lâu lên lão làng”, tức là người vào làm trước thì lương cao, người vào sau thì lương thấp hơn mà không quan tâm đến vị trí làm việc, chất xám, sức lao động bỏ ra cho công việc hay chất lượng công việc. Việc tăng lương cũng “dàn hàng ngang”, một người một chút và tùy vào bậc lương (tức là tùy vào thâm niên) mà có thể nhận hơn kém nhau chút đỉnh.

Có thể thấy, tinh giản biên chế đang vướng mắc. Cải cách tiền lương khó khăn. Chất xám thực sự có vẻ đang chảy từ khu vực công sang khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Muôn sự cũng bởi việc trả công cho người lao động ở khu vực nhà nước đang “có vấn đề”. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu như cơ quan, tổ chức (ví dụ một cơ quan cấp Bộ) được khoán quỹ lương thay vì khoán biên chế như hiện nay. Người đứng đầu cơ quan, Bộ trưởng có thể xem xét cường độ, khối lượng công việc của đơn vị mình để quyết định việc tuyển dụng hay nói cách khác là thuê nhân công và trả lương theo từng vị trí làm việc. Không còn cảnh “sống lâu lên lão làng”. Không còn cảnh “dàn hàng ngang”, may ra mới có thể kích thích được sự sáng tạo, sự chuyên tâm của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó tạo ra sản phẩm xứng đáng với đồng lương từ thuế của nhân dân. Cải cách tiền lương có lẽ không chỉ dừng lại ở tăng lương.  

 Anh Tú

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ