A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu ở Buôn Đôn: Vẫn chưa hết "nóng"

10:01 | 22/01/2018

Như Báo Đắk Lắk từng phản ánh, sau bức xúc của những nông dân trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu ở huyện Buôn Đôn, ...

... Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (gọi tắt là công ty) đã hứa sẽ thực hiện thu mua chuối của bà con với giá 30% loại I (5.000 đồng/kg) và 70% loại II (3.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, trên thực tế, công ty thu mua với giá chỉ còn 1.700 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Công ty lý giải sở dĩ thu mua với mức giá đó là do chuối không đạt chất lượng. Theo công ty, chuối đạt chất lượng thu mua khi “đủ xanh, đủ nải, đủ ký”. Tuy nhiên, trong thời gian chờ gom đủ số lượng chuối cho xe tải trọng 10 tấn theo yêu cầu của công ty thì chuối đã thu hoạch... bắt đầu chín và bị loại do không đáp ứng được tiêu chuẩn! Nhiều trường hợp chuối đạt năng suất và sản lượng theo đúng hợp đồng thu mua (buồng chuối có từ 7-9 nải và nặng trên 20 kg) nhưng vẫn bị công ty hạ giá với lý do chuối xấu, bị đốm không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Vì mắc bệnh nấm nên vườn chuối của gia đình ông Nguyễn Trung Thành ở buôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) buồng ngắn, trái chuối nhỏ.

Ông Nguyễn Trung Thành - một hộ trồng chuối ở thôn Ea Mar (xã Krông Na) cho biết: “Vừa rồi gia đình tôi thu được hơn 20 tạ chuối, đa số các buồng chuối nặng từ 24 – 40 kg. Ban đầu công ty mua 3.000 đồng, sau giảm xuống còn 2.000 đồng và cuối cùng chỉ còn 1.700 - 1.800 đồng/kg nhưng cũng chỉ được 10 tạ, còn lại loại ra. Chúng tôi yêu cầu phía thu mua đưa ra lý do thì được giải thích rằng buồng xấu, trái nhỏ lại bị đốm không xuất khẩu được”.

Theo người dân, sở dĩ có hiện tượng trái nhỏ và bị đốm là do chuối mắc bệnh dù được chăm sóc nghiêm ngặt và đúng theo quy trình của công ty đưa ra. Tình trạng này khiến bà con cho rằng “chuối bệnh từ cây giống được cung cấp”. Khu vườn 1 ha chuối của gia đình ông Thành được đầu tư gần 130 triệu đồng, từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch luôn bảo đảm yêu cầu về nước tưới, phân bón và kỹ thuật bảo quản buồng chuối nhưng cây vẫn mắc bệnh nấm, đã dùng nhiều loại thuốc đặc trị vẫn không có kết quả. Không chỉ riêng vườn chuối của gia đình ông Thành, hầu hết toàn bộ các vườn chuối xung quanh đều mắc bệnh, nhiều nhất là bệnh vàng lá.

Vườn chuối của các hộ nông dân xã Ea Huar cũng mắc bệnh thán thư (bệnh đốm lá, đầu tiên chỉ là một vài đốm nhỏ, sau đó lan dần ra dẫn đến hư lá). Chuối mắc bệnh không đạt năng suất, chất lượng khiến vườn chuối của gia đình chị H’Rina Knul (buôn N’Drếk A) mất trắng. Chị H’Rina than thở: “Gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều vào 7 sào chuối, cứ một tuần lại phun thuốc bảo vệ thực vật hai lần (công phun 200.000 đồng/ngày, tiền thuốc dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/lần nhưng tình trạng không được cải thiện”.

Được biết, sau một năm trồng thí điểm, hiện nay giống chuối Nam Mỹ xuất khẩu đã được nhân rộng lên gần 50 ha ở huyện Buôn Đôn, chủ yếu ở các xã Ea Nuôl, Ea Wer, Ea Huar, Krông Na. Theo lý giải của bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Buôn Đôn, đây là giống chuối cấy mô, có đặc thù không thích hợp với những diện tích đất ngập úng, vì vậy khi trồng trên vùng có chân đất ẩm cây sẽ bị bệnh hoàn toàn. Lúc bà con bắt đầu xuống giống trồng chuối thí điểm là vào mùa khô (tháng 11-2016 đến tháng 5-2017), sau đó lại mưa kéo dài, lượng mưa nhiều; trong khi đó, điều kiện đất đai ở hai xã Krông Na và Ea Huar là mưa ngập, nắng khô vì phần chân đất sét chiếm đa số nên chuối dễ mắc bệnh. Hầu hết các vườn chuối bị bệnh chủ yếu thuộc phần đất ẩm.

Chuối loại quá nhiều nên ông Đỗ Quốc Dũng ở thôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) mang cho dê ăn.

 

“Giống chuối Nam Mỹ xuất khẩu rất phù hợp với thổ nhưỡng huyện Buôn Đôn, nhưng không phải trồng trên chân đất nào cũng được bởi đây là giống chuối cấy mô chứ không phải chuối tiêu. Trong thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện sẽ có kế hoạch giao cho các xã khoanh vùng thích hợp với loại cây này để tránh tình trạng trồng tự phát, không hợp đất dẫn đến thiệt hại”. 

 
 
 Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn

Theo bà Thủy, chuối mắc bệnh không chỉ xử lý một lần là dứt bệnh. Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo các trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật phối hợp với nhân viên kỹ thuật của công ty cử người hướng dẫn nông dân cách trị bệnh cho cây. Thông thường quy trình này lặp lại 3 lần: xử lý ngày đầu tiên, sau 7 ngày xịt thuốc lại và 7 ngày sau xịt thuốc lần cuối. Tuy nhiên một số hộ dân không tuân thủ đúng quy trình,  thấy bệnh “tạm ổn” thì dừng, điều này vô tình làm cho vi rút gây bệnh sẽ kháng thuốc. Một khi cây mang bệnh sẽ cho trái không đạt (loại I) như yêu cầu. Hiện nay, ở xã Ea Nuôl và Ea Wer có rất nhiều thương lái từ bên ngoài đến mua lẻ chuối, hoặc bao tiêu cho vườn. Để ngăn chặn tình trạng thua lỗ, Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo người dân trước mắt vẫn thu hoạch bán nội địa, chấp nhận bỏ cây đợt 1 tập trung chăm sóc cho cây đợt 2.

Thiết nghĩ, việc đưa giống chuối Nam Mỹ xuất khẩu vào trồng là nỗ lực của địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mở ra một hướng phát triển kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây; đặc biệt cần giám sát, ràng buộc doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc cam kết về bao tiêu, bảo đảm giá cả thu mua, tránh tình trạng thiệt hại cho nông dân.

Hoàng Ân

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ