A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xã hội hóa nghề rừng: “cú hích” cho phát triển ngành lâm nghiệp

13:55 | 26/03/2014

Dak Lak có trên 641.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên. Sau gần 15 năm giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ, đã góp phần tăng cường an ninh cho rừng, đồng thời tạo việc làm, tăng

Tăng cường quản lý bảo vệ khi rừng có chủ

Triển khai giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/1994/NĐ-CP cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp, nhiều diện tích đất hoang hóa ở tỉnh ta đã được phủ xanh bằng những cánh rừng keo xanh tốt.  Điều này cho thấy bước phát triển rõ nét của công tác xã hội hóa lâm nghiệp từ khi rừng, đất rừng có chủ. Tình trạng khai thác rừng trái phép cũng được hạn chế nhiều khi huy động được các nguồn lực trong dân tham gia giữ rừng. Có thể thấy được hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng từ chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng buôn làng quản lý, những cánh rừng giờ đây đang ngày càng được tích cực bảo vệ bởi nó trở thành tài sản của gia đình, là thứ người dân dựa vào đó để mưu sinh.

Với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 31.000 ha, huyện Krông Bông gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, bảo vệ cũng như phát triển nguồn tài nguyên này. Trong khi kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của huyện nhưng diện tích đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng đang ngày càng suy giảm. Một trong những nguyên nhân đó là rừng chưa thực sự có chủ, nhu cầu con người trước sự gia tăng dân số dẫn đến thiếu đất canh tác nông nghiệp… Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nạn di dân tự do tăng nhanh trong những năm qua cũng là một trong những áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên này. Trước tình trạng đó, căn cứ trên các quyết định, nghị định đã ban hành (Nghị định 163/1999 của Chính phủ, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ…), từ năm 2000 đến nay, huyện Krông Bông đã giao trên 9.000 ha rừng cho hộ dân và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Bên cạnh đó, Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, ban hành ngày 23-11-2005 về việc thí điểm giao đất giao rừng (GĐGR) cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên, đã mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp cho tỉnh nói chung, huyện Krông Bông nói riêng. Theo đánh giá của UBND huyện thì 9.196 ha rừng sau khi được giao cho gần 40 nhóm hộ và 11 cộng đồng ở các buôn: Hàng Năm, buôn Kiều, Ea Chố, Tar, thôn 3 (Yang Mao), Cư Drăm (Cư Drăm) đã mang lại hiệu quả nhất định; công tác bảo vệ rừng nhờ vậy đã có những chuyển biến tích cực hơn.

Tập huấn quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại Ea H’leo.

Toàn tỉnh hiện có trên 641.000 ha rừng, đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên khoảng 576.000 ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Hiện  trên 200.000 ha đã được giao cho 15 công ty lâm nghiệp;  289.814 ha giao cho các vườn quốc gia ; 26.575 ha được giao cho cho các hộ, nhóm hộ gia đình quản lý; 16.583 ha giao cho các đơn vị vũ trang; số còn lại khoảng 166.000 ha được giao về cho UBND các xã tổ chức  quản lý, bảo vệ. Theo đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp, những diện tích rừng có sự tham gia bảo vệ của người dân đều mang lại hiệu quả: rừng ít bị xâm hại hơn, đời sống của người dân sống gần rừng được cải thiện đáng kể.  Không ít cộng đồng thôn buôn đã xem rừng là tài sản của buôn làng và có trách nhiệm bảo vệ như tài sản của mình.

Phát triển phong trào trồng rừng kinh tế

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực, phát huy tinh thần tự giác của người dân địa phương, những cánh rừng sau khi được giao cho người dân quản lý bảo vệ, đã tạo được việc làm cho nhiều hộ sống gần rừng; đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ ở các xã khó khăn, phong trào trồng rừng kinh tế cũng được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển.

Triển khai từ năm 2007 theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, Nhà nước đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật, còn người dân chỉ cần có đất, nhân công trồng, chăm sóc bảo vệ, chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất đã góp phần cải tạo những diện tích hoang hóa, phủ xanh đất trống, đồi trọc, giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo…. Không chỉ bổ sung kiến thức trồng rừng thâm canh, Chương trình còn từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế đồi rừng, thay đổi tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chương trình này, nhiều diện tích đất bị hoang hóa, bạc màu ở các huyện: Krông Bông, Lak, Ea H’leo, Ea Kar… được bà con chuyển đổi sang trồng rừng. Hộ gia đình nào có điều kiện thì tự trồng, chăm sóc, nếu thiếu vốn đầu tư lâu dài thì liên kết với với công ty lâm nghiệp sở tại. Theo Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh, sau khi nhận được nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ, Chi cục đã giao về cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, công ty lâm nghiệp phối hợp thực hiện. Những đơn vị này chịu trách nhiệm cung ứng giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng cho người dân. Chương trình đã thu hút  khá nhiều hộ tham gia, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số công ty lâm nghiệp như Krông Bông, Ea Kar, M’Drak… còn linh động lồng ghép đầu tư theo phương thức liên kết với những hộ gia đình nào thiếu vốn đầu tư lâu dài. Có thể thấy, phong trào trồng rừng kinh tế ngày một huy động được nhiều nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia. Bình quân mỗi năm tỉnh ta trồng mới khoảng 5.000 ha rừng sản xuất, trong đó có khoảng 2.000 ha là do các hộ trồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ bình quân đạt 10.000 m3/năm, cũng chính là nguồn nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa nghề rừng ở tỉnh ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vì còn khoảng 1/3 diện tích rừng chưa có chủ được giao cho UBND xã quản lý nên lúc nào cũng trong tình trạng có nguy cơ bị xâm hại cao. Ngoài nguyên nhân về cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thì các yếu tố như đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm chưa được tăng cường, thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp chưa phát triển... Để công tác xã hội hóa nghề rừng tạo “cú hích”  cho ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, thiết nghĩ cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, trong đó quan tâm lựa chọn các loại giống cây trồng đa mục tiêu, bảo đảm nâng độ che phủ thực vật đi đôi với nâng cao giá trị thu nhập cho hộ gắn bó với nghề rừng. Đi đôi với việc phát triển diện tích rừng thâm canh, cần có chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Mặt khác, cần quan tâm tổ chức tốt việc thu, quản lý, sử dụng phí dịch vụ môi trường rừng nhằm tái hỗ trợ cho cả các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư phát triển vốn rừng.

 Lê Hương

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ