A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vừa mừng vừa lo

15:37 | 06/04/2015

Khi chuyên gia kinh tế trong nước dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong quý I-2015 chỉ dao động ở mức 5,5 đến 5,6% thì các chuyên gia nước ngoài dự báo khả quan hơn khi đề ra con số 5,6 – 5,9%.

Tuy nhiên, thống kê thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam lại đạt mức kỷ lục 6,03%.  Nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế tích cực trong quý I là cơ sở để nhiều người cho rằng kinh tế đã phục hồi và đang trên đà tăng trưởng.
 
 
 
 Sức mua trong thị trường nội địa chưa cao
Ảnh: S. XANH
 
 
Đặc biệt, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 được dự báo sẽ đạt mức 6,5% cao hơn so với mục tiêu 6,2%.
 
Điều đáng lưu ý là tháng 1-2015, doanh nghiệp (DN) ngưng sản xuất dài ngày đáng kể để nghỉ Tết Nguyên đán, mọi hoạt động kinh doanh đều bị chậm lại; vốn và xuất khẩu  được xem là "trụ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế tăng thấp, nhưng cuối cùng GDP lại tăng. Vậy, GDP tăng là do đâu? Theo quy luật kinh tế, thường những tháng cuối năm, DN đẩy mạnh sản xuất, ngân hàng nỗ lực cho vay để hoàn thành chỉ tiêu dư nợ tín dụng cả năm cho toàn cho ngành. Chính vì vậy, tăng trưởng của kinh tế quý 1 không hoàn toàn dựa vào tình hình kinh tế diễn ra trong quý. Nghĩa là tăng trưởng cả quý đã được tích lũy từ tháng 12-2014 trước đó. Bởi, thực tế cho thấy tháng 12 – 2014 tín dụng tăng nhanh chóng mặt ở mức 3%. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: "Do độ trễ trong hoạt động sản xuất nên dư nợ của tháng 12 năm 2014 không thể tính ngay được mà chỉ số trên được chuyển sang năm 2015”.
 
Một nền kinh tế thật sự tăng trưởng không thể phụ thuộc vào một vài lĩnh vực nào đó mà cần cả chuỗi hoạt động ngành nghề phát triển đi kèm. Chính vì vậy, bên cạnh con số thống kê tích cực trong quý 1-2015, kinh tế Việt Nam vẫn cần cảnh giác với những dấu hiệu chưa ổn khi đề cập về tăng trưởng. Xét về hoạt động sản xuất, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước có gần 19.000 DN giải thể và ngưng hoạt động. Như vậy, số DN khó khăn tạm ngưng và giải thể trong quý 1 năm 2015 tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó 94,2% là DN có quy mô nhỏ. Đại đa số DN cho rằng, không biết theo đánh giá của các bộ - ngành kinh tế năm 2015 tăng trưởng như thế nào? Riêng giới DN vẫn cảm nhận được chính họ đang phải đối mặt với vô vàn thách thức và khó khăn. Bên cạnh đó, DN sẽ phải chính thức chinh chiến trên thương trường rộng lớn trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng trong khi "sức khỏe” chưa hồi phục tốt, và vẫn tiếp tục phải gánh thêm áp lực bởi giá điện, xăng là giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng.
 
Một điều quan ngại nữa là những điều kiện bên ngoài đang diễn biến theo hướng xấu tạo sức ép lớn hơn trong hoạt động xuất khẩu. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1-2015  ổn định về mặt lượng nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý 1 – 2014 tăng 12,7%). Theo thống kê, sự giảm sút kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do yếu tố giá cả. Nếu xét về giá trị thì trong quý 1, chỉ riêng ngành nông nghiệp giá trị xuất khẩu giảm hơn 13%, trong đó có một số ngành giảm trầm trọng ở mức 40%. Sự giảm sút xuất khẩu trong quý 1-2015 là chỉ dấu cho thấy DN nội ngày càng yếu về vị thế và năng lực cạnh tranh, cho nên kim ngạch xuất khẩu vẫn phải phụ thuộc nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Rõ ràng, thành tích xuất sắc trong hoạt động xuất khẩu hoàn toàn do DN  có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  quyết định là không xấu nhưng điều này khẳng định hiệu suất của DN nội không cao và chậm tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ DN FDI. Về nhập khẩu, quý 1-2015 tăng mạnh các mặt hàng máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất. Song, nếu xét kỹ thấy rủi ro trong nhập khẩu khi Việt Nam đang nhập một lượng lớn hàng hóa tiêu dùng như ô tô, tín dụng. Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, nếu như vay tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng dần đến thâm hụt thương mại ngày càng rộng. Trong khi các kế hoạch cải cách ngân hàng đang tiến hành khá chậm chạp thì tăng trưởng tín dụng nhanh lại trở thành mối lo.
 
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, các thành viên Chính phủ đều nhận định, kinh tế quý 2-2015 sẽ tiếp tục dựa trên đòn bẩy tăng trưởng của quý 1. Tuy nhiên, mọi vấn đề hoàn toàn không đơn giản vì phía trước hàng loạt khó khăn, biến động rình rập. Đơn cử, tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường về đồng đô la, giá dầu… sẽ tác động phần nào đến Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển, dễ bị tổn thương cho nên cần sự thận trọng trong điều hành nhằm tác động tích cực vào kinh tế vĩ mô. Việc cải cách thể chế, môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc mặc dù đặt ra khá cấp thiết nhưng chưa kịp chuyển biến tích cực, mang hiệu quả chưa cao. Đó là lý do khiến nhiều giới chức vẫn nhìn nhận, tăng trưởng thời gian qua chỉ là tín hiệu bước đầu khi xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó lường của thị trường, nợ xấu chưa thể giải quyết triệt để, sức cầu của nền kinh tế còn yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường cải cách thể chế, môi trường đầu tư; đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu DN nói riêng thì cơ hội tăng trưởng trong những năm sau sẽ bền vững hơn.
 
Thanh Giang

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ