A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam: Cần bắt đầu từ những “tế bào” nhỏ

14:58 | 27/01/2015

Vấn đề làm sao để nâng cao giá trị văn hóa con người cần phải được nhìn nhận từ gốc rễ, phải được chăm lo từ những điều cơ bản nhất khi con người còn tấm bé…

1. Mới chỉ cách đây ít ngày, những người bạn cũ đã ngót 25 năm kể từ cái ngày ra trường lại gặp mặt nhau, mà lại gặp nhau rất đặc biệt, gặp nhau không chỉ một nhóm, một lớp mà là nguyên một khóa những học sinh cũ trường Trung học cơ sở Ngô Quyền. Một buổi gặp mặt do các bạn tự tổ chức, tự tìm lại thông tin về nhau để rồi kết quả là một buổi giao lưu vui thật vui đã diễn ra.

Sau buổi giao lưu ấy, một người bạn đã phải thốt lên: “Vui, gặp lại tất cả bạn bè, gặp cả những người mà ngày còn đi học mình cũng chả biết tên chứ chưa nói đến tận bây giờ. Thế mà chỉ cần cái sự đồng khóa đồng niên cũ đã khiến cho tình bạn trở nên vui vẻ và thân tình như thế. Những câu chuyện cũ về một thời cắp sách đến trường, những cái xiết tay, những cái ôm thật chặt lưu luyến”. Một câu chuyện mới về những người bạn cũ đầy ý nghĩa.

Đang nghĩ đến cuộc vui của 25 năm ra trường thì giật mình nghĩ đến mấy ngày trước đây, cũng là học sinh, vẫn còn đang cắp sách đến trường, một học sinh lao lên bục giảng tát giáo viên ngay trong lớp học. Choáng váng bởi cách hành xử, ứng xử như trong phim chưởng đường phố rẻ tiền ngày nay. Đâu rồi cái nghĩa thầy trò, đâu rồi cái tình bè bạn, đâu rồi cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” là vốn quý bao đời của người Việt Nam.

 

Vài năm trở lại đây, những clip học sinh đánh bạn hội đồng, xé quần áo nữ sinh trên phố, hay thậm chí có cả trường hợp giáo viên tát học sinh trước lớp… Tuy nhiên, việc học sinh xông lên bục giảng đánh giáo viên như trong trường hợp ở Quảng Bình mới đây thì cõ lẽ mới chỉ lần đầu.

Một hành động vô giáo dục, vô văn hóa như vậy ngay trong môi trường sư phạm mà học sinh đó cũng chỉ bị đình chỉ học một tháng. Cái hình thức kỷ luật dường như không phải để răn đe mà là khích lệ thêm cho những hành động côn đồ chốn học đường như vậy. Nếu là cái thời 25 năm trước thì chắc chắn học sinh đó sẽ bị lưu ban một năm, nhiều hơn thì bị đuổi học cũng là điều dễ hiểu.

2. Chẳng phải tự nhiên mà cách đây chưa lâu, nhà sử học Dương Trung Quốc đã phải thốt lên những lời đáng báo động về vấn đề xuống cấp của văn hóa mà như một tờ báo đã đưa tin: “Nếu chúng ta không giải quyết từ gốc và có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của văn hóa, tôi e rằng sẽ không dừng lại ở sự suy thoái về đạo đức, sự tan vỡ các giá trị truyền thống, mà với cách duy trì như thế này, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng, đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường. Đó là một thứ ‘diễn biến hoà bình’ đáng sợ.”.

Nếu sự thật thực trạng văn hóa sẽ chạm ngưỡng như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định thì đúng là thảm họa. Nhìn nhận cho kỹ hơn thì thấy rằng, một trong những nền tảng của vấn đề văn hóa chính là giáo dục. Giáo dục là một phần quan trọng tạo nên văn hóa, con người được giáo dục tốt (bao gồm cả việc giáo dục ở trong và ngoài nhà trường) thì sẽ có văn hóa tốt.

Hình chỉ mang tính chất minh hoạ. Ảnh: Internet
Hình chỉ mang tính chất minh hoạ. Ảnh: Internet.

 

Nếu một xã hội mà ở đó, những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên. Học trong những ngôi trường mà ở đó chuyện trò đánh thầy, thầy tát trò, bạn bè xé quần áo của nhau để lăng nhục, trừng phát, dằn mặt nhau nơi công cộng thì chúng sẽ phát triển ra sao, văn hóa của con người rồi sẽ đi đến đâu?.

Những tấm gương ở trong các ngôi trường như vậy. Ở bên ngoài trường học nhan nhản những chương trình truyền thông, truyền hình thực tế, gameshow mượn hai chữ “giải trí” để che đậy, bao biện cho những hình ảnh “shock-sex” lố lăng, dung tục phi văn hóa, phản văn hóa thì việc giáo dục con người ở bên ngoài nhà trường sẽ đi đến đích nào, nếu không phải là cái đích vô văn hóa.

Cái “hiểm hoạ khôn lường” mà Sử gia Dương Trung Quốc đã nêu là hoàn toàn có thể nhìn thấy được, đoán trước được nhưng nếu không có những biện pháp quyết liệt để quản lý, tuyên truyền giáo dục, không có những chế tài đủ mạnh để răn đe. Vấn đề làm sao để nâng cao giá trị văn hóa con người cần phải được nhìn nhận từ gốc rễ, phải được chăm lo từ những điều cơ bản nhất khi con người còn tấm bé. Việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam cần phải được bắt đầu từ những “tế bào” nhỏ mới mong có được thành tựu lớn.

Vũ Thanh

 

    Nguồn: tapchilangviet.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ