A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Phát triển chăn nuôi bền vững: Phòng, chống dịch bệnh vẫn còn là “nút thắt”

08:29 | 07/10/2024

Đắk Lắk nằm trong top 10 tỉnh có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn trong cả nước. Tuy nhiên, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi, đây là thách thức lớn trong phát triển chăn nuôi bền vững.

Còn nhiều "lỗ hổng"

Trong 9 tháng năm 2024, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh làm chết và tiêu hủy 600 con, với tổng khối lượng 29.742 kg.

Hiện toàn tỉnh vẫn còn 9 xã, thị trấn thuộc 5 huyện (Ea Súp, Cư M'gar, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Đôn) dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò cũng xuất hiện 5 ổ dịch tại 5 hộ, thuộc 3 xã, thị trấn của 2 huyện và thành phố (gồm: thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp); thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar); xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột)) làm mắc bệnh 10 con, tiêu hủy 5 con, với tổng khối lượng tiêu hủy 559 kg. Hiện còn 2 địa phương là huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột chưa qua 21 ngày.

Chăn nuôi bò quy mô nông hộ trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, Đắk Lắk đang gặp khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh do chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ còn nhiều nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; công tác truyền thông còn yếu và thiếu, chưa thường xuyên, liên tục... Mặt khác, thời tiết cực đoan làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, dẫn đến nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... trong thời gian tới.

"Lỗ hổng" lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn là khâu tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Nguyên nhân là do người dân phần lớn vẫn đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có trách nhiệm trong việc bảo vệ đàn vật nuôi; khâu kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập, nhiều địa phương vẫn “trắng” về các điểm giết mổ tập trung.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 27 cơ sở giết mổ động vật tập trung, trong đó có 22 cơ sở đang hoạt động; có 248 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động nhưng chỉ có 72 cơ sở được kiểm soát. Hiện nay, công tác phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ở một số địa phương chưa được chú trọng, quan tâm, chưa thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo quy định của Nhà nước. Ở một số địa phương, do chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung nên hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát trong khu dân cư, các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều; việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm, nhưng do thẩm quyền còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý.

 

Đắk Lắk xác định cần phải quyết liệt trong công tác tiêm phòng, coi đây là mệnh lệnh hành chính và phải có chế tài xử phạt các trường hợp không tiêm vắc xin, để lây lan dịch bệnh. Các địa phương không chủ quan, lơ là, cần có cơ chế dự phòng vắc xin, khẩn trương rà soát, tăng tốc tiêm phòng cho đàn vật nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh

Bên cạnh đó, việc xử lý sai phạm về hoạt động giết mổ tại các xã, phường còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, dẫn đến số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát, đóng dấu so với thực tế rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, không bảo đảm vệ sinh thú y, nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

Với những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, Đắk Lắk đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để khuyến khích phát triển chăn nuôi bền vững. Vì vậy, để lấp các "lỗ hổng" trong công tác kiểm soát dịch bệnh thì việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đóng vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.

Theo đó, năm 2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về xây dựng vùng cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển trên địa bàn huyện Cư M’gar, giai đoạn 2023 - 2030. Đây là cơ sở để triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, toàn huyện hiện có 103 trang trại, trong đó có 1 trang trại lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ châu Âu. Huyện cũng đã xây dựng được 7 cơ sở an toàn phòng dịch tả lợn châu Phi và dịch tả lợn cổ điển; 6 cơ sở an toàn phòng dịch cúm gia cầm. UBND huyện đã quy hoạch đất trang trại để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Do vậy, thời gian qua các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện tăng mạnh. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả, tỉnh cũng cần quan tâm và có chính sách hợp lý đối với lực lượng thú y cơ sở, bởi hiện nay lực lượng này mỏng, áp lực công việc lớn nhưng chế độ phụ cấp hằng tháng rất thấp.

Theo Sở NN-PTNT, Đắk Lắk xác định 5 địa phương trọng điểm phát triển chăn nuôi, gồm các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Kar, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại khép kín, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; chuyển dịch giống vật nuôi theo hướng nhập ngoại các giống năng suất cao; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar)

Trên thực tế, chăn nuôi ở Đắk Lắk đang chuyển dần từ sản xuất chăn nuôi nhỏ sang quy mô trang trại, đặc biệt sự dịch chuyển vùng chăn nuôi ở một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An đến Đắk Lắk là tín hiệu tốt cho địa phương trong mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm chăn nuôi của cả nước trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, Sở NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Đồng thời, hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt quan tâm chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo số liệu 9 tháng năm 2024, tổng đàn vật nuôi chính của Đắk Lắk đạt khoảng 19 triệu con (tăng 2.610.000 con so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, đàn trâu, bò 291.000 con; đàn dê 132.000 con; đàn lợn trên 1,1 triệu con; đàn gia cầm 17,5 triệu con.

Minh Thuận

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/tin-noi-bat/202410/phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-phong-chong-dich-benh-van-con-la-nut-that-09e0ed2/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ