A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Cần có giải pháp phát triển thị trường tín chỉ carbon bền vững

15:58 | 23/10/2024

Mặc dù đã được định hình nhưng việc phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn chưa rõ nét do còn nhiều vướng mắc.

Để tìm giải pháp giảm phát thải và thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon bền vững, phóng viên Báo Đắk Lắk đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp về lĩnh vực này.

* PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên: 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất để giảm phát thải

Hiện nay, Trường Đại học Tây Nguyên có những nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ để làm giảm được phát thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: các đề tài nghiên cứu về công nghệ vi sinh vật, giúp giảm được khoảng 20 - 30% lượng phân bón; phân giải những chất tàn dư thực vật gây phát thải khí nhà kính chuyển sang dạng hữu cơ để cây trồng hấp thu lại; công nghệ nano tạo ra các dòng phân bón nano giúp làm giảm hàm lượng bón cho cây trồng và giảm phát thải ra môi trường…

Tôi cho rằng, để phát triển thị trường carbon bền vững thì cần thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ rộng rãi trong thực tiễn sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra tín chỉ carbon và những sản phẩm xanh đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

* TS. Trần Ngọc Thanh, Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên (Trường Đại học Đông Á):

Cần xác định rõ đối tượng tham gia vào thị trường carbon

Thị trường tín chỉ carbon tại Đắk Lắk rất nhiều triển vọng, tuy nhiên để thực hiện được việc này không hề đơn giản. Theo tôi, UBND tỉnh nên có một đề án để định hướng từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, khi đó mới xác định được đối với thị trường carbon thì Đắk Lắk tập trung vào những ngành nào, lĩnh vực nào, thậm chí là tập trung vào từng loại cây trồng… Và trong giai đoạn này, Nhà nước cần có một công cụ chính sách để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương pháp, tín dụng… cho nông dân. Đồng thời, khuyến khích xây dựng, thử nghiệm, áp dụng các đề án sản xuất nông, lâm nghiệp carbon thấp để tham gia thị trường tín chỉ carbon.

* Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon:

Cần có đội ngũ nhân lực dẫn dắt

Hiện nay, Việt Nam đang bị cảnh báo tình trạng cực kỳ không đủ giảm thải (mức cao nhất theo quy định của quốc tế), không đủ các biện pháp, các quy định để giảm phát thải vào môi trường. Để cải thiện tình trạng này, ngoài việc chuyển đổi công nghệ năng lượng (không sử dụng nhiệt điện) thì nông nghiệp cũng là lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi, nhất là cây lúa nước cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng giảm phát thải.

Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đang phối hợp với nhiều địa phương triển khai dự án sản xuất giảm phát thải trên cây lúa. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tín chỉ carbon trong sản xuất lúa nước được xem là yếu tố khuyến khích người nông dân thực hành nông nghiệp tốt, giảm phát thải ra môi trường. Để xây dựng thành thị trường tín chỉ carbon cho cây lúa thì phải đi đúng đường và cần có đội ngũ người làm trong lĩnh vực tín chỉ carbon tư vấn. Chúng ta đừng vừa đi vừa tìm đường, rất dễ đi vào ngõ cụt.

Lê Minh (thực hiện)

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202410/can-co-giai-phap-phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-ben-vung-7b01ab7/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ