A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Về quê tránh dịch, hái cà phê thuê kiếm nửa triệu mỗi ngày

16:46 | 23/11/2021

Giá cà phê nhân đầu vụ hiện đang dao động ở mức trên 40.000 đồng/kg, tạo phấn khởi cho nông dân bước vào mùa thu hoạch, kéo theo giá nhân công thu hoạch cũng cao hơn so với năm trước.

Gần một tháng nay, Nguyễn Trúc Linh (19 tuổi) cùng 2 người bạn đi từ huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk sang Đắk Nông để hái cà phê thuê. Trước đây, cả 3 người đều là lao động làm việc tại một doanh nghiệp dưới Bình Dương, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, cả nhóm phải về quê từ đầu tháng 7. Sau nhiều tháng làm các công việc thời vụ để duy trì cuộc sống, nhóm của Linh chuyển qua việc hái cà phê thuê từ đầu tháng 10 tới nay.

Tranh thủ thời gian cao điểm, nhóm của Linh làm việc liên tục từ 6h sáng đến 17h chiều và ăn cơm trưa ngay nơi làm việc. Cũng nhờ vậy mà 3 người thu nhập được hơn 1,2 triệu đồng/ngày (khoảng 400.000 đồng/người) từ công việc hái cà phê khoán tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).

Linh nói: “Nếu trừ chi phí tiền trọ và ăn uống, nhóm cũng để dành được khoảng gần 1 triệu đồng/ngày. Công việc khá vất vả do làm việc ngoài trời nắng nóng nhưng ở thời điểm dịch bệnh này, có lẽ đây là nghề mang lại thu nhập cao cho người lao động như chúng em” Linh cho biết thêm, dự kiến nhóm sẽ trở về nhà sau khi các vườn cà phê ở TP. Gia Nghĩa thu hoạch xong.

Nguyễn Trúc Linh cùng 2 người bạn đi từ tỉnh Đắk Lắk sang Đắk Nông để hái cà phê thuê

Đối với nhiều vườn cà phê chín rộ, thu hoạch toàn bộ, chủ vườn thường khoán công theo sản lượng với giá trung bình từ 1.200 đồng - 1.500 đồng/kg tùy thuộc vào địa hình vườn và năng suất cà phê. Với mức giá này, nhân công thu hoạch có thể kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày, nhưng cũng có nhiều người thu nhập được hơn nửa triệu đồng/ngày.

Bà Trần Thị Sinh ở thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết, vườn cà phê của bà được một doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với yêu cầu trái chín phải đạt trên 90%. Do không thể thu hoạch đại trà nên bà phải thuê thêm 3 người, chọn hái trái chín để bảo đảm yêu cầu. Việc hái chọn mất thời gian, nên tiền trả nhân công lên đến 400.000 đồng/người/ngày.

“So với mọi năm, giá nhân công năm nay cao hơn khoảng 100.000 đồng. Một phần xuất phát từ giá cà phê nhân trên thị trường đang ở mức cao, một phần do khan hiếm nhân công, khiến chủ vườn phải chấp nhận thuê người hái để đúng tiến độ mùa vụ”, bà Trần Thị Sinh nói.

Mỗi ngày, bà Sinh thuê nhân công thu hái cà phê với giá 400.000 đồng/ người

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, diện tích cà phê của toàn huyện Đắk Glong hiện khoảng 21.000 ha, nên nhu cầu nhân công thu hoạch cà phê tương đối lớn.

Năm nay, nhân công thu hái cà phê không nhộn nhịp như các năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên chủ vườn tận dụng nguồn lao động tại chỗ, phần lớn là lao động về quê tránh dịch để tham gia thu hoạch nông sản. Việc này vừa góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động trong thời điểm dịch, vừa bảo đảm phòng, chống dịch vì có thể kiểm soát được nhân công ngay tại chỗ.

“Đây là công việc mang tính thời vụ, nhưng rõ ràng nó đã giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra thời kỳ “hậu Covid-19” về lao động, việc làm. Các địa phương nếu biết tận dụng tốt nguồn nhân lực tại chỗ, thành lập các tổ hái khoán, nhận công thì việc thu hái, sơ chế cà phê rất thuận lợi. Trong khi đó, người lao động có thêm công việc và thu nhập ổn định trong thời gian ở quê tránh dịch”, ông Phương nêu quan điểm.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

Bài viết gốc: https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/ve-que-tranh-dich-hai-ca-phe-thue-kiem-nua-trieu-moi-ngay-90234.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ