A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Táo tợn trộm cắp cà phê

09:26 | 16/11/2015

Bọn trộm đi thành tốp 4-5 tên mang theo bạt vào vườn hái cà phê như của nhà mình, cắt cả cành cây mang đi chỗ khác tách hạt. Những cây bị cắt cành phải mất 3 năm sau mới có thể phục hồi

Ngày 15-11, trung tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu - người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết công an tỉnh này đã có công văn gửi công an các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu phối hợp với công an xã, phường tăng cường kiểm soát để hạn chế tình trạng trộm cắp cà phê. Công an tỉnh còn yêu cầu công an xã, phường lập phương án mật phục bắt giữ các đối tượng trộm cắp cà phê, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Chặt cả cành lẫn gốc

Bà H Nuen Niê (ngụ buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc: “Chỉ 2 ngày không lên rẫy, sáng 27-10, gia đình tui phát hiện hơn 60 gốc cà phê mới chín bói bị hái trộm, thiệt hại khoảng 5 triệu đồng. Nhìn những hạt cà phê vung vãi, những cành cà phê bị gãy đôi mà xót xa. Đầu vụ, gia đình phải mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu… để đầu tư. Giờ cà phê bị hái trộm, bẻ cành coi như suốt năm cả nhà làm không công”.

Ở cùng huyện này, ông Y Bhiô Niê (ngụ buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng) cho biết rẫy cà phê của ông mới đây đã bị hái trộm hơn 40 cây. Năm ngoái, rẫy cà phê của gia đình ông cũng bị hái trộm hơn 50 cây.

Tại tỉnh Kon Tum, người dân cũng hết sức lo lắng vì không chỉ bị trộm mà còn bị phá hoại nhiều rẫy cà phê. Ông Nguyễn Văn Điệp (ngụ xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà) cho biết năm nào cũng xảy ra trộm, cà phê càng được giá thì trộm càng nhiều. Trộm đi thành tốp 4-5 tên, mang theo cả bạt vào vườn hái cà phê như hái cho nhà mình. Thiệt hại nhất là khi bọn họ cắt cả cành cây mang đi chỗ khác tách hạt. Những cây bị cắt cành như vậy phải mất đến 3 năm mới có thể phục hồi.

Người dân Tây Nguyên lập lều canh trộm tại rẫy cà phêẢnh: HOÀNG THANH

Người dân Tây Nguyên lập lều canh trộm tại rẫy cà phêẢnh: HOÀNG THANH

Anh Dương Tân Đức (ngụ xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) lo lắng: “Gia đình tui có hơn 1 ha cà phê, vốn liếng nằm hết cả đây. Năm nay, giá cà phê tươi còn thấp, mới 7.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà đã bị mất trộm rồi. Vụ năm ngoái, chúng còn táo tợn đưa cả ô tô vào chọn những cây sai quả nhất chặt tận gốc chất lên xe mang đi”.

Trắng đêm canh trộm

Khi màn đêm buông xuống, ông Kiều Trai (ngụ thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) lại chuẩn bị lương thực, thực phẩm ra rẫy cách nhà chừng 3 km. Rút kinh nghiệm mùa thu hoạch năm 2014, năm nay, ông Trai ra canh rẫy sớm hơn.

Trời càng về đêm, nhiệt độ càng thấp. Cứ cách 1 giờ, ông Trai lại lấy dụng cụ đi tuần. Ông còn thuê thêm một người nữa cùng ngủ ngoài rẫy. “Chúng trộm theo kiểu triệt phá, cắt ngang cành rồi đưa đến nơi khác tuốt quả. Năm ngoái, nhà tôi bị cắt hơn 20 cây, năm nay canh kỹ hơn nên hy vọng không còn cảnh bị trộm phá nữa” - ông ngán ngẩm.

Người dân ở các thôn Ea Mấp, Ea Sút, Ea Lang (thị trấn  Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cũng tổ chức lực lượng canh trộm gần 1 tháng nay. Ông Y Sưn Ênuôl (ngụ thôn Ea Mấp) cho biết: “Năm ngoái, nông trường có thuê bộ đội, công an hỗ trợ nên chúng tôi không lo lắng. Năm nay, chưa thấy các lực lượng này nên gia đình phải dựng chòi canh trộm. Ngày đi hái cà phê, đêm về ra ngoài rẫy thức trắng canh trộm, khổ sở vô cùng” - ông Y Sưn nói.

Tại xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, nhóm 4 người của anh Ngọc thấy trộm nhiều nên nhận coi cà phê cho các gia đình neo người. Năm nay, nhóm các anh nhận coi rẫy rộng 20 ha, 4 người chia nhau túc trực cả ngày lẫn đêm. Việc coi thuê được các bên làm hợp đồng, có trưởng thôn xác nhận, nếu người coi để bị hái trộm cà phê là phải đền. Tiền công là 1 triệu đồng/ha/vụ; sau 2 tháng, mỗi người nhận được 5 triệu đồng. “Tính ra thì bèo bọt lắm nhưng vì trách nhiệm với làng xóm nên năm nào chúng tôi cũng nhận coi cà phê” - anh Hòa, một người trong nhóm, chia sẻ.

Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê trên địa bàn, UBND xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi trong các cuộc họp giao ban đã chỉ đạo lực lượng dân quân, du kích, công an xã tăng cường kiểm soát các tuyến giao thông liên xã, trong các vườn cà phê. “Xã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra để bảo đảm an toàn tài sản cho người dân” - ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Kan, cho biết.

Tại tỉnh Gia Lai, Công an huyện Ia Grai cùng các công ty cà phê trên địa bàn cũng đã triển khai hội nghị công tác bảo vệ vườn cây trong mùa thu hoạch. Hội nghị nhằm đối phó tình trạng trộm cắp cà phê trong mùa này.

 

Bị rắn lục cắn

Em Nguyễn Thị Trúc Nhân (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi hái cà phê. Do đưa đi cấp cứu kịp thời nên sức khỏe của Nhân đang dần ổn định.

Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 2-3 bệnh nhân bị rắn lục cắn. Bác sĩ Nhựt cho rằng môi trường rừng tự nhiên bị thu hẹp, rắn lục đuôi đỏ tràn về trú ngụ ở các vườn cà phê, tiêu; trong khi đây là mùa thu hái, canh giữ cà phê nên rất nhiều người bị rắn lục cắn.

 

Cao Nguyên - Hoàng Thanh

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ