Mức tiền đặt bảo lãnh: Theo Điều 15 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt đặt tiền bảo lãnh và trả lại số tiền đó phải được lập biên bản. Biên bản được lập thành hai bản, một bản giao cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.
Sau khi đáp ứng các quy định trên, chủ phương tiện sẽ được bàn giao phương tiện để tự tạm giữ. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì số tiền đặt bảo lãnh được chuyển thành số tiền xử phạt; trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
Thủ tục đặt tiền bảo lãnh và quản lý xe được bảo lãnh: Việc đặt tiền bảo lãnh không phải đặt trực tiếp cho các chiến sĩ Cảnh sát giao thông tại nơi xảy ra vi phạm, mà người vi phạm phải đến trụ sở để nộp cho người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện, xử phạt. Để được tự bảo quản phương tiện trong quá trình xử lý, cá nhân vi phạm phải xuất trình Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú hoặc có Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện. Ngoài ra, trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm phải nhờ người thân, bạn bè, hoặc cơ quan đứng ra bảo lãnh thì người bảo lãnh khi làm thủ tục cũng phải xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.
Phương tiện vi phạm trong thời gian tự giữ, bảo quản không được phép lưu hành. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải lập biên bản. Cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện do tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản để phối hợp giám sát, quản lý. UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện tự tạm giữ chính là đơn vị giám sát, quản lý.
CSGT - Công an huyện Krông Pắc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn. Ảnh: T.H
Tổ chức, cá nhân trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện được thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ. Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định về nơi giữ, bảo quản, tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện, sử dụng phương tiện vi phạm được giao giữ, bảo quản trái quy định của pháp luật thì sẽ chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định. Trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, những trường hợp không được phép đặt tiền bảo lãnh bao gồm:
+ Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự.
+ Phương tiện giao thông đang được đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông.
+ Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa.
+ Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Nguyễn Tuấn Quang
BÌNH LUẬN