A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Krông Bông: Truy quét những "điểm nóng: về phá rừng

07:25 | 25/08/2016

Huyện Krông Bông hiện có 70.481,5 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 69.573,7 ha, rừng trồng 907,8 ha. Trong nhiều năm qua, địa phương luôn phải đối mặt với tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy.

Các ngành chức năng địa phương đã tăng cường lực lượng tuần tra, phát hiện và xử lý nhiều “điểm nóng” về phá rừng.

Để lập lại an ninh rừng trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 4-3-2016 về kiểm tra, truy quét khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật năm 2016; Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 4-3-2016 của UBND huyện về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Kiểm lâm, Công an huyện, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã... để triển khai, thực hiện. Tính đến tháng 6-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức 6 đợt tuần tra, kiểm tra rừng (mỗi đợt kiểm tra từ 2-4 ngày) qua đó đã phát hiện nhiều “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Cụ thể: từ ngày 14 đến 16-3, Đoàn phối hợp với UBND các xã Cư Đrăm, Yang Mao tổ chức kiểm tra tại tiểu khu 1189, 1190 do xã Cư Đrăm quản lý và đã phát hiện tại lô 1, khoảnh 8, tiểu khu 1190 và lô 13, khoảnh 10, tiểu khu 1189 có 3 cây gỗ tạp bị khai thác trái phép tổng khối lượng là 4,454 m3; tại lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 1204 thuộc quản lý của cộng đồng buôn Tul (xã Yang Mao) có 4 cây gỗ tạp, 2 gốc gỗ dổi đường kính từ 35-70 cm bị chặt hạ, phần thân cây đã bị lấy đi. Từ ngày 6 đến 7-4, Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra phát hiện tại lô 5, khoảnh 4 và  lô 14, khoảnh 3, tiểu khu 1189 do xã Cư Đrăm quản lý có 3 gốc cây (2 gốc cây bạch tùng, 1 gốc cây gỗ dổi) đã khô mục. Tại hiện trường chỉ còn lại phần ngọn đã khô và 9 phách gỗ bạch tùng có khối lượng 4,926 m3  lâm tặc chưa kịp vận chuyển.

Gỗ lậu bị thu giữ tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Gỗ lậu bị thu giữ tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Tiếp đó, trong 2 ngày 27 và 28-4, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác gỗ pơ mu trái phép tại xã Yang Mao, Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông và Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã tổ chức kiểm tra, xác minh hiện trường khai thác gỗ pơ mu trái phép tại lô 7, 12, 13, 14 và 16 (khoảnh 1, tiểu khu 1219) thuộc địa bàn xã Yang Mao. Qua đó đã phát hiện một bãi khai thác gỗ “khủng” với 32 cây gỗ pơ mu cổ thụ bị khai thác trái phép, trong đó 22 cây còn lại phần thân hoặc một phần thân cây với khối lượng 38,713 m3 và 5 phách gỗ có khối lượng 1,717 m3, 10 cây còn lại đã bị lâm tặc lấy hết phần thân không xác định được khối lượng gỗ. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, khu vực gỗ pơ mu bị lâm tặc khai thác trái phép do Phân trường Yang Hanh quản lý nằm cách trạm bảo vệ rừng của đơn vị gần 1 ngày đi bộ, địa hình hiểm trở. Lâm tặc đã lợi dụng điều này để mở đường mòn, chặt cây rồi dùng trâu kéo gỗ đã xẻ ra khỏi rừng. Thời điểm lâm tặc vào rừng chặt gỗ vào giữa mùa khô, khi đó lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị đang phải tập trung để ngăn chặn các hành vi phá rừng làm rẫy. Khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã phá 5 cầu tạm lâm tặc bắc qua các con suối để kéo gỗ ra khỏi rừng; lập thêm 2 chốt (mỗi chốt 4 người) để ngăn không cho lâm tặc vào bãi gỗ. Hiện nay, các ngành chức năng của huyện đã lập biên bản kiểm tra, xác minh, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu kết luận giám định của tỉnh, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cho Công an huyện để điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, nguyên nhân để xảy ra tình trạng lâm tặc vào rừng khai thác gỗ với số lượng lớn là do một số đơn vị chủ rừng đã buông lỏng quản lý, chưa chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người dân sống gần rừng để nâng cao ý thức bảo vệ rừng… Do đó, để công tác quản lý, bảo vệ rừng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới các ngành chức năng của địa phương, chủ rừng cần tiếp tổ chức kiểm tra, truy quét; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1685/CT- TTg ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân…

Vạn Tiếp

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ