A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân tham gia bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp: Còn lắm băn khoăn

15:39 | 10/11/2014

Một trong điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức cũng sẽ được tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp (TNNN) và được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí tham gia.

 Quy định này được đánh giá khá nhân văn song vẫn có không ít ý kiến băn khoăn. 
 
 
Theo Dự thảo Luật ATVSLĐ nông dân sẽ được tham gia Bảo hiểm TNNN
 
Gia tăng TNLĐ trong nông nghiệp 
 
Mặc dù không có con số thống kê cụ thể song TNLĐ trong nông nghiệp được Cục An toàn lao động ( Bộ LĐTB & XH) xếp vào mức đáng báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ. Theo Cục An toàn lao động, do khoa học - kỹ thuật phát triển, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao giúp người nông dân giải phóng được sức lao động và gia tăng năng suất, tuy nhiên tai nạn cũng vì thế thường xuyên xảy ra. 
 
Trên thực tế người nông dân bị các tai nạn như mất ngón tay, cụt bàn tay, cánh tay khi sử dụng máy tuốt lúa, máy xay xát, máy chế biến nông sản… là rất phổ biến. 
 
Một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ  trong sản xuất nông nghiệp tăng là do phần lớn lao động  nông  nghiệp  chưa qua đào tạo nghề, họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp. Điều đáng nói là hiện nay, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân, cũng như chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp và nông dân còn bị bỏ ngỏ. 
 
Lao động tự do sẽ được hỗ trợ 50% bảo hiểm TNNN
 
Xuất phát từ thực trạng trên, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, mặc dù theo Bộ luật Lao động năm 2012, tất cả các tổ chức có liên quan trong công tác ATVSLĐ đều phải thực hiện và tuân thủ các quy định của Luật ATVSLĐ. Song quy định này chưa cụ thể, bởi hiện cả nước có khoảng 53 triệu lao động, trong đó có khoảng 36 triệu lao động không có hợp đồng lao động (HĐLĐ), tức là người tự tạo ra việc làm, những người lao động tự do. Do đó để đảm bảo bình đẳng cho mọi lao động,  Dự thảo Luật ATVSLĐ đã mở rộng thêm đối tượng NLĐ không có hợp đồng lao động có thể tự nguyện tham gia mô hình Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN và sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50%. Về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm hai nội dung chi từ Quỹ này đó là: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
 
" Nếu có khoảng 1 triệu người trong khu vực này tham gia thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm. Còn đối với khu vực có quan hệ lao động, chủ sử dụng lao động vẫn phải đóng 1% vào quỹ BHTNNN như trước đây. Về cơ chế hoạt động của quỹ BHTNNN,  quỹ này vẫn dưới sự quản lý của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) và sẽ không phát sinh thêm bộ máy mới” – Ông Thắng cho hay. 
 
Đề xuất này  của Bộ LĐTB & XH đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và ngành chức năng trong quá trình xin ý kiến trước đó. Khi đánh giá về tính khả thi của đề xuất này, ông Lê Vân Trình, chuyên gia cao cấp về ATVSLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho  rằng, ngay cả những nước phát triển, thì khả năng bao phủ hoàn toàn đối tượng lao động phi chính thức cũng rất khó. Song ông Trình cũng đề xuất:  "Cứ có luật rồi cuộc sống sẽ tìm cách điều chỉnh. Ví dụ nhóm công nhân khai thác đá, khoáng sản thì phải có cam kết và nộp quỹ BHTNNN mới được phép khai thác, hoặc nếu sử dụng máy móc có nguy cơ tai nạn cao như máy tuốt lúa, máy cắt…thì phải đóng BHTNNN khi đó địa phương mới cho phép hoạt động chẳng hạn…Còn lại những nghề khác chỉ còn cách vận động tự nguyện. 
 
Có thể thấy, đề xuất trên thể hiện tính nhân văn rất lớn nhưng nhìn vào con số 16.200 tỉ đồng còn tồn dư của Quỹ Bảo hiểm TNNN trong những năm qua cho thấy,  quỹ bảo hiểm TNNN chưa phát huy được hết vai trò nên khiến NLĐ và DN ngại làm thủ tục mà chọn giải pháp thương lượng với nhau.
 
Lê Bảo

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ