A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hồi sinh những “vùng đất chết”

08:17 | 27/03/2013

Những khu đô thị mới, khu tái định cư, công trình thủy điện, nhà máy, xí nghiệp đang được xây dựng, đông vui; những cánh đồng, nương rẫy tốt tươi cho hoa thơm, quả ngọt mở trên bao vùng đất sạch bom, mìn. Đó chính là kết quả nỗ lực thực hiện rà phá

 

Vụ cà phê bội thu trên vùng đất đã sạch bom, mìn xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà (Kon Tum).

Sức sống mới trên “vùng đất chết”

Về Kon Tum, chúng tôi tới thăm xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà, một trong những khu vực bộ đội công binh của tỉnh đã RPBM. Đây chính là một địa phương từng được biết là nơi phát sinh tà đạo Hà Mòn. Bên những con đường trải nhựa dẫn vào các thôn, bản, chúng tôi chứng kiến những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, có số nhà từng gia đình; phía sau bạt ngàn cà phê, cao su xanh mướt trong nắng vàng rực rỡ…

Ông Khổng Tiến Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hà Mòn phấn khởi nói: “Nhờ bộ đội công binh về rà phá, địa phương chúng tôi đã hết bom, mìn, người dân an tâm lao động sản xuất, thu nhập của nhiều hộ đạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí và là xã đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới…”.

Để giúp chúng tôi hiểu thêm, Đại tá Dương Văn Tĩnh, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết: Những năm trước, nơi này rất nhiều bom, mìn, tai nạn liên tục xảy ra. Điển hình là vụ nổ bom bi ngày 6-7-2008 đã làm anh Lê Văn Vĩnh, thôn Bình Minh, xã Hà Mòn chết tại chỗ. Vụ nổ lựu đạn ngày 9-7-2007 tại Đắc La làm 3 em nhỏ bị chết, 1 em bị thương nặng... Trước tình hình đó, theo đề nghị của cấp ủy, chính quyền huyện và sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, bộ đội công binh Bộ CHQS tỉnh đã về đây RPBM. Sau hơn một năm đã hoàn thành trên diện tích hơn 200ha, từ đó người dân an tâm sản xuất, kinh tế phát triển...

Những năm trước đây, việc "hàn gắn vết thương chiến tranh" tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã huy động nhiều lực lượng tham gia thu gom, xử lý hàng trăm tấn bom, mìn; các địa phương cũng đã chi hàng chục tỷ đồng cho công tác này. Tuy nhiên, chỉ khi Chương trình 504 của Chính phủ được triển khai, công tác RPBM mới thực sự được tiến hành quy mô, theo lộ trình và hiệu quả.

Tại Đà Nẵng, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn, nhờ được đầu tư của Chương trình 504, năm 2012, Bộ CHQS thành phố đã phối hợp với lực lượng chuyên trách của Bộ Quốc phòng như: Tổng công ty 319, Tổng công ty 36, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và Công ty Trường An… triển khai RPBM trên địa bàn 5 quận, huyện với diện tích hơn 2.550ha; dự kiến đến năm 2015 sẽ giải phóng được khoảng 11000ha. Thượng tá Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS thành phố Đã Nẵng bộc bạch: “Diện tích được RPBM theo Chương trình 504 đã đem lại hiệu quả lớn, tạo điều kiện cho địa phương quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, khiến người dân hết sức phấn khởi”. Còn trên địa bàn Tây Nguyên, Đại tá Nay Hứ, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết: “Bộ CHQS tỉnh đang phối hợp với lực lượng công binh chuyên trách của 7 đơn vị thuộc Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng triển khai RPBM giai đoạn 1 trên địa bàn 35 xã, thị trấn của 3 huyện, với diện tích hơn 3.750ha…".

Nhu cầu bức thiết phát triển kinh tế-xã hội

Dù các lực lượng công binh đã rất cố gắng, nhưng diện tích RPBM trên địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên hiện mới đạt tỷ lệ rất nhỏ. Thành phố Đà Nẵng là đơn vị tích cực triển khai nhưng hiện cũng mới đạt khoảng 6%. Các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, diện tích RPBM cũng chỉ khoảng một vài nghìn héc-ta.

Trước nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đòi hỏi bức thiết đất đai phải được làm sạch bom, mìn để sản xuất. Đại tá Hoàng Bình Nguyên, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, những nơi đất đai ô nhiễm bom, mìn và còn rất nghèo. Một vụ nổ bom, mìn cũng sẽ ảnh hưởng đến an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng… Để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, lao động sản xuất thoát nghèo, việc đẩy nhanh tiến độ RPBM, giải phóng đất sản xuất là việc làm thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội lớn... ”.

Còn Phó chủ tịch UBND huyện Đắc Hà, (Kon Tum) ông Hoàng Nghĩa Trí cho biết: Chương trình 504 rất thiết thực, tạo điều kiện cho địa phương có nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác RPBM. Thực tế ở những nơi đã được bộ đội RPBM, người dân rất an tâm đầu tư sản xuất như trồng cây cà phê, cao su… hiệu quả kinh tế cao”.

Dẫn chúng tôi đi thăm, tặng quà nạn nhân bom, mìn trên địa bàn xã, ông Nguyễn Đình Thức, Chủ tịch UBND xã Trà Đa, thành phố Plây-cu (Gia Lai) trăn trở: “Mong việc RPBM sớm được triển khai tại địa phương để chúng tôi không còn phải chứng kiến những tai nạn đau lòng do bom, mìn gây ra, giúp nhân dân an tâm sản xuất…”.

Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài chưa nhiều, nhu cầu RPBM trên phạm vi rộng, thì việc xác định thứ tự ưu tiên, đầu tư theo từng giai đoạn, cho các địa phương trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên là rất thiết thực. Đồng thời, cần tăng cường huy động nguồn lực địa phương và nguồn xã hội hóa. Đại tá Phan Văn Hạng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho rằng: “Cần tăng cường tư cách pháp nhân và phát huy vai trò của cơ quan quân sự địa phương, để việc RPBM được tiến hành thuận lợi, hiệu quả…”

Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN

 

    Theo QĐND

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ