A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hợp tác vì nước ở Tây Nguyên: Lợi ích lâu dài và toàn diện

15:00 | 08/03/2013

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Dak Lak, Kon Tum, Gia lai, Dak Nông và Lâm Đồng mang trong mình nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá mà trong đó nước được xem là nguồn tài nguyên dồi dào nhất. Mỗi năm Tây Nguyên đón nhận hàng chục tỷ m3nước mưa. Từ nơi được co

Từ bao đời nay, người dân Tây Nguyên  đã hưởng lợi từ nguồn nước được sản sinh ra ở ngay trong khu vực nhưng đồng thời cũng phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ do các biến động của nguồn nước gây ra. Hợp tác vì nước là xu thế chung của cả thế giới và nước ta. Hợp tác vì nước ở ngay trong khu vực Tây Nguyên và giữa khu vực Tây Nguyên với các vùng phụ cận là để thích nghi và khai thác tối ưu các điều kiện về tài nguyên nước giúp cho phát triển kinh tế, xã hội ổn định và vững chắc, đem lại hiệu quả tối đa, đồng thời bảo vệ được tài nguyên và môi trường; làm cho cuộc sống ngày càng văn minh, giàu đẹp; làm cho môi trường sống trong sạch, đa dạng và phong phú.

Nếu như trước đây, tài nguyên nước của Tây Nguyên chỉ được khai thác một phần rất nhỏ để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì nay đã có nhiều thay đổi. Tài nguyên nước đã góp mặt ở hầu hết các lĩnh vực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều lên, rộng ra theo đà phát triển của xã hội. Bên cạnh việc cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của con người, nguồn nước được khai thác để phát triển năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, du lịch... không chỉ cho riêng khu vực Tây Nguyên và cả các vùng lân cận. Sự phát triển này đòi hỏi phải có ý thức cao về chia sẻ nguồn nước để làm sao có thể hài hòa giữa nhu cầu, khả năng đáp ứng của nguồn nước và lợi ích của tất cả các đối tượng dùng nước ở các vùng trong và ngoài khu vực Tây Nguyên. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tượng dùng nước, giữa các địa phương sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nước; giảm chi phí khai thác; gìn giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường và đặc biệt sẽ góp phần quan trọng vào việc quản lý và giảm thiểu được các rủi ro thiên tai.

Đặc điểm khí hậu Tây Nguyên là sự tương phản giữa hai mùa khô và mưa. Tổng lượng mưa năm ở Tây Nguyên vào khoảng 1.900mm; thời gian mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó có từ 4 đến 5 tháng lượng mưa đạt trên 200mm/tháng; lớn nhất có thể đạt từ 1.000 – 1.100mm/tháng. Một đợt mưa liên tục kéo dài từ 2-5 ngày trên các lưu vực sông ở Tây Nguyên đạt từ 150 – 350mm; cá biệt có đợt đạt trên 400mm gây ra nhưng trận lũ lớn, lũ quét làm thiệt hại nghiêm trọng như: gây thiệt hại về nhân mạng; cuốn trôi của cải vật chất của Nhà nước và nhân dân; tàn phá mùa màng, ảnh hưởng xấu tới sản xuất; phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà cửa, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến bãi… Ngược lại, lượng mưa trong mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau) chỉ chiếm xấp xỉ 10% lượng mưa cả năm, có nơi chỉ chiếm 6 – 8%. Những năm ít mưa, thường có vài ba tháng lượng mưa không vượt quá 5mm/tháng. Do đó, mỗi năm Tây Nguyên phải chịu khát từ 3 - 4 tháng; năm hạn nặng, thời gian thiếu nước có thể kéo dài liên tục từ 6 – 8 tháng.

Ở nước ta hiện nay, các văn bản luật và nghị định về quản lý tài nguyên nước đã đề cập tới quyền xây dựng và thực hiện một hệ thống chia sẻ và hợp tác trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước đối với tất cả các nguồn nước. Lợi ích của việc chia sẻ, hợp tác khi khai thác sử dụng nguồn nước sẵn có chính là tăng cường lợi ích kinh tế về lâu dài; cải thiện kết quả về mặt xã hội; hỗ trợ cho việc gìn giữ tính bền vững về môi trường... Tuy nhiên, trên thực tế không phải dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước nào ở Tây Nguyên cũng đạt được những mong muốn nêu trên. Tính kém hiệu quả và chưa bền vững còn xảy ra. Còn có những đối tượng dùng nước gần như tự lập quy hoạch và tự quyết định khai thác sử dụng nước, chưa quan tâm nhiều đến sử dụng của các đối tượng khác. Đây đó vẫn có những quy hoạch sử dụng nước chưa được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền phê duyệt như trong quy định của Luật Tài nguyên nước. Việc khai thác sử dụng nước ở nhiều nơi còn chú trọng nhiều tới hiệu quả kinh tế cục bộ, chứ chưa quan tâm nhiều tới việc bảo đảm nhu cầu nước cho môi trường và san sẻ gánh nặng nguồn nước cho các vùng lân cận. Các hồ đập xây dựng với mục đích trữ nước cung cấp trong mùa khô đã lấy hết lưu lượng dòng chảy môi trường tự nhiên của sông suối trong mùa cạn mà không xả trả lại dòng chảy cho khu vực hạ du. Có khá nhiều đập dâng ở trung và thượng lưu đã lấy trực tiếp nước từ dòng chảy cơ bản làm cạn kiệt nước của nhiều sông suối khác. Một số đập nước được xây dựng với mục đích đơn lẻ; việc hoạt động và cung cấp nước không tính tới quyền lợi và nhu cầu của cộng đồng cuối nguồn nước. Bên cạnh đó là việc quy định về dự trữ nước chưa thực sự rõ ràng và minh bạch; các máy bơm tư nhân khai thác nước từ sông không được quản lý và người sử dụng nước đầu nguồn thường chỉ quan tâm đáp ứng nhu cầu của riêng mình, không quan tâm đến hậu quả đối với những người sử dụng khác ở cuối nguồn. Sự mất cân đối nguồn nước làm cho sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các đối tượng dùng nước đang diễn ra khá gay gắt. Trong cạnh tranh, các hộ dùng nước lớn, có năng lực tài chính thường chiếm được ưu thế trong việc khai thác sử dụng nguồn nước; các hộ dùng nước nhỏ, các cộng đồng dân cư nhỏ lẻ dễ mất quyền sử dụng nước vốn có trước đây. Tình trạng trên dẫn đến sự mất công bằng trong sử dụng nước cũng như hiệu quả của việc thực thi quyền sử dụng nước, hiệu quả sử dụng nước bị hạn chế. Ngoài ra, mức độ khai thác và sử dụng quá mức so với khả năng cho phép cũng làm cho nguồn nước ngày càng bị cạn kiệt, hệ sinh thái nước cũng bị suy thoái theo.

Sông Krông Năng (Dak Lak) bị hạn trơ đáy, người dân bơm nước

từ các vũng tập trung về một chỗ để chống hạn.     (Ảnh: G.N)

 Hiện nay, tính chất bất ổn của khí hậu thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu đã hiển hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nơi. Tình trạng thừa nước gây lũ lụt nghiêm trọng trong mùa mưa, hạn hán thiếu nước trong mùa khô xuất hiện nhiều và ngày càng gay gắt hơn trong khi dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển khiến nhu cầu dùng nước tăng mạnh. Nước đang có nguy cơ ngày càng mất cân đối nhiều hơn về số lượng và kém dần về chất lượng. Vì vậy, hợp tác để chia sẻ nguồn nước được công bằng và minh bạch hơn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Tây Nguyên. Nó cung cấp giải pháp điều hòa sự mất cân đối giữa cung và cầu, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dùng nước và sự bền vững của môi trường. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tây Nguyên cần phải tăng cường quản lý sử dụng nước theo quy hoạch; chú trọng đến tính pháp chế của việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn địa bàn từ các khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên. Đặc biệt, phải thực hiện biện pháp chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước. Cụ thể là xác định nguyên tắc chia sẻ, phân bổ nguồn nước, quy tắc chuyển nước sang lưu vực lân cận. Thống nhất giữa vận hành hằng ngày của các nhà máy thủy điện với lấy nước tưới, nước sinh hoạt và trả lại một phần cho dòng chảy tự nhiên của sông suối.  Công cụ chính hiện nay để thiết lập cơ chế quản lý chia sẻ tài nguyên nước là lập kế hoạch quản lý lưu vực sông. Do vậy, phải có các chế tài đủ mạnh kết hợp với tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy được việc hợp tác vì nước để chia sẻ, phân bổ hài hòa tài nguyên nước là một vấn đề hết sức quan trọng trong sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở từng vùng, từng lưu vực sông suối của Tây Nguyên.

    Theo Báo Đăk Lăk

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ