Sống trong làng cùi Ea Na
07:07 | 24/09/2014
Tôi đã nhiều lần trở đi trở lại làng cùi Ea Na- một ngôi làng nằm chênh vênh trên núi Phượng Hoàng thuộc xã Ea Trang, huyện M’Đrắc (Đắk Lắk).
Tôi đã từng chứng kiến cảnh người làng tách biệt với cộng đồng và hàng trăm đứa trẻ của ngôi làng mù chữ... Nhưng thật mừng là trong chuyến trở lại Ea Na mới đây, chúng tôi đã bắt gặp những đổi thay rõ rệt từ ngôi làng nhỏ ấy.
Thôi không còn mặc cảm nữa
Cùng Y Ngin- cán bộ y tế huyện Krông Ana, chúng tôi đến gia đình ông H’Lim.Vợ chồng ông đều mắc bệnh phong. Vừa nghèo vừa thiếu hiểu biết, mắc căn bệnh cùi nên tay chân của họ đã rụng gần hết ngón. Giàn giụa nước mắt, ông H’Lim nghẹn ngào: "Hồi đó, mình mắc bệnh phong mà đâu có biết gì. Bà con làng xóm ở dưới xuôi lại xa lánh, hắt hủi nên mình đành dẫn vợ đến đây sinh sống. Cũng may được các cán bộ chăm sóc, động viên nên không còn mặc cảm nữa. Bàn chân không ngón vẫn có thể làm việc lặt vặt được. Nhà nước quan tâm bố trí cho một căn nhà nhỏ ở trong làng này, cuộc sống cũng không khó khăn lắm”. Cũng vì xóa được nỗi mặc cảm nên những người con của vợ chồng H’Lim đã không còn ru rú trong nhà tối ngày ăn củ sắn, củ khoai như trước đây nữa.
Vợ chồng bà Y Nhung cũng mắc bệnh phong như vợ chồng ông H’Lim. Bà Nhung bảo không nhớ nổi ngày bà cùng gia đình từ miền xuôi đến định cư tại làng phong này: "Chỉ biết là bác sĩ bảo mình bị nhiễm khuẩn Hansen gây bệnh phong rất nguy hiểm. Người xung quanh ngày càng xa lánh, thế là vợ chồng mình cách ly lên đây để bầu bạn với những người đồng cảnh ngộ. Khi đó, chồng mình cũng nhiễm khuẩn Hansen. Đến giờ, vợ chồng mình rụng cả thảy 8 ngón chân và 9 ngón tay. Những ngày đầu đối diện với nghịch cảnh này đau buồn không muốn làm gì hết. Nhưng rồi được các cán bộ và nhân viên của làng cùi Ea Na này tận tình động viên. Cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh nên không còn mặc cảm nữa, yên tâm điều trị và làm việc để hướng về tương lai các con mình sau này”.
Đến nay, làng phong Ea Na đã có gần 140 hộ gia đình với trên 500 nhân khẩu thuộc nhiều dân tộc: Êđê, M’nông, Kinh, Bana… Ngoài gần 200 bệnh nhân nặng đang được điều trị số còn lại đều là những người đã được điều trị dứt bệnh, con cháu họ được sinh ra và lớn lên ở đây. Gia đình chị Y Lan và nhiều người khác hàng chục năm trước chỉ vì luôn sống trong nỗi mặc cảm bệnh tật triền miên nên ngày càng chán nản với cuộc sống. Chị Y Lan giãi bày: "Trước đây tôi còn định tự vẫn chết quách cho xong. Người lớn tụi mình không dám ra ngoài đã đành, tụi trẻ khi có chuyện ra ngoài cũng thường bị người ta gọi là "con cái của làng cùi, làng hủi” rồi tránh xa. Riết rồi chúng sợ, tối ngày chỉ thui thủi trong làng. Nhưng từ cuối năm 2013, qua các chiến dịch tuyên truyền, những lý giải cặn kẽ về nghị lực sống được chúng tôi thấu hiểu nên giờ thoải mái rồi. Tình thần không còn nặng nề nữa”.
Đến với những người bệnh trong làng Ea Na
Sức mạnh từ tình yêu thương
Mấy năm trước, khi đến làng cùi Ea Na, nhìn cảnh nhiều bạn trẻ bị rụng nhiều ngón tay, ngón chân tôi đã băn khoăn và day dứt mãi với câu hỏi tương lai họ sẽ ra sao? Trở lại lần này, gặp chính những người trẻ đó, thấy cuộc sống hạnh phúc của họ tôi đã vỡ lẽ ra rằng chính tình yêu đã vạch ra cho họ con đường mới ấm áp và sáng sủa phía tương lai. Đâu phải cứ tật nguyền, cứ bệnh hiểm nghèo là cuộc sống đi ngõ cụt.
Nhìn thung lũng Krông Ana nơi hội tụ phù sa của dòng sông Krông Ana đang phủ một màu xanh ngút ngàn, anh Y Hinh tâm sự: Ba năm trước mình cô đơn lắm, nỗi buồn thân phận làm mình chỉ biết co cụm trong nhà thôi, khi nào bác sỹ đến phát thuốc thì uống. Có hôm cũng chẳng muốn uống nữa. Cho tới ngày, bước ra khỏi làng, gặp Ka Nhi ngay rìa làng cùi Ea Na này và rung động trước vẻ mộc mạc của cô ấy nên mình quyết định làm ăn chăm chỉ trên một mảnh đất nhỏ được Nhà nước bố trí cấp cho các gia đình làng phong Ea Na này, dù đôi tay chỉ còn có 4 ngón.
Là người trẻ tiên phong rũ bỏ mặc cảm, với đôi tay tàn tật Y Hinh làm việc chẳng thua người lành lặn. Chẳng mấy chốc, miếng đất hoang đã thành nương mía xanh tươi. Mến cái chăm chỉ, cái thật thà của anh, cô sơn nữ Ka Nhi đã thương thầm trộm nhớ nhưng vẫn thẹn thùng không dám bộc lộ ra mặt. Tình cảm của họ cứ thế âm thầm lớn dần, rồi cũng thành vợ thành chồng. Rất may là đứa con của họ không còn bị bệnh phong nữa.
Ở làng cùi Ea Na này còn có hàng chục mối tình khác đã giúp họ vượt qua đau thương. Như vợ chồng chị Y Nhút. Hai vợ chồng đều bị bệnh phong, anh Y Hlich đã từng buồn chán, cùng quẫn vì bệnh tật và định nhảy xuống sông Krông Ana nhưng rồi nghĩ đến đứa con thơ đang cần người chăm sóc nên anh lại thôi. Chứng kiến cảnh người vợ tần tảo, bị rụng hai ngón tay từng ngày chăm sóc mình những lúc nằm liệt giường không ít lần Y Hlich bật khóc. Anh phân trần: Người già thì đã đành. Những người trẻ, thanh niên như bọn mình ở làng cùi này xác định tâm lí vững chắc để vừa làm ăn vừa đối chọi bệnh tật là điều rất quan trọng. Phải vượt qua được mọi lấn cấn trong suy nghĩ thì mới có sức mạnh được.
Khu vườn trồng rau của người làng cùi Ea Na
Những tấm lòng thơm thảo
Điều chúng tôi thực sự xúc động là ở làng phong này có nhiều người dốc lòng giúp những người tật nguyền vươn lên trong cuộc sống, trong đó có chị Trần Thị Thu Tâm, Đinh Mỹ Tiên. Chi Tâm bộc bạch: Tôi vốn học ngành y, từng có thời gian dài tu hành nữa nên khi nhìn hình ảnh những người không may mắn này tôi rất ám ảnh. Vì nỗi ám ảnh đó nên tôi đã tự nguyện đến đây để chăm sóc miễn phí cho họ. Dẫu chẳng ruột thịt gì nhưng hàng ngày chị Tâm, chị Tiên miệt mài lau chùi, bôi thuốc và băng bó những vết thương, vết lở loét, rỉ mủ và rớm máu của các bệnh nhân nặng. Có những bệnh nhân khỏe hơn, lành lặn hơn được bố trí ra những căn nhà nhỏ được Nhà nước và các tổ chức tình nguyện xây dựng cho, chị Tâm vẫn thường xuyên đến thăm khám. Những ước mơ đã bắt đầu được thắp lên. Từ năm 2014 này, những đứa trẻ làng phong Ea Na cũng không còn sợ "đói chữ” nữa khi lớp học tình thương đã được xây dựng ngay tại làng. Nhiều cô giáo dưới xuôi, tự nguyện lên đây dạy học miễn phí cho các em.
Trong lần trở lại làng phong Ea Na này, một hình ảnh nữa để lại cho chúng tôi niềm cảm phục là bà Ka Phương. Bà phương là một giáo viên đã nghỉ hưu nhưng vài năm nay bất luận khi trời mưa hay nắng bà vẫn miệt mài hai tay xách hai chiếc túi nặng đầy bánh mì, sữa tươi bà đi khắp các ngõ hẻm của làng phong Ea Na cho các em nhỏ với mong muốn cho các em có thêm sức lực để vươn lên.
HÀ VĂN ĐẠO
Nguồn: daidoanket.vn
CÁC TIN KHÁC
- Độc đáo nuôi cá theo kiểu cho 'ăn chay (29/03/2016)
- Tháng Ba Tây Nguyên (14/03/2016)
- Lý do người trồng hành tím dễ mù lòa (12/01/2016)
- Những ngày cuối cùng trên con đường Trường Sơn Đông qua đoạn tỉnh Đăklăk (23/12/2015)
- Các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai Quy định số 10-QĐ/TU của Tỉnh ủy (18/12/2015)
- Chàng cử nhân của núi rừng (21/09/2014)
- Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn được bày bán công khai, tràn lan (11/07/2014)
- Tọa đàm “Làm mẹ thông thái” giao lưu với các bà mẹ tại Buôn Ma Thuột (27/05/2014)
- Tránh trạm cân nhiều xe tải đi đường vòng (17/05/2014)
- Quốc lộ 14 “chẳng đoạn nào kém chất lượng” (30/04/2014)
- Muôn kiểu tác nghiệp tại lễ hội (14/03/2014)
Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9
Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.
- Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê
- Dư vị... cà phê miễn phí
- "Cú hích" mạnh mẽ cho ngành hàng cà phê
- Lặng thầm góp sức giữ phố phường sạch đẹp mùa lễ hội
- Huyện biên giới Đắk Nông nâng tầm cho cà phê
- Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai đồng bộ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
- Tạm giữ hình sự tài xế vụ lật xe khách khiến 4 người tử vong
- Đắk Nông sắp xếp lại trường học góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
- Vì sao các ngân hàng đồng loạt xóa sổ thẻ từ?
- Bao giờ thoát cảnh "lụy đò"?
- Giá xăng giảm mạnh hơn 1 ngàn đồng/lít
- Nâng cao kiến thức về tổ chức quản lý, điều hành hợp tác xã
- Huyện Krông Pắc: Người dân ủng hộ gần 30 tấn hàng và 388 triệu đồng cứu trợ cho người dân vùng bão lũ
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi ủng hộ kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão số 3
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN