A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cầu mới nơi người dân từng đu dây qua sông

07:45 | 05/09/2015

Đến nay, một số công trình thuộc Dự án cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành, những cây cầu trong mơ giờ đã trở thành hiện thực và đang mang đến niềm vui và hy vọng cho người dân nơi có dự án đi qua.

Cầu mới... xóa điểm “tử thần”

Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 70 km, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) được biết đến là một trong những điểm có khá nhiều vị trí người dân giăng cáp đu dây qua sông. Trong nhiều năm nay, trên hành trình mưu sinh bằng những sợi cáp tự chế, người dân sống ven dòng sông Krông Ana phải đánh cược mạng sống của mình với “tử thần”. Thực tế đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Năm 2014, vợ chồng ông Nguyễn Chua và bà Nguyễn Thị Thọ (thôn 6) gặp sự cố đứt cáp khi đu dây qua sông, chồng tử vong, vợ bị thương tích nặng… Vì thế, vị trí này được xác định là điểm “tử thần”, nên đây cũng là một trong những nơi được tỉnh chọn để xây dựng cầu treo. Đến nay, khoảng 95% hạng mục xây dựng cầu đã hoàn thành… Bà Nguyễn Thị Trái xúc động, tại khúc sông này, em trai bà (ông Chua) đã ra đi vĩnh viễn, cái chết ấy ám ảnh mãi người dân ở vùng quê nghèo Hòa Lễ, giờ đây khi cầu xây gần xong, thỏa niềm mong ước bấy lâu của hàng trăm hộ dân, thì người em của bà không còn nữa. Ông Lê Văn Bình, thôn phó thôn 6 cho biết, cầu treo hoàn thành, việc đi lại của bà con không còn vất vả như thời đu cáp, chèo ghe nữa. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt người dân qua lại cầu treo, đến ngày mùa con số này còn cao hơn nhiều. Do đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con cùng nhau bảo quản cầu thật tốt vì đây là cầu dân sinh nên không được vận chuyển hàng nặng, quá tải trọng.

Cầu treo thôn 6, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông).

Cầu treo thôn 6, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông).

Cây cầu mơ ước 30 năm...

Gần 30 năm trôi qua, cây cầu bắc qua sông Krông Năng giờ mới trở thành hiện thực đối với người dân thôn Bình Minh (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng). Thôn Bình Minh có 135 hộ, 637 khẩu, chủ yếu người dân từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Định vào lập nghiệp từ năm 1987. Mặc dù là thôn thuộc thị trấn, nhưng mấy chục năm qua, Bình Minh như một ốc đảo bị cô lập với bên ngoài bởi cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ đến, sông Krông Năng vốn dĩ hiền hòa lại trở nên hung dữ, mọi hoạt động đi lại, sản xuất của bà con nơi đây đều bị gián đoạn. Khi Dự án cầu treo dân sinh được triển khai, đến nay đã cơ bản hoàn thành, người dân đã có thể đi lại trên cây cầu mơ ước, niềm vui đang len lỏi ở từng gia đình, từng khu dân cư. Bà Đinh Thị Đóng, một người dân có nhà gần cầu treo Bình Minh phấn khởi, bà vào đây lập nghiệp đã hơn 10 năm nay, việc đi lại trên những cây cầu khỉ, cầu tạm đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bà và những người dân sống gần sông Krông Năng không nhớ nổi đã có bao nhiêu vụ tai nạn khi đi qua cầu tạm và đã không ít trường hợp, phương tiện, nông sản và người đều đổ ào xuống dòng nước dữ, có khi phải huy động cả làng đến kéo lên, may mắn không gây hậu chết người, nhưng nông sản bị cuốn trôi thì thường xuyên xảy ra. Còn bây giờ, đi trên cây cầu mới, bà thấy rất yên lòng, không còn tâm trạng thấp thỏm, lo âu như trước nữa. Tương tự, hộ ông Đinh Văn Tự chia sẻ, nhà ông có hơn 1 ha cà phê ở phía bên kia cầu, trước đây đến mùa thu hoạch phải chờ nước rút rồi dùng xe cày để vận chuyển qua sông, nông sản rơi xuống nước xảy ra như cơm bữa. Giờ đây, có cầu mới, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều, việc thuê công cán dễ dàng hơn, giá cả lại phải chăng. Cùng chung niềm vui với bà con trong thôn, anh Đinh Thanh Khương, Trưởng thôn cho hay, thôn Bình Minh có hơn 100 ha rẫy ở bờ bên kia sông Krông Năng. Trước đây, không có cầu, mọi hoạt động đi lại của người dân chỉ trông chờ vào cây cầu tạm, hoặc chờ khi nước rút lội bộ qua sông. Hơn một tháng nay, cầu Bình Minh đã thông thương, bà con không phải bì bõm lội sông như trước đây nữa. Tuy nhiên, niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn vì đường dẫn lên cầu mới vẫn còn gập gềnh khó đi nên việc vận chuyển vật tư, nông sản vẫn phải theo đường cũ.

Cầu treo thôn 7, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) - một trong số 4 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cầu treo thôn 7, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) - một trong số 4 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

 Hy vọng những công trình cầu treo thuộc Dự án cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để mùa mưa năm nay, người dân ở thôn, buôn xa nào đó không phải sống trong cảnh giống như ốc đảo, những vụ tai nạn thương tâm sẽ không còn xảy ra trên những khúc sông tử thần.

Sở GTVT cho biết, Đắk Lắk được xây dựng 9 cầu treo dân sinh tại các huyện Krông Ana, Krông Năng, Krông Bông, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ. Đến nay có 4 cầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, bảo đảm việc đi lại an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ gồm các cầu: thôn 7, thôn 8 (xã Ea Huar, Buôn Đôn), Bình Minh (Krông Năng) và thôn 6 (xã Hòa Lễ, Krông Bông); 5 cầu còn lại nhà thầu đang tiến hành thi công kết cấu phần trên, chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra của Bộ GTVT.

 

Hoàng Tuyết

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ