A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cách cấp cứu người bị ngộ độc thức ăn

09:40 | 11/05/2016

Thời gian qua có nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra ở các địa phương, bếp ăn tập thể. Ngoài ra ở một số gia đình vẫn rải rác xảy ra ngộ độc thức ăn....

 ...Mùa nắng nóng là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh nên nguy cơ ngộ độc thức ăn càng cao. Chuyên mục Sức khỏe số này xin giới thiệu cách cấp cứu người bị ngộ độc thức ăn.

Khoai tây mọc mầm thường chứa độc tố

Vì sao bị ngộ độc thức ăn? 

Người ta bị ngộ độc khi ăn phải thức ăn bị nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn. Thức ăn thường bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến. Mặt khác có những loại thức ăn chứa độc chất như một số loại thịt, cá, con cóc, quả dứa, củ sắn...

Trên thực tế thường gặp 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn: Một là ngộ độc chất histamin có ở trong thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá thu, cá nóc, con cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng. Hai là thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn các loại vi khuẩn như clotridium botilium, samonella, shigella, tụ cầu, phẩy khuẩn tả…Ba là ngộ độc do thức ăn bị nhiễm nấm. 

Biểu hiện ngộ độc thức ăn như thế nào?  

Tuỳ theo nguyên nhân gây ngộ độc mà người bị ngộ độc có các triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thức ăn gồm: buồn nôn và nôn mửa; đi tiêu chảy nhiều lần và phân lỏng; nổi mẩn ngứa, mề đay khắp người; nếu ngộ độc nặng bệnh nhân có thể  bị truỵ tim mạch, khó thở dạng hen phế quản. Có điều kiện xét nghiệm mẫu thức ăn lưu nghiệm, cấy phân của bệnh nhân có thể xác định được tác nhân gây bệnh.  

Cấp cứu người ngộ độc thức ăn ra sao? 

Cấp cứu bệnh nhân: Việc làm trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào dạ dày bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

 Gây nôn: Để tống thức ăn ra ngoài chỉ gây nôn trong những trường hợp thức ăn chứa chất độc chưa kịp xuống ruột và còn lưu ở dạ dày, tức là mới ăn. Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể cho uống nước xà phòng, nước muối (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm). Hoặc cho uống dung dịch đồng sunfat (0,5g cho một cốc nước), hoặc dung dịch kẽm sunfat (2 g cho một cốc nước). Trường hợp bệnh nhân quá mệt có thể tiêm Apomocphin 0,005mg dưới da.

Rửa dạ dày: Càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4-6 giờ sau khi ăn phải rửa dạ dày cho đến sạch mới thôi. Có thể rửa bằng nước ấm, hoặc khi biết rõ chất độc có thể rửa bằng nước pha thêm thuốc phá hủy chất độc thành chất không độc, thí dụ: Ngộ độc sắn dùng dung dịch xanh metylen. Cho bệnh nhân uống thuốc tẩy: Khi thời gian ngộ độc tương đối lâu, chất độc có thể còn lưu lại trong ruột, cho uống 15-20g magiê sunfat (uống 1 lần để tẩy ruột).

 Ngăn cản sự hấp thu, phá hủy chất độc đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày, bằng việc dùng những chất sau đây: Trung hòa chất axit có thể dùng những chất kiềm yếu, như nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút lại uống 15 ml. Tuyệt đối không được dùng thuốc muối (bicacbonat) để tránh hình thành CO2 đề phòng thủng dạ dày do tiền sử bệnh nhân có bị loét. Nếu ngộ độc do chất kiềm, thì cho uống dung dịch axit nhẹ như giấm, nước quả chanh, khế, sấu…

Bảo vệ niêm mạc dạ dày: Dùng các chất bột như bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo... Những chất này không những bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm nhẹ kích thích, mà còn có tác dụng bao chất độc, ngăn cản sự hấp thu chất độc vào cơ thể. 

 Nếu ngộ độc kim loại, như chì, thủy ngân... có thể dùng lòng trắng trứng hoặc sữa, hoặc 4-10g natrisunfat cho bệnh nhân uống. Ngộ độc kiềm, có thể dùng nước chè đặc, hoặc 15 giọt cồn  iốt hòa vào một cốc nước cho bệnh nhân uống.

Chất giải độc: có thể dùng thuốc để kết hợp với chất độc thành chất không độc. Thường dùng là hỗn hợp gồm: than bột 4 phần, magie oxyt 2 phần, axittanic 2 phần, nước 200 phần để chống ngộ độc do glucozit, kim loại nặng, axit...

Giảm đau bụng, giảm bớt nhu động ruột bằng cách dùng thuốc atropin, trừ trường hợp ngộ độc amanita phathera. Bồi phụ nước và điện giải bằng truyền các dung dịch đẳng trương NaCl 0,9%, glucose 5%, natri bicarbonat 1,4%. Nếu nhẹ, bệnh nhân còn uống được thì cho uống dung dịch oresol. 

Lưu ý: Tất cả các cách này nên theo chỉ định của bác sĩ. 

Cách gì phòng bệnh? 

Muốn phòng tránh ngộ độc thức ăn cần thực hiện các biện pháp như sau: chỉ mua thực phẩm dùng để làm thức ăn còn tươi, không dập nát. Luôn luôn thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay, không nên để quá lâu. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh, khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn. Khi chế biến thức ăn, cần loại bỏ những phần gây độc như bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; không ăn khoai tây đã mọc mầm; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...Không hái nấm lạ ở dọc đường hay trong rừng để ăn. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi nấu ăn. Tích cực diệt ruồi, gián, chuột...    

BS. Phạm Văn Thân

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ