A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bệnh thủy đậu bùng phát

08:39 | 12/03/2018

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016.

 Năm nay, số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 với 8.000 ca trong khi trung bình các tháng dưới 3.000 người bệnh.

Nhiều trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ mẹ

Mặc dù mới đầu mùa dịch nhưng tại các tỉnh khu vực phía Nam, số lượng bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện có xu hướng tăng hơn năm ngoái. Đặc biệt, các bác sỹ cảnh báo, nhiều trẻ sơ sinh nhiễm bệnh nặng do lây truyền từ mẹ. 

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP HCM), hiện có khoảng 10 trẻ mắc thủy đậu nặng đang được điều trị. Nổi mụn nước khắp người, bé trai Nguyễn Triệu Xuân Thịnh, 5 tháng tuổi (ngụ tỉnh Đăk Lăk) ho, khóc không ngừng. Chị Thu, mẹ bé Thịnh cho biết, cách đây một tháng chị mắc thủy đậu nhưng do nuôi con bằng sữa mẹ nên chị không thể cách ly khỏi bé khiến bé cũng nhiễm bệnh theo.

Dù đang trong giai đoạn ở cữ nhưng chị Tô Minh Trang (ngụ tỉnh Long An) vẫn phải theo con vào BV Nhi đồng 1 để điều trị thủy đậu. Trước khi sinh bé con 4 ngày, chị Trang mắc bệnh thủy đậu do lây từ nơi làm việc. 9 ngày sau sinh, con gái chị bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh, mọc mụn nước ở đầu, tay, chân. “Sau khi sinh xong mình liền cách ly khỏi bé nhưng con vẫn bị lây từ mình”- chị Trang cho hay. 

BS Trương Hữu Khanh- trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP HCM) cho biết, bắt đầu từ tháng 2 số lượng trẻ nhập viện do thủy đậu ngày càng tăng, trung bình từ 7-9 trẻ mỗi tuần. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa dịch thủy đậu kéo dài đến hết tháng 6. Năm nay, số lượng trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh khá nhiều và chủ yếu do lây từ mẹ.

Đặc biệt, theo BS Khanh, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh thì trẻ sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lây từ mẹ sang. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giai đoạn này rất cao, lên đến  25 - 30% số trường hợp bị nhiễm. Sai lầm của các bà mẹ là khi phát hiện bệnh liền cách ly con, không cho con bú nhưng thực tế bệnh đã lây từ trước đó. Khi không được bú sữa mẹ, đề kháng của trẻ càng giảm thì mức độ bệnh lại càng nặng. 

BS Khanh cho biết, số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú cũng đang có xu hướng tăng. Do thủy đậu là bệnh có thể điều trị ngoại trú nên BS Khanh khuyến khích các gia đình điều trị tại nhà bởi càng nhiều trẻ nhập viện càng dễ lây nhiễm chéo cho những bệnh nhi khác đang điều trị tại bệnh viện.

Tại TP HCM, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng 46%. TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng, cần tuyên truyền phù hợp để bố mẹ đưa con đi tiêm phòng thủy đậu, ngoài 10 loại văcxin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo TS Trần Đắc Phu- cục trưởng Cục Y tế dự phòng, số ca bệnh thủy đậu hàng năm ở mức cao gần như khắp cả nước. Trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016. Số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 với 8.000 ca trong khi trung bình các tháng dưới 3.000 người bệnh. 

Biến chứng nguy hiểm

Các chuyên gia y tế cảnh báo, miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu do thời tiết lạnh kéo dài. Thời điểm này, khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu, và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.

Theo TS Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.

TS Nguyễn Văn Lâm- trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi trung ương  cũng cho biết, khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

TS Lâm phân tích, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc chích ngừa đầy đủ khiến cho virus thủy đậu không còn tồn tại trong cộng đồng, tuy nhiên tại Việt Nam, do tình trạng số trẻ chích ngừa bệnh không đủ 100% nên virus dễ lây lan, trẻ dễ mắc bệnh hơn. 

BS Trương Hữu Khanh cảnh báo, nhiều phụ huynh vẫn còn có quan niệm sai lầm trong chăm sóc trẻ bị thủy đậu như cho uống tro gốc rạ, tắm nước gốc rạ, hoặc trùm kín, kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn. Chính những quan niệm sai lầm đó khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng, giảm sức đề kháng và bệnh càng nặng thêm.

Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp Đông Xuân và diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não... 

TS Cường cũng cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm. Điều quan trọng là người bệnh phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoides... Người bị thủy đậu nếu có nốt phỏng dạng nước đục không trong, nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ mắc thủy đậu nếu ho, sốt tăng, đau đầu, nôn, chậm chạp hơn... thì cần đến BV, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vaccine là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng. Phụ nữ nên tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ một đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vaccine là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều cách nhau ít nhất 6 tuần.

Lan Khuê

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ