A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới y tế cơ sở: Giải quyết khó khăn từ gốc

09:46 | 03/07/2018

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành Y tế đã và đang nỗ lực triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 2348/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường y tế cơ sở...

...với nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở gắn với bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau.

Đối mặt với nhiều thách thức

Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…

Dẫu vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. 

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, những năm qua định mức được phân bổ cho y tế tuyến xã về cơ bản mới đáp ứng các khoản chi cho con người (lương, phụ cấp, các khoản đóng góp) và chi hành chính như tiền điện, nước, công tác phí. Chưa có hoặc bố trí được rất ít kinh phí để cán bộ y tế dự phòng, trạm y tế đi kiểm tra, giám sát, thực hiện các hoạt động dự phòng; các hoạt động này chủ yếu sử dụng từ kinh phí chương trình mục tiêu y tế - dân số.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) đánh giá, nếu ngân sách chương trình bố trí thấp thì hoạt động y tế dự phòng rất khó khăn, riêng kinh phí phòng, chống dịch hầu hết các tỉnh báo cáo khi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh sẽ được cấp riêng để thực hiện. Định mức phân bổ theo biên chế chưa khuyến khích các đơn vị sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Mặc dù tỷ lệ chi y tế dự phòng so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân đã tăng từ 19,1% (năm 2015) lên 23,3% (năm 2017) nhưng vẫn chưa đáp ứng Nghị quyết số 18/2008/QH12 là dành 30% cho y tế dự phòng. Tỷ lệ chi cho y tế xã so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân tăng từ 24,8% năm 2015 lên 25,3% năm 2016 và 30,7% năm 2017 nhưng về cơ bản các trạm y tế xã cũng chỉ đủ chi lương, chi hành chính của trạm. Theo tính toán của các địa phương, chi lương và hành chính của trạm y tế tuyến xã đã chiếm khoảng 25% tổng chi sự nghiệp y tế được phân bổ theo đầu dân, cho nên mặc dù nhiều địa phương đã phân bổ tới 30% cho trạm y tế xã nhưng trạm y tế xã vẫn bố trí được rất ít kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, định mức chi khác ngoài lương có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương cũng là chưa công bằng cho các cán bộ y tế xã.

Đảm bảo mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế

Trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là “chất lượng dịch vụ”, “lòng tin của người dân” và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở như: Ðưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.    

Đức Trân

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ