A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giảm béo, đừng để tăng cân trở lại

07:49 | 05/05/2022

5 năm trở lại đây, số người thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng 38%. Nhiều người giảm cân bằng áp dụng các chế độ ăn kiêng khác nhau nhưng có tới 95% bị tăng cân trở lại

Chị H.N.H (35 tuổi, ngụ TP HCM) cao 1,55 m, nặng gần 65 kg và dễ mệt khi vận động. Mong muốn giảm cân nhanh, chị H. đã sử dụng một loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc nên sau đó bị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và tăng cân trở lại.

"Vòng hai" quá khổ, "vòng đời" thu hẹp

Đi khám nội tiết, bác sĩ chỉ định chị H. điều trị béo phì chuyên sâu bởi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: Nội tiết, dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tâm lý. Chị được thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và sử dụng thuốc điều trị các bệnh đi kèm. Sau 1 tháng, chị giảm được 2 kg, cơ thể bớt mệt mỏi và đã làm quen được với chế độ ăn khoa học, bớt cảm giác thèm ăn.

ThS-BS Trần Viết Thắng, Phó Khoa Nội tiết - Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, cho biết việc giảm cân làm thay đổi hệ thống cân bằng của cơ thể khiến người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn nên người bệnh sẽ có khuynh hướng ăn nhiều hơn và tăng cân trở lại. Hậu quả là người bệnh khó tuân thủ quá trình giảm cân tiếp theo, dễ bỏ cuộc, tinh thần sa sút, gia tăng nguy cơ rủi ro cho sức khỏe.

Khám bệnh liên quan đến tăng cân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Theo TS-BS Võ Duy Long, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa - BV Đại học Y Dược, khi áp dụng các hướng xử lý như ăn kiêng, luyện tập hoặc dùng thuốc… một cách cực đoan, thiếu sự cân bằng và đồng bộ, người bệnh đứng trước rủi ro gia tăng nguy cơ các biến chứng nguy hại. Điển hình là các biến chứng và tổn thương liên quan đến tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tâm lý, hệ thần kinh, chức năng gan, thận… Đặc biệt là dễ dàng tăng cân trở lại.

Tình trạng béo phì đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. BSCK2 Nguyễn Thiện Nhân, Khoa Ung Bướu và Y học hạt nhân - BV Nhân Dân 115 TP HCM, cảnh báo béo phì không chỉ gây các bệnh lý về huyết áp, tim mạch... mà còn là yếu tố nguy cơ của 13 loại ung thư. Người béo phì có nguy cơ tăng 1,5-2 lần mắc ung thư nội mạc tử cung, ung thư biểu mô thực quản, ung thư các vùng tâm vị ở dạ dày, ung thư gan... Đối với những bệnh lý lành tính như u màng não, người béo phì có nguy cơ mắc bệnh này tăng lên 50%.

Nhiều cách kiểm soát

Theo giới chuyên môn, béo phì là bệnh lý mãn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Việc điều trị béo phì cần phối hợp nhiều chuyên khoa như nội tiết, dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tâm lý… để giúp người bệnh cải thiện cân nặng và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, có các phương pháp điển hình thường áp dụng cho người bệnh béo phì như: thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật. Tùy vào từng thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

Theo BS Trần Viết Thắng, khi biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả, người bệnh béo phì có chỉ số BMI từ 30 trở lên hay từ 27 trở lên kèm bệnh lý khác sẽ được chỉ định sử dụng thuốc. Các thuốc điều trị béo phì có thể tác dụng vào hệ thần kinh trung ương, chủ yếu làm chán ăn hoặc tác dụng trên đường tiêu hóa làm giảm hấp thu. Tuy nhiên, các thuốc này đều có tác dụng phụ, nên người bệnh không được tự ý sử dụng mà cần có sự chỉ dẫn cụ thể của chuyên gia y tế.

Về phẫu thuật trong điều trị béo phì, BS Võ Duy Long cho biết phương pháp này dành cho người bệnh có BMI từ 35 trở lên (đối với người châu Á) và chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa, thay đổi lối sống không hiệu quả. Có 2 loại phẫu thuật phổ biến: Cắt bớt dạ dày (để làm giảm cảm giác thèm ăn) và nối tắt dạ dày vào ruột non (giảm lượng thức ăn hấp thu vào cơ thể).

Các bác sĩ khuyến cáo nếu người bệnh béo phì không tuân thủ điều trị sẽ có nhiều nguy cơ bị tăng cân trở lại. Với những người chỉ số BMI cao trên 30, tuổi thọ giảm trên 3 năm và tăng dần, kèm nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, giảm cân hiệu quả vẫn cần được theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ với sự phối hợp đồng bộ đa chuyên khoa mới có thể đạt hiệu quả tối đa và an toàn.

"Bản thân mỗi người sẽ tự kiểm soát cân nặng. Nếu bản thân được xếp vào tình trạng béo phì, mọi người nên giảm cân hoặc tìm những biện pháp thích hợp để đưa cân nặng trở về trạng thái ổn định, không chỉ góp phần giảm nguy cơ ung thư mà còn có được một vóc dáng thon gọn, cảm thấy cuộc sống vui tươi và hạnh phúc hơn" - bác sĩ Nhân nhấn mạnh

Trẻ ít vận động, ngủ dưới 8 giờ/ngày dễ béo phì

Thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đáng báo động: tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 (gấp hơn 2 lần); trong đó ở khu vực thành thị là 26,8% (gấp hơn 3 lần), nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, ngủ dưới 8 giờ/ngày sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nặng, ngủ đủ, ngồi máy tính ít.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/giam-beo-dung-de-tang-can-tro-lai-20220504191104982.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ