Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM vừa tiếp nhận bệnh nhân L.V.M (37 tuổi, ngụ Long An) đến khám trong tình trạng đau khi nuốt, nuốt khó sau thời gian tự làm "bác sĩ".

"Chốt chặn" bị tấn công

Trước đó, anh M. có triệu chứng đau họng và tự ý mua kháng sinh dùng nhưng bệnh không thuyên giảm, tái phát nhiều lần, ngày càng đau đớn, khó chịu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm họng cấp nhưng điều trị không đúng cách dẫn đến bệnh dai dẳng. Anh được cho sử dụng một số loại thuốc theo đúng chỉ định, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để tránh tái phát.

ThS-BS Văn Thị Hải Hà, Khoa Tai Mũi Họng BV Đại học Y Dược, cho biết sưng đau họng là triệu chứng về đường hô hấp trên phổ biến trong cộng đồng. Triệu chứng này có xu hướng gia tăng khi môi trường ngày càng ô nhiễm bởi khói bụi, vi khuẩn… Sưng đau họng thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại, nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn.

Sưng đau họng: Chớ coi thường! - Ảnh 1.

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khám bệnh về tai mũi họng cho người bệnh

Người bệnh viêm họng cấp thường có cảm giác đau khi nuốt, nuốt khó; cổ họng sưng, đau rát, có cảm giác nghẹn họng. Nguyên nhân viêm họng cấp thường do nhiễm virus (chiếm 70%), liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus), dị ứng, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá. Bệnh nếu không được điều trị hiệu quả sẽ chuyển sang viêm họng mạn.

Nguyên nhân viêm họng mạn thường bắt nguồn từ dị ứng; thay đổi thời tiết; bệnh lý ở những vùng lân cận như trào ngược dạ dày thực quản, viêm đường hô hấp dưới, viêm xoang... Ngoài ra, viêm họng còn có thể do vệ sinh răng miệng kém.

Vì họng là cửa ngõ vào của đường ăn, đường thở và có mối liên hệ mật thiết với mũi - tai nên tác nhân gây đau mũi cũng có thể gây ảnh hưởng lên họng và ngược lại. Như trong bệnh cảnh dị ứng, dịch viêm từ mũi xoang có thể chảy xuống họng gây viêm họng. Do nguyên nhân đa dạng nên nhiều người bệnh thường thấy khó khăn trong việc tìm ra yếu tố gây đau để điều trị kịp thời, dứt điểm.

Lạm dụng kháng sinh: Hệ lụy kép

Theo BSCK2 Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), do viêm họng rất phổ biến nên người dân thường có xu hướng chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị. Hầu hết trẻ em chỉ được đưa tới bệnh viện thăm khám khi viêm họng gây ho, sốt nhiều ngày hoặc biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi. Người lớn bị viêm họng thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc tự mua thuốc về uống.

Nhiều bệnh nhi viêm họng lâu ngày không được điều trị dứt điểm đã biến chứng thành viêm tai giữa, viêm phế quản gây ho dai dẳng, sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn... mới được gia đình đưa tới bệnh viện. Còn người lớn đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã chuyển thành mạn tính.

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà cho biết điều trị sưng đau họng thường theo quy trình từ giảm nhẹ triệu chứng (giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, chống phù nề, giảm ho) đến điều trị đặc hiệu nguyên nhân, loại trừ yếu tố nguy cơ và phòng ngừa tái phát. Để điều trị viêm họng do virus, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng sốt và đau họng. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là để bệnh tự khỏi nhờ vào hệ miễn dịch của cơ thể.

"Người bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Đây là sai lầm phổ biến có thể dẫn đến tái phát bệnh, kháng kháng sinh, gây ra các biến chứng khác như viêm họng mạn, viêm đường hô hấp dưới, áp-xe quanh amidan, áp-xe họng, nhiễm trùng huyết…" - bác sĩ Hà khuyến cáo.

Các bác sĩ cho biết tất cả biến chứng do sưng đau họng gây ra đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thậm chí bệnh có thể tiên lượng xấu đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi khi gặp phải các trường hợp áp-xe cổ hoặc viêm đường hô hấp dưới nặng, viêm phổi. Do đó, người bệnh không nên chủ quan khi có các triệu chứng trên mà cần đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng thăm khám để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

"Ngay tại nhà, người bệnh có thể kết hợp các cách đơn giản để giảm bớt triệu chứng sưng đau họng như: súc họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, chườm ấm cổ họng, ngậm thuốc trị đau họng. Nên ăn thực phẩm mềm, trái cây, tránh đồ ăn để lạnh, rửa tay chân thường xuyên…" - BS Hải Hà lưu ý thêm

Nguy cơ ung thư

Theo TS-BS Nguyễn Trọng Minh, chuyên khoa Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy, thông thường viêm họng kéo dài không gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, có khi viêm họng kéo dài chính là biểu hiện của những tổn thương và các nguy cơ tiềm ẩn. Đơn cử, bệnh lý vùng thanh quản cũng là tiền đề cho bệnh ung thư...

Các biến chứng khác của viêm họng như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/sung-dau-hong-cho-coi-thuong-2022102119292616.htm