Theo các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Chiết Giang và Đại học Y khoa Trung Quốc tại Chiết Giang, tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Đây không phải lần đầu các bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm siêu chế biến có thể gây hại cho sức khỏe, nhưng trước đây người ta cho rằng chúng chủ yếu gây các vấn đề chuyển hóa, tim mạch...
Thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn - Ảnh: NEWS-MEDICAL
Tuy nhiên, thông qua phân tích dữ liệu của 500.000 người từ Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan và Anh, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người ăn thực phẩm siêu chế biến nhiều có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn 18% so với người hiếm khi ăn.
Xét theo tỉ lệ năng lượng mà bạn nạp vào qua tất cả các loại thực phẩm, cứ tăng 10% năng lượng đến từ thực phẩm siêu chế biến, nguy cơ bệnh thận tăng 7%.
Nghiên cứu chưa phân tích sâu cơ chế khiến thực phẩm siêu chế biến dễ dẫn đến bệnh thận mạn, tuy nhiên một số phân tích trước đó có thể giúp suy ra nguyên nhân.
Các món ăn siêu chế biến - bao gồm thức ăn nhanh, ăn liền, đồ ăn vặt đóng gói, nước ngọt đóng chai... - thường có mật độ năng lượng cao, nhiều muối, chất béo, đường bổ sung và ít chất xơ.
Tiêu thụ nhiều đường bổ sung - đặc biệt là đồ uống có đường - từng được chứng minh là tăng nguy cơ bệnh thận mạn.
Trong khi đó, tiêu thụ ít chất xơ gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, mà các lợi khuẩn đường ruột vốn được biết đến là có khả năng ngăn ngừa các vấn đề về thận.
Trong quá trình chế biến thực phẩm kiểu công nghiệp, một số chất có hại có thể hình thành bao gồm AGEs, từng gây viêm cục bộ và bệnh thận mạn trong một thí nghiệm trên loài gặm nhấm.
Ngoài ra, các món ăn tiện lợi này dẫn đến tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường type 2... các bệnh này đều góp phần làm tăng nguy cơ bệnh thận....
BÌNH LUẬN