Xuất khẩu vào "đường ray" cao tốc
10:53 | 11/10/2024
Xuất khẩu cả năm 2024 có khả năng cán mốc kỷ lục nếu các doanh nghiệp tăng tốc.
9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước ước đạt 46,28 tỉ USD - tăng 21%; thặng dư thương mại 13,86 tỉ USD - tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông - thủy sản trúng lớn
Các mặt hàng nông sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao là: cà phê 4,37 tỉ USD - tăng gần 40%; rau quả 5,87 tỉ USD - tăng 39%; gạo 4,37 tỉ USD - tăng 24%; hạt điều 3,17 tỉ USD - tăng 23%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 11,7 tỉ USD - tăng 21%...
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho hay ngay từ đầu mùa niên vụ vừa qua, giá cà phê đã đạt từ 60.000 đồng/kg, trong khi các vụ trước chỉ bán với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Giá cà phê sau đó tiếp tục xu hướng tăng, có lúc vượt 130.000 đồng/kg và duy trì ở mức cao khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg vào niên vụ mới.
Nhân viên kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu sang nước này tại Nhà máy chiếu xạ Toàn Phát (tỉnh Long An)
Sầu riêng rộng cửa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.Ảnh: AN NA
Theo Chủ tịch VICOFA, trong niên vụ 2023 - 2024 từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỉ USD - giảm 12,7% về sản lượng nhưng tăng 30,4% về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của ngành này từ trước đến nay.
Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với dự kiến gần 1,23 triệu tấn, kim ngạch 4,32 tỉ USD - giảm gần 18% về sản lượng nhưng tăng 24% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng.
Đáng chú ý, cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) xuất khẩu được khoảng 130.150 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch 898 triệu USD - tăng 44,6% về khối lượng và tăng 76% về giá trị. Điều này cho thấy ngành cà phê đã có sự gia tăng sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu bên cạnh việc xuất khẩu nguyên liệu.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp (DN) đứng thứ 4 về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhận định giá cà phê nguyên liệu hiện nay hơn 5.000 USD/tấn là cao và có thể phải điều chỉnh xuống. Tuy vậy, giá cà phê vẫn sẽ đứng ở mức cao trong vòng 5 năm tới, khi sản xuất cà phê trên thế giới sau đại dịch COVID-19 vẫn chưa phục hồi.
Với ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định nhờ việc Trung Quốc mở cửa thêm 2 mặt hàng chủ lực là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có khả năng đạt 7,5 tỉ USD trong bối cảnh xuất khẩu 9 tháng đã vượt cả năm 2023.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết trong tháng 9-2024, xuất khẩu toàn ngành đạt 866 triệu USD, tăng 6,4%. Các mặt hàng chủ lực là cá tra, tôm, cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt gần 7,2 tỉ USD, trong đó mặt hàng tôm đứng đầu với gần 2,8 tỉ USD.
Xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tăng tốc mạnh vào những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ dịp lễ hội tăng cao, nhu cầu của các thị trường đang phục hồi. Giá xuất khẩu có xu hướng tăng còn là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sớm đạt mục tiêu 10 tỉ USD trong năm nay.
Dệt may nỗ lực
Xuất khẩu dệt may đến hết quý III/2024 đạt 27.348 triệu USD - tăng 8,9%; xuất khẩu giày dép đạt 16.538 triệu USD - tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - chỉ ra đà tăng trưởng tích cực của ngành dệt may một phần do 6 tháng cuối năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng quá thấp.
"Dự báo cả năm nay, đơn hàng dệt may xuất khẩu sẽ tăng trưởng trên 10%. Thị trường Mỹ đang tăng trưởng tốt nhất bởi năm ngoái, thị trường này suy giảm mạnh nhất nên khi năm nay cầu tiêu dùng phục hồi sẽ kéo theo mức chênh lệch lớn. Tuy nhiên, về tổng thể, đơn hàng cải thiện chưa rõ nét, khó sản xuất hơn trước và giá cả cạnh tranh hơn. Hầu hết DN chưa có sự phát triển mà vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động" - ông Tùng phân tích.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023-2024 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành dệt may xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nước ta 9 tháng qua tăng khá, chủ yếu là do đơn hàng của một số nước đang chuyển dịch vào Việt Nam, không phải do nhu cầu thị trường toàn cầu tăng.
"Thị trường Mỹ mang lại doanh thu đột phá trong các tháng đầu năm 2024 là do thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ cao hơn so với nhập hàng Việt. Ngoài ra, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan vấn đề bông Tân Cương (Trung Quốc) cũng khiến đơn hàng chuyển dịch về Việt Nam" - ông Giang giải thích.
Chủ tịch VITAS nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu dệt may năm nay cao hơn năm ngoái, khoảng 43,5 - 44 tỉ USD, là khả thi, dù xuất khẩu 2 tháng cuối năm có thể khó khăn hơn vì tiêu dùng toàn cầu chững lại. Năm 2025, quan hệ căng thẳng giữa một số nước chưa hạ nhiệt sẽ là cơ hội cho xuất khẩu dệt may Việt Nam giữ được sự ổn định và phát triển tốt hơn.
"Ngoài những hiệp định thương mại đã có thì việc Anh đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo ra lực hút rất mạnh cho xuất khẩu dệt may vào nước này. Ngoài ra, còn có một số thị trường mà Việt Nam mới ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" - ông Giang chỉ ra cơ sở của kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu dệt may.
Đồ gỗ lạc quan
Theo Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân gần 1,4 tỉ USD/tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành này 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỉ USD - tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ 9 tháng qua ước đạt hơn 2 tỉ USD - tăng 24,9% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt hơn 10,1 tỉ USD.
Trừ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt 2,7% và 1,4% so với cùng kỳ, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, thị trường số 1 là Mỹ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 5,9 tỉ USD - tăng 24,7%; Trung Quốc đạt 1,3 tỉ USD và châu Âu 630 triệu USD - đều tăng trên 20%.
Tuy xuất khẩu lạc quan song ngành gỗ vẫn đối mặt nhiều thách thức mới khi các thị trường xuất khẩu chính còn có những khó khăn về kinh tế và đưa ra nhiều chính sách bảo hộ hàng hóa chặt chẽ. Trong đó, đáng chú ý là quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, giảm phát thải khí nhà kính, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng, chống trợ cấp giá...
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị khó lường khiến giá cước vận tải biển tăng cao, dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng - có loại tăng đến 40%, kéo giá thành tăng trong khi nhà nhập khẩu yêu cầu giảm giá sản phẩm. Chưa kể, hậu quả của bão số 3 khiến gần 170.000 ha rừng trồng bị thiệt hại cùng nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ bị ảnh hưởng.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định xuất xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ không dễ dàng. Hiệp hội này kiến nghị cơ quan quản lý cập nhật thông tin cũng như có giải pháp hiệu quả ứng phó với các vụ kiện thương mại; giải quyết vướng mắc liên quan việc hoàn thuế GTGT cho DN để họ có vốn phục vụ hoạt động; triển khai cấp chứng chỉ mã số vùng trồng rừng nguyên liệu...
Xuất nhập khẩu 9 tháng tăng 16,3%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9-2024 sơ bộ đạt 65,81 tỉ USD - giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sơ bộ đạt 34,05 tỉ USD - giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sơ bộ đạt 31,76 tỉ USD - giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 578,47 tỉ USD - tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 299,63 tỉ USD - tăng 15,4% và nhập khẩu 278,84 tỉ USD - tăng 17,3% so với cùng kỳ
NGỌC ÁNH - THANH NHÂN - NGUYỄN HẢI
Bài viết gốc: https://nld.com.vn/xuat-khau-vao-duong-ray-cao-toc-196241010191935589.htm
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
CÁC TIN KHÁC
- Đắk Lắk xuất hiện 21 ổ dịch tả lợn Châu Phi (17/10/2024)
- Sản xuất thủy sản giảm mạnh (16/10/2024)
- Xuất khẩu rau quả đã vượt kỷ lục năm 2023 (16/10/2024)
- Giá các loại nông sản tăng cao so với cùng kỳ năm trước (15/10/2024)
- Giá xuất khẩu hồ tiêu dự báo giữ mức tăng (12/10/2024)
- 'Chìa khóa' của nền nông nghiệp bền vững (10/10/2024)
- Nâng giá trị nông sản bằng chế biến sâu (08/10/2024)
- Xuất khẩu nông lâm, thủy sản: Dồn lực về đích (08/10/2024)
- Gia tăng sử dụng phân bón hữu cơ: Giải tỏa những áp lực về ô nhiễm môi trường (08/10/2024)
- Canh cánh nỗi lo về giống ở Đắk Nông (07/10/2024)
- Kim ngạch xuất khẩu nông sản 9 tháng đầu năm đạt hơn 46 tỷ USD (05/10/2024)
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn
Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết,...
- Góp ý các dự thảo truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9
- Đắk Lắk sẽ tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt
- Các hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025
- Đắk Lắk có 2 thí sinh tham gia vòng Chung kết Hội thi “Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc” lần thứ VI
Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?
Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.
- Người nông dân tự chế thuốc thảo dược diệt ruồi vàng hiệu quả
- Máy cuộn rơm, lợi ích kép
- Độc đáo máy đổi “rác” bảo vệ môi trường
- Những phát minh ra đời đầu năm 2019
Sầu riêng và những bước đi trên con đường chính ngạch
Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch là cơ hội lớn để ngành hàng này phát triển.
- Đắk Lắk: Lễ hội nâng tầm sầu riêng Krông Pắc
- Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ nhất
- Sẽ biểu diễn bay khinh khí cầu tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022
- Huyện Krông Pắc: Ra mắt mô hình trồng dổi lấy hạt tại xã Ea Yiêng
- Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP hai tỉnh Đắk Lắk và Hòa Bình
- Vòng chung kết Cúp bóng đá 7 người quốc gia 2024: Kỳ vọng hai đại diện của Ðắk Lắk
- “Xe dù, bến cóc” náo loạn nội thành
- Độc đáo bánh tráng hạt kơ nia
- Thị trường carbon là chìa khóa đưa Việt Nam đến Net Zero 2050
- Quốc hội thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025
- Ðọc sách bằng trí tuệ nhân tạo, nên chăng?
- 2 phương án về quyền mua xăng dầu của thương nhân phân phối
- Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định
- Lãi suất huy động bất ngờ tăng “nóng”: Áp lực mùa tín dụng cuối năm
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN