A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M'gar):

09:13 | 13/11/2013

"Hút" nông dân làm cà phê bằng kỹ thuật và cơ chế về giá

Khi nông dân ở nhiều vùng sản xuất cà phê đang lo lắng vì giá cà phê giảm sâu trong thời gian qua thì hầu hết xã viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (thôn 1, xã Ea Kiết, Cư M’gar) vẫn tương đối yên tâm khi tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, họ không chỉ được nâng cao nhận thức mà còn được bảo đảm cơ chế về giá…

Ngày càng có nhiều nông dân mặn mà hơn với chương trình sản xuất cà phê bền vững.

Năm 2011, HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (thôn 1, xã Ea Kiết, Cư M’gar) được thành lập trên cơ sở một tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững đã hoạt động từ năm 2008 với 49 hội viên. Thông qua Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, HTX được Quỹ Thách thức Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy với hệ thống dây chuyền chế biến ướt cà phê vối, công suất 5-7 tấn cà phê tươi/giờ. Đây là mô hình chế biến ướt cà phê vối đầu tiên do nông hộ sở hữu và vận hành tại Dak Lak. Các xã viên muốn tham gia hệ thống chế biến này, trong quá trình sản xuất cà phê phải đáp ứng bộ tiêu chí với 4 yếu tố: môi trường, kinh tế, xã hội và bảo đảm công bằng. Cụ thể như phải tuân thủ các yêu cầu, quy trình kỹ thuật về trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 80% trở lên; cà phê sau khi thu hoạch, trong vòng 24 giờ phải đưa vào hệ thống chế biến ướt. Sản phẩm cà phê nhân làm ra đáp ứng đủ, đúng các yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận Thương mại công bằng (Fair-trade).

Dây chuyền chế biến cà phê ướt của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết.
Dây chuyền chế biến cà phê ướt của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết.

Những ngày này, cán bộ, công nhân và xã viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết đang tất bật với việc thu hái và chế biến cà phê. Với 97 xã viên được chia thành 5 tổ sản xuất, để bảo đảm chất lượng cà phê chế biến sau thu hái, ban chủ nhiệm HTX đã xây dựng lịch cắt cử việc thu hái đối với các tổ. Khoảng 15 giờ hằng ngày, HTX sẽ nhập cà phê tươi của xã viên để 7 giờ sáng hôm sau dây chuyền chế biến ướt bắt đầu vận hành. Mặc dù HTX được đầu tư xây dựng 3 lò sấy nhưng để tiết giảm chi phí, nếu trời nắng, cà phê nhân sau khi chế biến ướt được đem ra sân phơi, nếu thời tiết không thuận lợi mới đưa vào lò sấy. Ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Tính đến ngày 5-11, dù giá cà phê trên thị trường giảm sâu nhưng HTX vẫn mua của xã viên với mức 38.500 đồng/kg. Để khuyến khích và “giữ chân” xã viên gắn kết với chương trình sản xuất cà phê bền vững, ngoài việc hỗ trợ, kiểm tra, giám sát về quy trình kỹ thuật, xã viên còn được thưởng thêm 300 đồng/kg khi thu hái bảo đảm tỷ lệ chín 80% trở lên. Theo quy định trong điều lệ, mức giá HTX mua của xã viên tỷ lệ thuận theo mức biến động của giá cà phê trên thị trường nhưng điều đặc biệt là có mức giá tối thiểu khi thu mua là 1,8 USD/kg, tức vào khoảng gần 37 nghìn/kg. Đây chính là một trong những điểm có sức hút với xã viên và giúp họ yên tâm sản xuất, chăm sóc, thu hái cà phê bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Anh Phan Văn Báu ở thôn 9, xã Ea Kiết đã mạnh dạn đưa toàn bộ 1,5 ha cà phê của gia đình tham gia chương trình từ khi HTX còn manh nha là tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững. Anh tâm sự: “Thú thực đang làm theo tập quán kinh nghiệm quen rồi, khi làm theo chương trình này cũng thấy mệt mỏi, gò bó và cả phiền phức vì phải tuân thủ nghiêm các quy định về thời gian cắt cành, làm cỏ, tưới nước, bón phân, rồi còn phải ghi chép cẩn thận vào sổ nông hộ nhưng giờ thì quen rồi”. Gần 5 năm tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, anh đã đúc rút và nhận thấy nhiều ưu việt của chương trình này. Anh Báu đơn cử: Theo cách làm cũ dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ… vừa ô nhiễm môi trường, vừa đẩy chi phí lên cao, chiếm tới 30-35% so với tổng thu, năng suất chỉ bằng 70-80% hiện tại. Còn từ khi tham gia chương trình, mức chi phí chỉ bằng 25-30% so với tổng thu; giá bán trung bình cao hơn giá thị trường từ 2-5.000 đồng/kg. Còn chị Nguyễn Thị Mai cũng ở thôn 9, với 2 ha cà phê kinh doanh đã 19 năm tuổi, gần 5 năm làm theo kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, chị đã có thời gian đối chứng, so sánh và nhận thấy tốc độ già hóa của vườn cây chậm hơn nhiều so với trước đó, giá cả bảo đảm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ của thôn, chị đã tuyên truyền, vận động được 19 hộ gia đình hội viên tham gia sản xuất cà phê bền vững.

Chính những ưu việt trong trang bị kỹ thuật, nâng cao nhận thức sản xuất chế biến cà phê thân thiện hơn với môi trường cộng với bảo đảm cơ chế về giá, số xã viên gia nhập HTX liên tục tăng trong những năm qua. Từ 48 hộ xã viên năm 2011 khi HTX chính thức được thành lập, đến cuối năm 2012, HTX đã phát triển thêm 41 hộ xã viên. Tính đến thời điểm này, HTX có tổng số 97 xã viên, trong đó có 3 xã viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững với tổng diện tích 183 ha. Thu nhập bình quân/năm của xã viên tăng từ 30 triệu đồng năm 2011 lên 40 triệu đồng năm 2012 và dự kiến năm 2013, mức thu nhập này sẽ tăng lên 50 triệu đồng. Dây chuyền chế biến ướt của HTX dự kiến chế biến khoảng 900 tấn qủa tươi trong niên vụ sản xuất cà phê này.

Đàm Thuần

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ